Rằm tháng Giêng nên cúng chay hay cúng mặn?

Rằm tháng Giêng là ngày đặc biệt trong phong tục cúng bái gia tiên, tưởng nhớ tới đức Phật của người Việt. Việc chuẩn bị mâm cơm cúng vào ngày này còn nhiều tranh luận, người cho rằng nên cúng chay, người lại thiên về cúng mặn. Vậy nên cúng như thế nào cho đúng?
24/02/2021 10:15

Nguồn gốc của ngày rằm tháng Giêng

Theo dân gian, ngày rằm tháng Giêng còn gọi là tết Nguyên Tiêu, tết Thượng Nguyên, tết Trạng Nguyên… có nguồn gốc từ Trung Quốc. 

Trả lời về nguồn gốc của ngày Tết này trên báo chí, TS Trần Long (Giảng viên khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết ngày này bắt nguồn từ vua Hán Văn của Trung Hoa.

cung ram thang gieng

Nên cúng chay hay cúng mặn vào rằm tháng Giêng? (Hình minh họa)

Theo đó, nhà vua lên ngôi vào đúng ngày nên hằng năm cứ đến ngày này, vua lại ra ngoài chung vui với dân. Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là “tiêu”, đây còn là đêm rằm đầu tiên của năm nên vua Hán Văn gọi ngày này là ngày tết Nguyên Tiêu.

Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (TP.HCM) cũng đã từng cho biết, ngày còn gọi là lễ Thượng Nguyên – thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm. Ngày này, mọi người thường đi chùa để cúng dường, làm nhiều việc thiện, cầu bình an đến với mình và gia đạo.

Nên cúng chay hay cúng mặn vào rằm tháng Giêng?

Theo Phật giáo thì ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng được coi là ngày của Phật. Rằm tháng Giêng là rằm đầu tiên trong năm, nên nhiều người sẽ coi đây là ngày đặc biệt "Lễ phật quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng", vì vậy người ta sẽ làm lễ cầu an để một năm thuận lợi, bình an hoặc làm lễ cắt sao giải hạn vào ngày này.

Theo Phật giáo thì ngày mồng một và ngày rằm hằng tháng được coi là ngày của Phật, các tín đồ đến ngày ấy phải đi lễ chùa. Rằm tháng giêng là rằm đầu tiên, nhiều người tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của phật tử.

Thông thường vào ngày rằm tháng Giêng các gia đình sẽ sắm 2 lễ: Lễ cúng Phật và lễ cúng gia tiên. Lễ cúng gia tiên có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượi. Lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết cùng hương hoa, đèn nến.

Trong ngày này nhà nào theo đạo Phật thì cúng chay và ăn chay, nhà nào không theo đạo Phật thì cúng chè xôi và đồ mặn, tùy điệu kiện và phong tục tập quán mỗi nơi để chuẩn bị lễ vật cho phù hợp.

Do vậy, việc cúng chay hay cúng mặn vào ngày này tùy thuộc vào mỗi gia đình, mỗi địa phương khác nhau. Hoàn toàn không có chuyện áp đặt phải cúng thuần chay hay thuần mặn như nhiều người vẫn suy nghĩ.

Ngoài ra, giờ cúng rằm tháng Giêng được nhiều người chọn nhất đó là vào giờ Ngọ ngày này, tức từ 11 giờ đến 13 giờ hoặc từ 10h trở đi là được. Nhưng ngày nay, do công việc bận rộn nên nhiều gia đình dời xuống cúng buổi tối, điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì, miễn là gia chủ thành tâm.

Lưu ý: Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, theo quan niệm dân gian, không có căn cứ khoa học. 

Thùy Dương (tổng hợp)

 

 

 

comment Bình luận

largeer