Sát cánh cùng bà con nông dân đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong đợt dịch COVID-19

Ngày 8/6, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 22 điểm cầu trong nước và 8 điểm cầu quốc tế ở các nước: Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc. Chiều nay 100 tấn vải Bắc Giang được chở vào TP.HCM bằng chuyên cơ riêng, đây là nỗ lực mới nhất của Vietnam Airlines cùng tỉnh Bắc Giang và các đơn vị liên quan để sát cánh cùng bà con nông dân đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều.
08/06/2021 19:41

Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều

Tại Hội nghị, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, với tinh thần quyết tâm thực hiện thắng lợi "mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, người dân trồng vải thiều và doanh nhân tham gia tiêu thụ vải thiều đã có những nỗ lực hết mình đồng hành với chính quyền địa phương để tạo nên một mùa vụ thắng lợi.

Empty

Các đại biểu cắt băng khởi động các chuyến xe chở vải thiều tiêu thụ ở trong nước và quốc tế năm 2021

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công tác tiêu thụ vải thiều; phát huy tối đa các kênh phân phối truyền thống với các bạn hàng trong và ngoài nước; triển khai kênh phân phối thương mại điện tử; linh hoạt phương pháp giao nhận hàng để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp cũng đã cam kết mua vải với sản lượng cụ thể, điển hình như Tập đoàn Central Retail cam kết mua khoảng 1.000 tấn vải; hệ thống siêu thị Mega Market tiêu thụ khoảng 500 tấn đến 700 tấn… Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp thu mua, vấn đề vận chuyển hiện nay vẫn còn khó khăn vì Bắc Giang vẫn là địa phương có tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Các đơn vị thu mua kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm thống nhất các biện pháp phòng dịch để thông quan cho nông sản từ Bắc Giang.

Tại hội nghị trực tuyến, ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận. Theo số liệu thống kê của Hải quan Nhật Bản, ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu (2020), vải thiều Việt Nam chiếm khoảng 10% thị phần tại Nhật.

Với phản hồi rất tích cực của năm 2020, các công ty Nhật dự kiến tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam trong mùa vụ 2021 lên gấp nhiều lần. Ông Vũ Hồng Nam cho biết, các doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu đã tăng cường đầu tư các chi phí xử lý, bảo quản quả vải cần thiết để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Nhật Bản. Dự kiến trong năm nay, sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang Nhật Bản.

Empty

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao cách làm của tỉnh Bắc Giang trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều; mong muốn không chỉ có vải thiều mà các nông sản khác cũng có cách làm tương tự để nâng cao giá trị sản phẩm.

Bộ trưởng nêu rõ, thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, hiện đại, nhờ có công nghệ thông tin mà các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ đã được tiếp cận nhanh chóng nhất với người tiêu dùng. Đồng thời giúp cả hai bên tiết giảm tối đa chi phí, thời gian, nâng cao độ tin cậy cho quá trình giao thương.

“Thương mại điện tử đang trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc Bắc Giang chủ động áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới trong tiêu thụ vải thiều là hướng đi đúng, cách đi sáng tạo, hiệu quả trong tình hình hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Empty

Các đại biểu dự hội nghị

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn, sau sự kiện này sẽ có nhiều đối tác, bạn hàng tiếp tục đến với Bắc Giang qua các sàn giao dịch điện tử để thu mua, kinh doanh vải thiều cũng như nhiều sản phẩm đặc trưng khác. Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp, đồng hành, hỗ trợ tạo “luồng xanh” cho vải thiều lưu thông.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Trong đó vải chín sớm khoảng 6.050 ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.

Đến nay, vải thiều của tỉnh Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng.

Empty

Đoàn xe chở vải thiều Bắc Giang xuất phát

Để vải thiều có chất lượng cao nhất đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường trong nước và quốc tế, những năm qua, tỉnh đã kiên trì thực hiện các biện pháp như hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn người trồng vải thiều kỹ thuật canh tác, chăm sóc; ghi chép truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát nội bộ và giám sát từ bên ngoài; thử nghiệm biện pháp che màn để hạn chế sâu bệnh; nhân rộng mô hình hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị; mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... hướng tới 100% vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP.

100 tấn vải Bắc Giang được chở vào TP.HCM bằng chuyên cơ riêng

Chiều nay, chuyến bay VN7217 cất cánh từ Hà Nội đi TP.HCM lúc 16 giờ 25 với hơn 40 tấn vải thiều Bắc Giang. Đây là lần đầu tiên hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines bố trí riêng một siêu máy bay Boeing 787-9 chỉ để chở vải thiều tới tay người tiêu dùng. Đặc biệt, đây cũng lần đầu tiên quả vải được bố trí “ngồi” trên trên ghế khoang hành khách để tăng tải trọng vận chuyển, bên cạnh được chất xếp trong khoang hàng hóa.

Empty

Ngoài chuyến bay trên, trong hôm nay, gần 60 tấn vải thiều khác cũng được Vietnam Airlines vận chuyển trên các tàu bay thân rộng Boeing 787, Airbus A350 từ Hà Nội đi TP.HCM. Như vậy, riêng trong ngày 8/6, tổng số gần 100 tấn vải quả đã được hãng chuyên chở đi tiêu thụ. Đây là những nỗ lực mới nhất của Vietnam Airlines cùng tỉnh Bắc Giang và các đơn vị liên quan nhằm sát cánh cùng bà con nông dân đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều.

Vải thiều Bắc Giang năm nay ghi nhận được mùa lớn, với sản lượng tăng hàng chục nghìn tấn so với năm trước. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã đặt ra bài toán khó cho việc tiêu thụ nông sản thế mạnh này của tỉnh. Đặc biệt, khâu vận chuyển hàng hóa cần phải rất nhanh chóng, với khả năng bảo quản tốt để vải thiều đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng tươi mới.

Empty

Trước yêu cầu này, đường hàng không đã được huy động tối đa để thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh khiến số lượng chuyến bay sụt giảm, máy bay bay phải nằm đất, song, hãng hàng không quốc gia đã cam kết bố trí nguồn lực để đáp ứng tối đa nhu cầu vận chuyển vải quả, đảm bảo lưu thông chuyên chở vải đi khắp vùng miền đất nước và xuất khẩu nước ngoài.

Các giải pháp logistics của hàng không đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho việc tiêu thụ vải thiều. Trước đó, những lô vải thiều đầu tiên của Bắc Giang cũng đã đến Nhật Bản trên các tàu thân rộng của Vietnam Airlines.

Empty

Bên cạnh đáp ứng điều kiện bảo quản vải thiều trong suốt chuyến bay, các chuyến bay chở hàng của Vietnam Airlines cũng tuân theo những tiêu chuẩn phòng chống dịch bệnh hết sức chặt chẽ để ngăn ngừa ảnh hưởng của COVID-19, như khử khuẩn tàu bay sau mỗi chuyến bay, phi hành đoàn, nhân viên hàng hóa đều trang bị bảo hộ y tế khi tác nghiệp…

Tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang năm nay đạt trên 180.000 tấn. Tính đến 6/6, sản lượng tiêu thụ đạt gần 50.000 tấn, gồm 33.600 tấn trong nước và xuất khẩu khoảng 16.400 tấn tại Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Giá bán một kg vải dao động từ 12.000 đến 32.000 đồng.

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Phúc Hưng

comment Bình luận

largeer