Sau sinh bao lâu ăn được tiết canh lòng lợn?

Tiết canh lòng lợn là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Đặc biệt, nhiều người sau khi sinh phải nuôi con bằng sữa mẹ lại có "đam mê" với món ăn này nhưng luôn bị người nhà ngăn cản. Vậy sinh sau bao lâu, mẹ mới có thể ăn được tiết canh lòng lợn?
24/12/2020 15:21

Tiết canh, lòng lợn là món ăn phổ biến ở Việt Nam, thường được sử dụng trong các bữa nhậu, ăn sáng. Người dân thường có quan niệm, sáng mồng 1 ăn tiết canh để lấy may mắn vì tiết canh có màu đỏ.

Tiết canh được chế biến từ nội tạng lợn, sụn, cuống họng...băm nhỏ kết hợp cùng gia vị và tiết lợn sống, để đông lại và sử dụng.

tiet canh

Hình minh họa.

Tuy nhiên, món ăn này lại tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì tiết lợn sống có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình chế biến hoặc tự thân con lợn được lấy tiết bị mắc bệnh. Bệnh phổ biến khi ăn tiết canh mà nhiều người mắc phải chính là liên cầu lợn. Trước đó, tại Việt Nam đã từng ghi nhận nhiều ca mắc liên cầu lợn, thậm chí có người đã tử vong sau khi ăn tiết canh vì mắc bệnh này. 

Trước đó, trong một công bố y khoa đã đăng tải trên báo chí, có khoảng trên 70% bệnh nhân mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh lòng lợn tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.

Trả lời trên Kiến thức, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã từng khuyến cáo thói quen ăn tiết canh lợn của người dân tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ sán, tiêu chảy, tả lị đến các bệnh truyền nhiễm từ lợn, đặc biệt là bệnh liên cầu khuẩn.

lien cau khuan

Có thể bị liên cầu khuẩn do ăn tiết canh. (hình minh họa)

Bản chất của món tiết canh vẫn là ăn sống. Tiết canh lợn sẽ trở nên đặc biệt nguy hiểm khi ăn phải tiết của con lợn đang mắc bệnh. Nguồn tiết của con lợn bệnh chứa nhiều vi sinh vật, vi khuẩn, virut, ký sinh trùng... Người ăn tiết canh từ con lợn bệnh sẽ rất dễ nhiễm bệnh từ lợn.

Còn về lòng lợn, theo Đông y thường gọi bằng cái tên là trư đỗ. Lòng lợn có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng kiện tỳ vị, ích thận bổ hư. Đây là nội tạng động vật có chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, protein, sắt và nhiều khoáng chất khác.

Tuy nhiên, hàm lượng cholesterol trong lòng lợn rất cao, lại dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại cho sức khỏe như giun, sán, liên cầu lợn Streptococcus suis. 

Ngoài ra, nội tạng của lợn nói riêng dễ nhiễm khuẩn và chứa nhiều ký sinh trùng gây bệnh. Nếu bà mẹ sau khi sinh ăn lòng lợn không nấu chín kỹ sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn, mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như: đau bụng, tiêu chảy, tả, kiết lị…  Khi em bé bú sữa mẹ vào cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Lòng lợn có nhiều nhiều cholesterol nên dễ gây khó tiêu khi ăn. Đối với những người sức khỏe yếu, cơ thể mệt mỏi, càng ăn lòng lợn sẽ càng khiến tình trạng mệt mỏi trở nên nghiêm trọng hơn.

Hơn nữa, khi mẹ đang cho con bú n lòng lợn vào sẽ dẫn đến tình trạng quá tải, gây cảm giác khó tiêu, đầy bụng do hệ tiêu hóa mới sinh còn yếu. Tình trạng này kéo dài sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng trong cơ thể, ảnh hưởng đến chất lượng sữa...

Do đó, các bà mẹ sau sinh, đang nuôi con nhỏ bằng sữa mẹ không nên ăn tiết canh, lòng lợn. Nếu muốn ăn, tốt nhất nên để sau sinh 6 tháng. Tuy nhiên, các mẹ cần chú ý, không ăn lòng lợn không có nguồn gốc rõ ràng, không đảm bảo vệ sinh; không ăn lòng lợn chưa được chế biến chín kỹ, làm sạch sẽ để loại bỏ vi khuẩn, giun sán.

Xuân Hương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer