Sinh con sau 10 năm hiếm muộn

10 năm kết hôn không có con, là dâu cả, chị Thủy sợ hãi những lần về quê ăn Tết bởi ai cũng hỏi.
30/09/2020 14:16

Năm nay thì khác. Ngày 18/9, chị Thủy chuyển dạ. Bé trai chào đời nặng 3 kg, được đặt tên là Trần Quang Sáng.

"Tết năm nay sẽ là cái tết trọn vẹn và khác biệt nhất khi có thêm tiếng trẻ thơ", hai vợ chồng chia sẻ.

Anh Trần Viết Đoàn là quân nhân, chị Trần Thanh Thủy là giáo viên, cùng 35 tuổi, kết hôn tháng 6/2011. Do tính chất công việc, hai vợ chồng thống nhất sinh con luôn ngay sau kết hôn bởi anh Đoàn có khi cả năm mới được về. Chờ mãi không có tin vui, chị Thủy nhạy cảm hơn với mọi lời hỏi thăm. Sợ bị nhắc "đừng mải làm ăn, đẻ con đi", chị cũng hạn chế về quê.

Khó khăn lớn nhất suốt quãng thời gian ấy là hai vợ chồng phải sống xa nhau. Anh Đoàn còn là con cả nên áp lực cứ ngày một lớn.

Có bệnh thì vái tứ phương. Hai vợ chồng đến phòng khám, thử thuốc nam, đông y và làm ba lần IUI (thụ tinh nhân tạo) nhưng không thành. Việc điều trị dần đi vào bế tắc khi bác sĩ không tìm được nguyên nhân gây hiếm muộn.

1565dbaf2d27d2798b36-8671-1601286760

Tháng 9/2019, vợ chồng đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm, trực tiếp thăm khám và chỉ định làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Bác sĩ cũng động viên hai vợ chồng cần phải chữa bệnh "tinh thần" trước. May mắn, chị Thủy thành công, đậu thai ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên nhưng cần phải theo dõi thêm.

Vô sinh, hiếm muộn có nhiều nguyên nhân như tinh trùng yếu, kém, tỷ lệ dị dạng cao hoặc rối loạn buồng trứng, tắc vòi trứng bệnh tử cung, rối loạn phóng noãn (rụng trứng), niêm mạc tử cung mỏng hoặc viêm lộ tuyến... Trong các cặp vợ chồng vô sinh, 40% do vợ, 30% do chồng, 20% do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, sau ung thư và bệnh tim mạch ở thế kỷ 21. WHO cũng chỉ ra Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và vô sinh cao, 7,7% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đang đối mặt với hiếm muộn. Ước tính cả nước hiện nay có trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn cần khám và điều trị.

Kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng phát triển. Hiện có nhiều phương pháp điều trị như thụ tinh nhân tạo (IUI) bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Các trường hợp vô tinh do tắc nghẽn sẽ được áp dụng phương pháp PESA, chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da. Trường hợp vô sinh không do tắc nghẽn phù hợp để triển khai phương pháp TESE hoặc Micro TESE.

Cộng đồng ngày nay cũng cởi mở hơn đối với người vô sinh, hiếm muộn. Nhiều gia đình không còn mặc cảm, chủ động tìm đến bác sĩ điều trị.

Bác sĩ khuyên vợ chồng nên khám tiền hôn nhân để kiểm tra khả năng sinh sản và điều trị theo phác đồ chỉ định của bác sĩ, đảm bảo an toàn trước khi mang thai.

"Mười năm, tôi chỉ chờ được nói một câu 'có thai rồi'", chị Thủy nhớ lại giây phút thử que lên hai vạch. Từ hôm đó, cuộc sống hai vợ chồng như bước sang trang mới. Tết 2020 cũng là tết đầu tiên chị không áp lực chuyện con cái khi về quê với họ hàng.

Thời gian chị mang thai rơi vào thời gian cả nước chống dịch Covid-19. Anh Đoàn phải thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị nên chỉ gặp vợ được một lần trong 9 tháng thai kỳ. Hàng ngày, anh tranh thủ gọi điện về nhà động viên vợ, dặn gia đình nội ngoại hỗ trợ, giúp đỡ. May mắn, chị Thủy mang thai khỏe mạnh nên anh cũng yên tâm công tác.

Ngày 18/9, chị Thủy chuyển dạ. Ngồi chờ phía bên ngoài phòng mổ, anh Đoàn không giấu được lo lắng, hồi hộp.

"Mãi đến lúc điều dưỡng viên gọi tên, cho bố được ngắm con, tôi vẫn nghĩ mình đang mơ", anh Đoàn nói.

Theo Vnexpress

comment Bình luận

largeer