Sơ cứu đuối nước cho trẻ thế nào là đúng

Mùa hè nóng nực, các gia đình thường cho trẻ đi bơi để giải tỏa nóng bức và cho con tập luyện, học bơi. Tuy nhiên, nếu bất cẩn lơ là, bé rất dễ có thể bị đuối nước. Vậy, Sơ cứu đuối nước cho trẻ thế nào là đúng? Nhiều người vẫn nghĩ dốc ngược trẻ lên, như vậy là hoàn toàn sai.
26/07/2018 18:10

Mùa hè là thời điểm trẻ được nghỉ hè, và cũng là lúc thường xuyên xảy ra các tai nạn đuối nước, nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nặng và phải thở máy.

Theo các chuyên gia, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trong số trẻ em bị tai nạn thương tích. Tuy nhiên, nếu biết sơ cứu nhanh chóng và đúng cách sẽ cứu được tính mạng trẻ.

BS. Phạm Ngọc Toàn - Khoa Cấp cứu (BV Nhi Trung ương) cho biết, nhiều bệnh nhi đuối nước được chuyển từ các tuyến cơ sở lên, đã được đặt nội khí quản, ý thức bệnh nhân kém do bị chìm dưới nước, thiếu oxy cho não.

Đại đa số trường hợp do cấp cứu không đúng khi vớt được bệnh nhân lên, đến khi chuyển đến bệnh viện thì hầu hết đã hôn mê sâu.

Sai lầm khi dốc ngược, vác trẻ đuối nước trên vai chạy sẽ không cứu được trẻ - Ảnh 1.

 

Sơ cứu đuối nước cho trẻ thế nào là đúng - Điều dưỡng hướng dẫn cách sơ cứu trẻ khi bị đuối nước

BS. Toàn nhấn mạnh, đứng trước một bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim do đuối nước (hay cả hóc dị vật, tai nạn), sơ cứu là thời gian vàng quyết định đến sự sống của bệnh nhân sau đó.

Với một người đã ngừng thở, ngừng tim, hãy mở đường thở, hà hơi, thổi ngạt liên tục đến khi tim đập trở lại, đến khi nhân viên y tế có mặt…

“Sai lầm gặp phổ biến nhất, đó là khi vớt được người đuối lên, người dân cấp cứu bằng cách vác bệnh nhân lên vai rồi chạy, hay dốc ngược lên với hi vọng nước ọc ra.

Tuy nhiên, vấn đề chính lúc này là do bệnh nhân bị chìm lâu trong nước, nước vào đường thở, thiếu oxy, gây suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim nên cấp cứu ngừng thở, ngừng tim là vô cùng quan trọng, quyết định sự sống của nạn nhân.

Quan trọng nhất lúc này là cấp cứu cơ bản gồm hà hơi, thổi ngạt, ép tim để cấp oxy cho não. Vác lên chạy, hay dốc ngược bệnh nhân để ọc nước ra làm mất thời gian vàng cứu sống bệnh nhân”- BS. Toàn chỉ rõ.

Bác sĩ cũng lưu ý, hãy nhớ nguyên tắc, thấy một người đuối nước, không được phép biến mình trở thành nạn nhân thứ 2.

Thấy người đuối nước mà không biết bơi, hãy gọi hỗ trợ thay vì nhảy xuống cứu bệnh nhân vì khi đó, hậu quả tăng gấp đôi.

Khi vớt được bệnh nhân hãy đánh giá bệnh nhân, gọi hỏi xem có đáp ứng không.

Nếu đáp ứng, trả lời tốt đưa về tư thế hồi phục, nằm nghiêng sang một bên. Khi gọi hỏi không đáp ứng, ngay lập tức hô lớn, gọi người hỗ trợ rồi nhanh chóng mở thông đường thở.

Sai lầm khi dốc ngược, vác trẻ đuối nước trên vai chạy sẽ không cứu được trẻ - Ảnh 2.

 

Luôn theo sát trẻ khi đi bơi

Để phòng tránh đuối nước, bác sĩ khuyến cáo, khi đi tắm ở ao hồ biển, hãy luôn cho trẻ mặc áo phao/phao. Kiểm tra độ sâu và chướng ngại vật trước khi cho trẻ bước chân xuống nước. Luôn bơi cùng trẻ và bơi không quá xa bờ 15m.

Không nên để trẻ tắm quá 2 tiếng liên tiếp, vì điều này có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh. Không nên tắm vào thời điểm từ 11h trưa đến 3h chiều. Nên thường xuyên chú ý đến trẻ em vì ngay cả trong nước cạn, sóng cũng có thể đánh úp khiến trẻ chới với.

Cần thận trọng khi cho trẻ tắm biển trong thời tiết xấu, sóng lớn; tắm ở vùng hoang vắng tắm gần các bến bãi tàu bè, mỏm đá, cọc đóng trên biển…

Tắm biển cần chỉ cho trẻ tắm tại các bãi biển có đội cứu hộ và tắm trong khu vực bơi được chỉ định. Trẻ không được tắm nếu mắc bệnh: Viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi, viêm tai giữa, viêm thận, các bệnh tim mạch...

Ngoài ra, cần cho trẻ lập tức lên bờ nếu trẻ cảm thấy lạnh người, mệt mỏi đột ngột, nhức đầu hoặc đau nhức sau gáy, chuột rút, ngứa ngáy cơ thể, rối loạn thị giác, đau khuỷu tay và đầu gối có dấu hiệu bị trướng bụng…

Cha mẹ hãy nhắc trẻ tránh xa các dòng chảy siết, tắm quá xa bờ biển, hồ, ao nơi quá sâu. Luôn bơi gần nhân viên cứu hộ. Nếu không may bị nước cuốn hãy giơ tay vẫy và la lớn để nhờ người trợ giúp.

comment Bình luận

largeer