Sự kiện y tế năm 2021: Dịch bệnh COVID-19 và thổi giá

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 hoành hành khiến ngành y tế phải vất vả hy sinh nhưng vẫn còn đó hàng loạt bê bối thổi giá khiến nhiều lãnh đạo vướng vòng lao lý.
By Nhất Nam/ Sức Khỏe Cộng Đồng
31/01/2022 13:09
TP HCM và Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: IT).

TP HCM và Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: IT).

Dịch COVID-19 ở Bắc Ninh – Bắc Giang – TP HCM và miền Nam

Năm 2021 vừa qua, cả nước ta đã hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ “cơn bão” dịch COVID-19. Có thể nói, thời điểm dịch bắt đầu bùng phát là sau dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, với các nguồn lây ban đầu là từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) và Bệnh viện K Hà Nội.

Tại miền Bắc, dịch bắt đầu bùng phát mạnh tại Bắc Ninh với khởi phát là ổ dịch tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành. Nguồn lây từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.

Tỉnh Bắc Giang sau đó cũng phát dịch với hàng tram F0 tại khu công nghiệp Quang Châu, khu Vân Trung. Các ca tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội).

Các y, bác sĩ tình nguyện lên đường vào miền Nam chống dịch COVID-19. (Ảnh: IT).

Các y, bác sĩ tình nguyện lên đường vào miền Nam chống dịch COVID-19. (Ảnh: IT).

Dịch COVID-19 sau đó xuất hiện lẻ tẻ tại Hà Nội cùng một số tỉnh và bùng phát mạnh mẽ ở TP HCM.

Khoảng cuối tháng 5/2021, đợt dịch tại TP HCM bùng phát với các ca ban đầu là một nhóm truyền giáo và các F0 chưa rõ nguồn lây. Từ ngày 31/5, TP HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội.

Tại Hà Nội, khoảng tháng 7/2021, sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm cộng đồng TP bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội, kiểm soát việc đi lại bằng giấy đi đường.

Đến nay mặc dù vẫn bùng phát ở nhiều nơi nhưng với quyết sách sáng suốt, kịp thời của Chính phủ, Bộ Y tế các Bộ, ban, ngành, địa phương… công cuộc phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta đã có nhiều biến chuyển, đạt được nhiều kết quả khả quan.

Trẻ em được tiêm vắc xin phòng COVID-19. (Ảnh: Vnexpress).

Trẻ em được tiêm vắc xin phòng COVID-19. (Ảnh: Vnexpress).

Hầu hết người dân đã được tiêm phủ 2 mũi vắc xin và hiện tại đang được tiêm mũi 3. Cùng với đó, các ca bệnh nặng đã giảm đi trông thấy, các F0 biểu hiện nhẹ đã được điều trị tại nhà, nền kinh tế bước đầu hồi phục và phát triển.

Lùm xùm Việt Á “thổi giá” kit xét nghiệm

Song song với kết quả đạt được, năm 2021 qua, ngành y tế cũng xảy ra nhiều bê bối, lùm xùm khiến nhiều quan chức tại Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo CDC một số nơi vướng phải vòng lao lý.

Vụ việc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) “thổi giá” kit xét nghiệm là một trong những lùm xùm lớn nhất trong năm qua.

Các bị can lần lượt từ trái qua phải: Nguyễn Minh Tuấn; Nguyễn Nam Liên; Trịnh Thanh Hùng. (Nguồn ảnh: Bộ Công an).

Các bị can lần lượt từ trái qua phải: Nguyễn Minh Tuấn; Nguyễn Nam Liên; Trịnh Thanh Hùng. (Nguồn ảnh: Bộ Công an).

Đến thời điểm hiện tại, đã có một loạt quan chức, lãnh đạo CDC bị khởi tố gồm: Nguyễn Minh Tuấn - nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; Trịnh Thanh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN.

Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An; Nguyễn Thành Danh - Giám đốc CDC Bình Dương cùng một loạt cán bộ, nhân viên.

Trước đó, Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương cũng đã bị khởi tố.

Phan Quốc Việt (bìa trái) và Phạm Duy Tuyến (bìa phải).

Phan Quốc Việt (bìa trái) và Phạm Duy Tuyến (bìa phải).

Bị can Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An (trái) và Nguyễn Thành Danh - Giám đốc CDC Bình Dương.

Bị can Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An (trái) và Nguyễn Thành Danh - Giám đốc CDC Bình Dương.

Những diễn biến liên quan cho thấy, đây là vụ án rất lớn, liên quan đến nhiều địa phương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã thống nhất đưa vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Cựu giám đốc Bệnh viện tim Nguyễn Quang Tuấn bị bắt

Sau vụ án rung động thổi giá robot ở Bệnh viện Bạch Mai khiến PGS-TS Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện bị bắt, dư luận tiếp tục xôn xao trước vụ việc GS –TS Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến đấu thầu trang thiết bị tại Bệnh viện Tim Hà Nội thời kỳ ông Tuấn làm Giám đốc.

GS –TS Nguyễn Quang Tuấn bị bắt giam vì sai phạm tại Bệnh viện Tim.

GS –TS Nguyễn Quang Tuấn bị bắt giam vì sai phạm tại Bệnh viện Tim.

Bị can Nguyễn Quang Tuấn khi bị khởi tố cũng đang là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội). Ông Tuấn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222, đồng thời bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Sai phạm của ông Nguyễn Quang Tuấn được xác định liên quan đến vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị bắt vì liên quan thuốc ung thư giả

Ngày 10/12/2021, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với ông Trương Quốc Cường, thứ trưởng Bộ Y tế.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao áp dụng biện pháp bắt tạm giam đối với ông Trương Quốc Cường thay thế biện pháp "cấm đi khỏi nơi cư trú" đã được phê chuẩn trước đó, để phục vụ công tác truy tố và xét xử.

Lệnh bắt tạm giam được cơ quan tố tụng đưa ra sau hơn 1 tháng Cơ quan an ninh điều tra khởi tố bị can đối với Thứ trưởng Cường.

Ông Trương Quốc Cường bị bắt vì liên quan thuốc ung thư giả.

Ông Trương Quốc Cường bị bắt vì liên quan thuốc ung thư giả.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiểm sát điều tra vụ án: "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược - Bộ Y tế".

Nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị kỷ luật cảnh cáo, miễn nhiệm chức vụ

Ngày 19/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế và một số cá nhân là cán bộ lãnh đạo, nguyên cán bộ lãnh đạo của Bộ Y tế.

Với cá nhân, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, với cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Ban Thường vụ Đảng uỷ Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến bị kỷ luật.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến bị kỷ luật.

Bà Tiến cũng chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng; vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, ngành Y tế và cá nhân đồng chí.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn bị khiển trách

Từ ngày 2-4/11/2021, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp, đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhận thấy Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã vi phạm các nguyên tắc hoạt động của Đảng, Quy chế làm việc của Ban Cán sự Đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ Y tế, Cục Quản lý dược, nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc, thực hiện liên doanh liên kết, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. (Ảnh: SKĐS).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. (Ảnh: SKĐS).

Những vi phạm nêu trên theo Ủy ban Kiểm tra đã gây hậu quả nghiêm trọng, thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, thiệt hại cho Quỹ Bảo hiểm y tế, ảnh hưởng lớn đến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành y tế.

Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra T.Ư quyết định thi hành kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Trường Sơn, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ bị khởi tố

Ngày 1/3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 11 bị can, trong đó: Bắt tạm giam đối với Bùi Thị Lệ Phi - nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ;

Khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 5 bị can, trong đó có: Cao Minh Chu - Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ; Hồ Phương Quỳnh, nguyên nhân viên ban quản lý dự án Sở Y tế Cần Thơ; Tạ Trường Xuân, nguyên nhân viên Công ty Liên doanh TNHH Tư vấn Y tế Mediconsult Việt Nam.

Ngoài ra, nhiều cán bộ, lãnh đạo của các đơn vị liên quan cùng bị khởi tố cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Cựu giám đốc Sở Y tế Sơn La nhận án tù treo

Ngày 29/12, TAND tỉnh Sơn La đã đưa ra phán quyết với 8 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở Y tế tỉnh Sơn La.

Theo đó, tòa tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim An (nguyên giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La) và Sa Văn Khuyên (nguyên phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

HĐXX kết luận năm 2019, Sở Y tế Sơn La thực hiện đề án mua sắm trang thiết bị y tế tuyến xã, cơ sở với tổng trị giá 10 tỉ đồng. Sở đã ký hợp đồng với Công ty Toàn Cầu để thẩm định giá.

Bị cáo Bùi Thị Hoa đã chỉ đạo Mai Anh Tuấn thông đồng với Tạ Ngọc Chức và Hoàng Vũ Quyển không tổ chức thẩm định giá nhưng vẫn lập khống chứng thư các gói thầu với mức hơn 10 tỉ đồng.

Mặc dù biết Công ty Hưng Phát không đủ điều kiện năng lực nhưng các bị can vẫn hợp thức để đơn vị này trúng thầu…

Trên đây là những sự kiện y tế năm 2021 do PV lược ghi, mời quý độc giả đón đọc các bài báo Tết 2022 >>> (Tại đây).

comment Bình luận

largeer