Tắc tia sữa: Nguyên nhân và cách xử lý nhanh "mẹ bỉm" nên nhớ rõ

Tắc tia sữa là vấn đề phổ biến ở mẹ sau sinh, gây đau đớn và dễ dẫn đến viêm tuyến vú nếu không xử lý kịp thời. Hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa tắc tia sữa sẽ giúp mẹ bảo vệ nguồn sữa và sức khỏe khi nuôi con bú.
18/07/2025 15:48

Tắc tia sữa là gì?

Tắc tia sữa xảy ra khi sữa mẹ không thoát ra hết, bị ứ đọng trong các ống dẫn sữa, gây nghẽn và tạo cục cứng, đau nhức ở ngực. 

Tắc tia sữa thường có các dấu hiệu rõ rệt như ngực căng tức, đau nhức, sờ thấy cục cứng. Sữa ra ít hoặc không ra dù ngực căng. Da vùng ngực có thể đỏ, nóng, đau khi chạm. Một số mẹ kèm theo mệt mỏi, sốt nhẹ. Nếu kéo dài, bé có thể bú khó hoặc bỏ bú do sữa ra không đều.

Nếu không xử lý kịp thời, sữa ứ đọng có thể bị vi khuẩn xâm nhập, gây viêm tuyến vú, sốt và nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và nguồn sữa cho bé.

tisua01

Tắc tia sữa là hiện tượng sữa ú đọng trong các ống dẫn (Ảnh: minh họa)

Nguyên nhân gây tắc tia sữa

Tắc tia sữa có thể do nhiều nguyên nhân:

- Bé bú không hết sữa: Bé ngậm sai khớp ngậm, bú ít hoặc bỏ bú, khiến sữa dư lại trong ống dẫn.

- Mẹ vắt sữa không đúng cách: Bỏ cữ hút sữa hoặc vắt sữa không đều làm sữa ứ đọng.

- Ngực bị chèn ép: Mặc áo ngực chật, nằm nghiêng lâu hoặc đeo nịt ngực sai cách làm cản trở lưu thông sữa.

- Sữa về nhiều: Lượng sữa mẹ về quá nhiều trong khi nhu cầu bú của bé thấp, gây ứ đọng.

- Vệ sinh đầu ti kém: Dẫn đến cặn sữa bít tắc lỗ tiết sữa.

Cách xử lý tắc tia sữa

Khi có dấu hiệu tắc tia sữa, mẹ cần xử lý sớm để tránh biến chứng viêm tuyến vú, áp xe vú hoặc mất sữa. Theo ThS.BS Lê Võ Minh Hương (Bệnh viện Từ Dũ), mẹ có thể áp dụng các biện pháp tại nhà đơn giản và hiệu quả khi bị tắc tia sữa:

Chườm ấm và massage ngực

Dùng khăn ấm hoặc túi chườm nóng áp lên vùng ngực bị tắc sữa trong 10-15 phút để làm mềm mô vú. Sau đó, massage nhẹ nhàng theo vòng tròn từ ngoài vào trong để kích thích sữa lưu thông và giảm tắc nghẽn.

Cho bé bú đúng tư thế, thường xuyên

Đổi nhiều tư thế bú để kích thích đều các ống sữa, giúp sữa lưu thông tốt hơn. Ưu tiên cho bé bú bên ngực bị tắc trước để nhanh chóng làm thông tia sữa.

tisua02

 Cho bé bú đúng tư thế để ống sữa được kích thích đều (Ảnh: minh họa)

Hút sữa bằng tay hoặc máy

Nếu bé bú không hiệu quả, mẹ nên dùng máy hút sữa hoặc vắt sữa bằng tay để lấy sữa ra, giúp thông tia sữa. Tránh hút quá mức hoặc nặn mạnh vì có thể gây tổn thương mô vú.

Uống đủ nước, ăn thực phẩm lợi sữa

Mẹ nên uống 2-3 lít nước mỗi ngày và bổ sung thực phẩm lợi sữa như đu đủ, rau ngót, mè đen, ngũ cốc… để tăng tiết sữa và hỗ trợ thông tia sữa hiệu quả.

Tham khảo bác sĩ khi cần thiết

Nếu sau 24-48 giờ các biện pháp tại nhà không hiệu quả, hoặc mẹ có dấu hiệu sốt cao, sưng viêm, cục sữa không tan, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Lưu ý để phòng tránh tắc tia sữa

Để phòng tránh tắc tia sữa, mẹ nên cho bé bú đúng giờ, đúng khớp ngậm và bú hết sữa mỗi bên ngực. 

Tránh mặc áo ngực quá chật hoặc nằm đè lên ngực để không chèn ép ống dẫn sữa. Nếu bé bú không hết, mẹ cần hút sữa đều đặn để tránh sữa ứ đọng. 

Giữ đầu ti và bầu ngực luôn sạch sẽ, không để sữa đọng lâu gây tắc tia. 

Đồng thời, mẹ nên nghỉ ngơi đầy đủ, giữ tinh thần thoải mái và bổ sung đủ dinh dưỡng, nước uống, vì stress có thể ảnh hưởng xấu đến tuyến sữa.

tisua03

 Không mặc áo ngực quá chật ảnh hưởng đến vùng ngực (Ảnh: minh họa)

Ngọc Hên (Tổng hợp)

comment Bình luận