Tấm lòng của nam điều dưỡng viên Bệnh viện Tâm thần Nghệ An: Chăm sóc người bệnh như người thân trong gia đình

Công việc chăm sóc cho bệnh nhân bình thường tại các bệnh viện của các điều dưỡng viên vốn đã vất vả, đối với những bệnh nhân tâm thần thì vất vả còn gấp bội phần.
10/07/2024 14:56

Thế nhưng, với tình yêu nghề và tấm lòng của người thầy, 10 năm qua, nam điều dưỡng Doãn Hữu Huân, Khoa Tâm thần nữ Bệnh viện Tâm thần Nghệ An vẫn âm thần chịu đựng gian khổ, chăm sóc tận tình, tận tâm từng bệnh nhân, anh luôn xem họ như những người thân trong gia đình. Đối với anh, mỗi bệnh nhân là một người thân, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An là một ngôi nhà. Anh vẫn nỗ lực chăm sóc cho người bệnh để xoa dịu vết thương tinh thần cho người bệnh.

pt

Đối với anh Huân, hiến máu cứu người là nghĩa cử thiêng liêng cao cả, anh luôn sẵn sàng tham gia khi cần

Nghề chọn người

Nói về cơ duyên đến với nghề điều dưỡng, Huân mỉm cười chia sẻ: "Với bản thân anh là nghề chọn người. Nghề điều dưỡng không phải là định hướng ban đầu của anh trong những năm tháng trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, sau thời gian gắn bó lâu dài với công việc, bản thân anh nhận thấy mình phù hợp và ngày một thêm yêu nghề điều dưỡng – một nghề vô cùng cao quý nhưng cũng đầy vất vả, khó khăn".

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, ngày 1/4/2015, anh Doãn Hữu Huân được tuyển dụng vào Bệnh viện Tâm thần Nghệ An và nhận công tác tại Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc. Đầu năm 2024, anh được luân chuyển làm việc tại Khoa Tâm thần nữ. Cả 2 khoa này đều là khoa bệnh nhân nặng, lượng bệnh nhân cao, có nhiều khi trong tình trạng quá tải. Các bệnh nhân điều trị tại những khoa nặng thường là bệnh nhân mãn tính, nằm viện triền miên và đa phần không có người chăm sóc. Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn điều dưỡng, việc đánh răng, rửa mặt, tắm gội, cắt tóc, cắt móng tay, móng chân cho bệnh nhân là việc thường xuyên mỗi ngày của anh Huân và những nhân viên điều dưỡng khác tại bệnh viện. Có những bệnh nhân không chịu ăn uống, điều dưỡng lại động viên, ân cần bón đút từng thìa cháo, muỗng cơm cho họ. Trong đêm trực, điều dưỡng thường xuyên đi tua, kiểm tra từng phòng bệnh, nhắc nhở bệnh nhân ngủ đúng giờ cũng như phát hiện và xử trí kịp thời các dấu hiệu bất thường của người bệnh.

pt1

Mỗi bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, điều dưỡng Doãn Hữu Huân luôn chăm sóc tận tình như người thân trong gia đình của mình

Khi được hỏi những khó khăn của một nam điều dưỡng viên so với nữ điều dưỡng viên, anh Huân chia sẻ: Bản thân anh không thấy điều đó, mà còn thấy những điều dưỡng nữ còn vất vả hơn mình rất nhiều. Vì tính chất nghề điều dưỡng là phải trực đêm nhiều, lại tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân tâm thần. Bản thân mình là nam giới có thể lực, sức khỏe hơn so với các đồng nghiệp nữ nên thuận lợi hơn trong công việc. Anh chia sẻ về những trường hợp bệnh nhân kích động, quậy phá, chống đối, không hợp tác trong điều trị, uống thuốc hay ăn uống, anh cũng như các đồng nghiệp không những phải động viên, dỗ dành mà đôi khi còn phải khống chế để bảo vệ an toàn cho chính người bệnh cũng như bản thân nhân viên y tế.

Kể về những kỷ niệm khi làm việc tại đây, có những lần anh không thể nào quên khi giữa đêm đi hỗ trợ gia đình người bệnh đưa bệnh nhân vào viện vì họ đang trong trạng thái kích động, có những hành vi nguy hiểm và không hợp tác vào viện điều trị. Hay những bệnh nhân luôn trong trạng thái tiêu cực, chán chường, bất cần, không hợp tác chăm sóc và điều trị đã trốn viện và tự tìm về nhà. Những trường hợp như vậy cả khoa phải điều động nhân lực đi tìm khắp nơi, nhiều khi lặn lội trong đêm, có khi phải tìm cả ở nghĩa địa, ao bèo,… và mọi người chỉ thực sự yên tâm khi đã đưa được người bệnh trở lại viện điều trị tiếp. Đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả như thế, tuy nhiên, anh Huân luôn tận tâm với công việc chăm sóc, phục vụ người bệnh của chuyên khoa mang tính chất đặc thù, riêng biệt này, không hề dao động mà vẫn luôn vững tâm tận tuỵ với công việc.

Tận tâm, luôn hết mình vì công việc, chăm sóc bệnh nhân chu đáo, tỉ mỉ. sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ với đồng nghiệp, là những nhận xét của cán bộ công nhân viên Bệnh viện Tâm thần Nghệ An về Điều dưỡng viên Doãn Hữu Huân – Khoa Tâm thần nữ của bệnh viện. Gần 10 năm công tác trong nghề, điều dưỡng Huân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với một ý thức trách nhiệm và sự tận tâm. Anh nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó, với các đồng nghiệp, luôn thân thiện, hoà đồng, cởi mở, chân thành và tận tình hỗ trợ trong công việc cũng như trong cuộc sống. 

“Nghiện” đi hiến máu nhân đạo

Không chỉ tận tâm trong công việc, điều dưỡng Huân luôn năng nổ trong các công tác đoàn thể, hoạt động thiện nguyện. Đặc biệt, trong các chương trình hiến máu nhân đạo, như lời ví von của một đồng nghiệp tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An thì anh Huân bị “nghiện” đi hiến máu nhân đạo.

pt7

Đối với anh Huân, hiến máu cứu người là nghĩa cử thiêng liêng cao cả, anh luôn sẵn sàng tham gia khi cần

Từ khi gắn bó với nghề đến nay, anh Huân đã 15 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Mỗi khi có các chương trình hiến máu tình nguyện được phát động, anh đều nhiệt tình, tự nguyện đăng ký tham gia. Anh luôn tâm niệm “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

Bên cạnh đó, là một điều dưỡng trẻ, anh luôn năng nổ tham gia các phong trào thi đua, thể dục, thể thao, văn hoá văn nghệ tại đơn vị. Nhiều năm liền anh là thành viên đội văn nghệ bệnh viện, tham gia các giải đấu cầu lông, bóng chuyền nội viện cũng như đại diện bệnh viện tham gia các giải cầu lông của Sở Y tế Nghệ An và đạt thành tích cao. Năm vừa qua, anh cũng là một thành viên xuất sắc cùng đội thi Bệnh viện Tâm thần Nghệ An tham gia các Hội thi như “Hội thi tìm hiểu phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành y tế tỉnh Nghệ An năm 2023”, “Hội thi điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên giỏi tỉnh Nghệ An năm 2024”.

“Mải đi chống dịch COVID-19, trở về con không nhận ra… bố”

Đó là câu chuyện vừa buồn cười vừa đáng thương và đầy xúc động của điều dưỡng Doãn Hữu Huân khi tham gia vào công cuộc chống đại dịch COVID-19.

pt2

Anh luôn có mặt ở mọi điểm nóng trong công cuộc chống đại dịch COVID-19 của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An

Trải qua hơn 3 năm chống chọi với đại dịch COVID-19, chúng ta có thể thấy những ảnh hưởng, hậu quả nghiêm trọng của nó để lại với xã hội. Với ngành y cũng vậy, người thầy thuốc, nhân viên y tế phải xa gia đình, xa người thân để hoàn thành công việc trách nhiệm chăm sóc cho từng bệnh nhân, túc trực 24/24 để sẵn sàng hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ người bệnh trong mọi tình huống. Trong cuộc chiến khốc liệt đó, hình ảnh người chiến sĩ áo trắng sáng ngời như một niềm hi vọng vào sự chiến thắng cuối cùng.

Sau khi xuất hiện ca F0 đầu tiên tại TP. Vinh vào những ngày đầu tháng 4/2021, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã khẩn trương thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để phòng chống dịch. Mặc dù vậy, khi xuất hiện ca F0 đầu tiên là nhân viên y tế của viện, bệnh viện dù căng thẳng nhưng vẫn nhanh chóng phong tỏa toàn viện, thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Trong hơn 1 tháng phong toả y tế đó, điều dưỡng Huân luôn là một nhân viên tích cực tham gia tăng cường lực lượng hỗ trợ tại viện và không về nhà. Và cuối cùng, sau tất cả những vất vả nhọc nhằn của toàn đội ngũ y tế, sau hơn 1 tháng phong tỏa, ngoài 4 F0 được phát hiện kịp thời và đưa đi điều trị, gần 500 bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế đã được bảo vệ an toàn. Bệnh viện không có ca lây nhiễm ra cộng đồng. Đây là một thành quả to lớn của toàn thể Ban lãnh đạo, nhân viên, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã nỗ lực suốt một tháng qua. Trái ngọt đã đến sau những sự cố gắng không ngừng nghỉ của bệnh viện, với quyết tâm vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thực hiện khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân.

pt3

Anh luôn có mặt ở mọi điểm nóng trong công cuộc chống đại dịch COVID-19 của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An

Không chỉ dừng lại ở đó, điều dưỡng Huân cùng Bệnh viện Tâm thần Nghệ An luôn là cá nhân, đơn vị tiên phong chi viện nhân lực tham gia lấy mẫu cộng đồng của Sở Y tế Nghệ An. Biết bao ngày đêm, đội quân áo trắng của bệnh viện miệt mài khắp những nẻo đường thành Vinh, thực hiện lấy mẫu cộng đồng, bóc tách F0, vì mục tiêu một ngày thành Vinh khỏe lại.

Mặc dù vất vả suốt mấy tháng trời, nhưng khi nghe thấy lời kêu gọi của miền Nam ruột thịt, các chiến sĩ áo trắng của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An lại tiếp tục xốc lại tinh thần, sẵn sàng chi viện cho miền Nam thân yêu. Theo lời kêu gọi của Sở Y tế Nghệ An, điều dưỡng Huân cùng 3 đồng chí là bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện xung phong tham gia tiếp lửa cho miền Nam. Mặc dù vừa trải qua hơn 1 tháng ròng rã phong tỏa tại viện, sau đó là chi viện nhân lực lấy mẫu cộng đồng, nhưng điều dưỡng Huân cũng như các đồng chí y bác sĩ, điều dưỡng viên của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An luôn hừng hực ý chí, quyết tâm lên đường chia lửa với đồng đội.

pt4

Anh luôn có mặt ở mọi điểm nóng trong công cuộc chống đại dịch COVID-19 của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An

Điều dưỡng Huân tâm sự, điều anh cảm thấy hạnh phúc, tự hào nhất trong suốt gần 10 năm qua là được làm công việc mình yêu thích, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc khống chế thành công dịch bệnh COVID-19. Trong gần 1 tháng rưỡi ròng rã gồng mình của lực lượng y tế chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 13, đồng chí Huân cùng các chiến sĩ áo trắng đồng nghiệp đã luôn hết mình chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân uống thuốc, điều trị, lắp máy thở cho bệnh nhân nặng. Đặc biệt với những trường hợp bệnh nhân tử vong, anh cùng đồng nghiệp phải tự tay quấn thi thể người bệnh và chở vào nhà xác bệnh viện. Đó là những hình ảnh đau lòng mà anh không bao giờ có thể quên được trong hành trình cống hiến với nghề của mình. Không chỉ dừng lại ở đó, hơn một tháng rưỡi gắn bó với TP. Hồ Chí Minh, hình ảnh những người dân vô gia cư, gặp hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa khiến anh Huân luôn cảm thấy bận tâm, canh cánh trong lòng. Do đó, anh đã kêu gọi đồng nghiệp san sẻ những suất cơm của mình giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch, “lá lành đùm lá rách”.

Sau nhiều tháng xa nhà, khi đi, cô con gái bé nhỏ của điều dưỡng Huân mới chập chững, khi anh về bé đã có thể chạy nhảy nhưng lại không nhận ra bố, không cho bố bồng bế làm anh có đôi chút chạnh lòng, thương con, thương gia đình vì không được chứng kiến những bước đi đầu đời của con, không thể ở bên cạnh chăm lo, bảo vệ cho gia đình trong giai đoạn đại dịch khó khăn, vất vả.

pt5

Anh luôn có mặt ở mọi điểm nóng trong công cuộc chống đại dịch COVID-19 của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An

Với những đóng góp của mình trong công tác chăm sóc, bảo về sức khoẻ Nhân dân, anh vinh dự được Bộ Y tế, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, Sở Y tế Nghệ An tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Về phía đơn vị, anh được nhân Giấy khen đạt tiêu chuẩn Đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiêu biểu” năm 2021, "Đoàn viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn". Về chuyên môn, anh được Ban chấp hành Hội điều dưỡng tỉnh Nghệ An tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và phát triển Hội Điều dưỡng tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2017-2022. Những phần thưởng cao quý này chính là động lực để điều dưỡng Huân cũng như những nhân viên y tế tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần “lương y như từ mẫu”, điều dưỡng Doãn Hữu Huân luôn tự nhủ phải hết lòng vì người bệnh, cố gắng hoà thành tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc. Và hơn cả, phần thưởng anh mong muốn nhận được mỗi ngày chính là nụ cưới chiến thắng bệnh tật của người bệnh.

Những bông hoa thầm lặng tỏa hương ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An

Không chỉ một mình điều dưỡng Huân, tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An còn có hơn 200 cán bộ công nhân viên y bác sĩ đang không quản ngại khó khăn gian khổ, ngày ngày phấn đấu chung tay xây dựng đơn vị, góp phần xoa dịu đi nỗi đau tinh thần, không chỉ của bệnh nhân và còn mang lại những tiếng cười, niềm hạnh phúc sum vầy của biết bao gia đình, là những bông hoa đang âm thầm tỏa hương dịu dàng, mang tình thương bao la của người thầy thuốc Việt Nam đến người bệnh, họ là những tấm gương sáng về lòng y đức.

pt8

Hơn 200 cán bộ y bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đang ngày đêm nỗ lực chăm sóc cho người bệnh với phương châm “Người bệnh là người nhà, bệnh viện là gia đình”

Bệnh viện Tâm thần Nghệ An là bệnh viện chuyên khoa hạng II tuyến tỉnh có nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tâm thần cho Nhân dân tỉnh nhà và các tỉnh lân cận cũng như các tỉnh biên giới của nước bạn Lào. Với đặc thù công việc chuyên ngành, các bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã vượt qua vô vàn những khó khăn, vất vả để điều trị và chăm sóc cho đối tượng bệnh nhân đặc biệt này.

Ngày 11/7/1974, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An ra đời trên cơ sở tiếp quản tách từ Khoa Tâm thần kinh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đóng trên địa bàn huyện Thanh Chương, quy mô chỉ với 30 giường bệnh. Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, với sự nỗ lực không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên bệnh viện, hiện nay, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã có cơ sở hạ tầng khang trang và rộng rãi hơn, quy mô 275 giường bệnh kế hoạch, 342 giường bệnh thực kê với 17 khoa, phòng và hơn 200 cán bộ, viên chức, người lao động. Trước thực trạng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ tâm thần ngày càng cao của người dân, thời gian qua, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên y tế chuyên sâu; Cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại với nhiều phương pháp, dịch vụ kỹ thuật cao để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Hàng năm, bệnh viện khám cho hơn 10 nghìn lượt người, điều trị nội trú cho gần 4,5 nghìn lượt người bệnh, công tác chỉ đạo tuyến và triển khai Chương trình mục tiêu chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng được bệnh viện thực hiện kịp thời, hiệu quả 460/460 xã trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Tâm thần Nghệ An quyết tâm tiếp tục chung sức, đồng lòng, nỗ lực, phấn đấu để phát triển chuyên môn, xây dựng đội ngũ nhân viên y tế vừa hồng vừa chuyên, hướng đến phát triển bệnh viện bền vững, trở thành bệnh viện hạt nhân khu vực Bắc Trung Bộ về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tâm thần.

Phạm Thắng - Ảnh: NVCC

comment Bình luận

largeer