Tâm thư của một nữ chủ cửa hàng, sau 2 năm đối mặt với đại dịch COVID-19

Với tâm thế khá điềm tĩnh của một người làm kinh doanh hơn 10 năm, chị Phương Thúy - Chủ cửa hàng ăn uống trên phố Trúc Bạch, Hà Nội tự thấy mình là người có nền tảng khá vững trong lĩnh vực đang kinh doanh.
17/09/2021 10:45

Tôi từng làm việc trong ngành giáo dục, học MBA ở một quốc gia phát triển như Úc, làm kinh doanh cả ở Úc - Việt Nam và đang mở rộng ở thị trường Hàn Quốc... Vậy mà tôi không khỏi hoang mang khi dịch bệnh COVID-19 ập tới và kéo dài suốt thời gian gần 2 năm nay. Lúc đầu tôi cũng bị mất phương hướng, rồi sau đó là loay hoay tìm cách chống đỡ và giờ là làm quen để cùng sống chung với dịch bệnh.

Cách đối mặt với dịch bệnh

Là một trong những doanh nghiệp còn trụ lại được sau thời gian dài của dịch bệnh, tôi phải chịu rất nhiều áp lực, như tiền mặt bằng, tiền nhân viên, các khoản chi phí khác (là doanh nghiệp lâu năm muốn ổn định lâu dài, tôi không thể cho nhân viên chính nghỉ việc mà vẫn phải hỗ trợ mức lương cơ bản hàng tháng 6 triệu đồng/ người + chi phí nuôi ăn, ở ngay cả lúc cửa hàng bị đóng, không hoạt động trong suốt thời gian dài).

Chị Phương Thùy dọn dẹp cửa hàng để mở bán vào trưa ngày hôm qua 16/9

Chị Phương Thùy dọn dẹp cửa hàng để mở bán vào trưa ngày hôm qua 16/9

Vì muốn sau dịch bệnh cơ sở kinh doanh vẫn phải tiếp tục phát triển, tôi phải có những hướng đi mới và thay đổi cho hoạt động kinh doanh của mình. Ví dụ như cơ sở kinh doanh trên phố Trúc Bạch, mô hình trước đây tôi tập trung vào lượng khách du lịch chiếm tới 40% doanh thu cửa hàng. Nay do dịch bệnh, tôi tự nhìn nhận khách du lịch chưa thể quay lại ngay nên tôi đã phải có những định hướng mới cho cửa hàng.

Đưa ra phương hướng mới như là kết hợp với ban nhạc chơi hàng tối trên tầng 4 của tòa nhà, mở các câu lạc bộ tiếng Anh, câu lạc bộ phụ nữ, câu lạc bộ khởi nghiệp (tất cả đều dựa vào khả năng tôi vốn có) với mục tiêu tăng thêm lượng khách Việt tới cửa hàng. Thêm nữa, tôi vẫn đầu tư làm mới và thay đổi giao diện của cửa hàng, thay đổi menu, cách thức hoạt động của cửa hàng (mở cửa sớm hơn và đóng cửa muộn hơn)... tôi muốn có có sự thay đổi, để thu hút thêm nhiều đối tượng khách hơn nữa.

Bản thân tôi cũng phải tìm kiếm thêm các khoản thu nhập khác từ việc viết bài, tư vấn setup quán Cafe - nhà hàng và kinh doanh thêm bất động sản... để lấy các khoản tiền bù cho các cơ sở kinh doanh đang bị đóng cửa trong thời gian dịch bệnh.

3 yếu tố còn tồn đọng

Theo tôi lý do dẫn đến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, không chỉ là yếu tố dịch bệnh mà còn là sự tồn đọng của 3 yếu tố sau:

- Với cách quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam còn chưa được thắt chặt, phần nào tạo sự thuận lợi cho người kinh doanh trong việc giấy cấp phép, nhưng nó lại là “con dao hai lưỡi” cho những người làm kinh doanh. Nếu thắt chặt yếu tố cấp phép, tạo khó khăn ban đầu cho người khởi nghiệp (tạo các yếu tố cần như chứng minh tài chính, chứng minh tay nghề, địa điểm được cấp phép, mô hình kinh doanh được hoạt động...) như vậy sẽ có sự sàng lọc kỹ càng hơn và điều này đồng nghĩa với việc người muốn kinh doanh cũng có sự nhìn nhận kỹ lưỡng không ồ ạt như hiện tại.

Empty

- Giáo dục: Còn thiếu tính thực tế, mang tính kinh doanh kiến thức quá nhiều... Hiện nay, tôi thấy các khóa học đào tạo về kinh doanh, khởi nghiệp mọc lên như nấm (đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài này). Cứ ai hễ khó khăn, nhàm chán với công việc hoặc có khi là chưa có nghề... là họ đều nghĩ tới kinh doanh. Trào lưu tự kinh doanh cộng hưởng các khóa học được mở dễ dàng và đào tạo dễ dàng không chọn lọc...( người có vài chục triệu, vài trăm triệu, người có cả vài tỷ đồng...đều được đào tạo như nhau và cùng học một khóa học giống nhau). Vậy có nghĩa, lại một lần nữa giáo dục cũng không có sự sàng lọc... Dễ dàng khởi nghiệp, thì cũng rất dễ dàng thất bại và điều này ảnh hưởng rất lớn tới những người đang kinh doanh, để lại hậu quả là ảnh hưởng tới nền kinh tế chung của nước nhà.

- Nhận thức con người: Vì 2 yếu tố trên đã thiếu đi sự kiểm soát - sàng lọc, thì bản thân mỗi người muốn làm kinh doanh nên có sự nhận diện rõ ràng về bản thân mình và để có những thay đổi hành vi khi muốn đưa ra bất cứ một quyết định khởi nghiệp nào.

Tôi hy vọng bài viết của tôi phần nào thức tỉnh được sự nhìn nhận của các bạn muốn bước chân vào kinh doanh. Trước khi đưa ra bất cứ một kế hoạch kinh doanh nào thì hãy lên cả kế hoạch những rủi ro có thể xảy đến. Hãy xác định, kinh doanh là một con đường dài hơi, cần phải đầu tư cả về kiến thức, tâm lý, sức chịu đựng, sự nỗ lực và yêu nghề... không chỉ có dịch COVID-19 mới có thể gây khó khăn, mà nên xác định, kinh doanh thì các yếu tố như suy thoái kinh tế, thiên nhiên hay ngay cả sức khỏe của bản thân cũng là rủi ro khó kiểm soát. Không có công thức chung cho bất cứ một thành công nào. Với tôi, khởi dựng cửa hàng trên phố Trúc Bạch sau thời gian dài dịch bệnh không khác nhiều so với khởi nghiệp lại từ đầu, tôi dù đã xác định được khó khăn trước mắt, nhưng vẫn luôn có một tư duy đó là người đi đến cuối cùng là người thành công. Tôi đánh đổi nhiều thứ trong 2 năm qua để giữ lại cơ sở kinh doanh lâu năm của mình, vì thế bằng mọi giá tôi sẽ phát triển một cách tươi mới nhất - hoàn thiện nhất.

* "Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer