Tăng 13kg, cậu bé bất ngờ được chuẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ không do rượu

Tăng 13 kg trong vòng 1 năm rưỡi, cậu bé 13 tuổi người Đài Loan (Trung Quốc) bất ngờ mắc phải căn bệnh mà lâu nay chỉ người lớn mới xuất hiện khiến cha mẹ vô cùng lo lắng.
21/09/2020 17:50

 Đây là câu chuyện của cậu bé Tiểu Trạch  (13 tuổi) sống tại Đài Loan. Trong suốt một năm rưỡi, Tiểu Trạch gặp áp lực học hành, cộng thêm ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19 khiến cậu bé suốt ngày ở trong phòng, lười vận động và ăn vặt để giải tỏa căng thẳng.

Tiểu Trạch có chiều cao 168cm, nhưng cân nặng đã tăng thêm 13kg trong vòng 1 năm rưỡi, trọng lượng cơ thể đạt mốc 89kg, BMI = 31,5. Có một điều, mỗi ngày ngủ từ 8 - 10 tiếng nhưng cậu bé luôn than mệt, điều này khiến bố mẹ lo lắng nên đã đưa cậu bé đi khám bệnh.

Bác sĩ Quý San, công tác tại khoa Nhi, bệnh viện Shu-Tien Urology Ophthalmology Clinic cho biết: "Cổ và nách của bệnh nhi xuất hiện những vệt màu đen, bụng có vết rạn da, xét nghiệm máu phát hiện chỉ số gan ALT = 81U/L, (người bình thường có chỉ số gan ALT < 40U/L), tiến hành siêu âm cho thấy tình trạng gan nhiễm mỡ nặng, bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu".

bac si

Bác sĩ Đái Quý San, khoa nhi, công tác tại Shu-Tien Urology Ophthalmology Clinic

Bác sĩ Quý San cho biết, gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và béo phì có liên quan mật thiết với nhau. Béo phì là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh gan ở trẻ em. Ngoài bữa chính, bố mẹ thường không biết rõ Tiểu Trạch còn ăn thêm các thực phẩm không lành mạnh khác. Chẳng hạn, chị họ của Tiểu Trạch nhiều lần phát hiện cậu bé thường ăn vụng khoai tây chiên và socola trong tủ lạnh.

Bác sĩ Quý San khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên có quan niệm sai lầm rằng trẻ béo mới là tốt. Nếu trẻ mắc bệnh gan nhiễm mỡ ngay từ khi còn nhỏ sẽ đối mặt với nguy cơ thay gan sau độ tuổi trưởng thành. Có nghiên cứu chỉ ra, những người bị gan nhiễm mỡ kết hợp với tế bào gan bị viêm nhiễm và tổn thương, khoảng 1/3 bệnh nhân có thể tiến triển thành xơ gan và biến chứng thành ung thư gan. Vì vậy, khi trẻ bị thừa cân và mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Bác sĩ nhấn mạnh, kiểm soát cân nặng là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Việc chữa khỏi bệnh phải thực hiện thông qua thay đổi lối sống và kiểm soát chế độ ăn uống. Có nghiên cứu chỉ ra, can thiệp lối sống và kiểm soát chế độ ăn uống từ 3 đến 12 tháng có thể cải thiện hiệu quả chức năng gan và mức độ nghiêm trọng của gan nhiễm mỡ, bao gồm giảm thời gian xem TV hoặc sử dụng các sản phẩm điện tử. Trong đời sống thường ngày, mọi người nên tích cực đi bộ, leo cầu thang, giảm tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều đường, nhiều calo và dầu mỡ.

Đối tượng dễ mắc NAFLD thường bao gồm nhóm người bị béo phì, tiểu đường tuýp 2, rối loạn mỡ máu, hội chứng chuyển hóa, hội chứng buồng trứng đa nang, hội chứng ngưng thở khi ngủ, suy giáp, suy tuyến yên, suy tuyến sinh dục, cắt tá tràng tụy.

Những người bị rối loạn mỡ máu - tỉ lệ phân tử mỡ (triglycerid) trong máu cao, HDL cholesterol máu thấp cũng dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Tỷ lệ bệnh NAFLD trong nhóm bệnh nhân rối loạn mỡ máu chiếm khoảng 59%.

Tỷ lệ bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và mức độ bệnh gan tăng theo tuổi, nguy cơ mắc NAFLD ở nam giới cao gấp 2 lần nữ giới, bệnh cũng khác nhau giữa các sắc tộc. Điều này được giải thích là do sự khác biệt về yếu tố gene.

Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nói chung hầu như sẽ không có triệu chứng gì. Chỉ có một vài người cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược, hoặc có cảm giác tức nặng, đau ở vùng hạ sườn phải. Do vậy, bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ khi người bệnh đi khám sức khỏe hoặc khi siêu âm.

Theo Phụ nữ Việt Nam

comment Bình luận

largeer