Tăng cường dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực trẻ em, học sinh

Ngày 16/7, Tiểu ban Giáo dục Thể chất, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức phiên họp về giải pháp tăng cường dinh dưỡng hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực trẻ em, học sinh. Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì phiên họp.
17/07/2024 07:27

Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm đáng kể

Báo cáo tại phiên họp, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất Nguyễn Nho Huy cho biết: Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên vừa là nhiệm vụ quan trọng, vừa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội. Ngành Giáo dục đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ con người và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018-2025”, Bộ GDĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Nhiều địa phương, các sở GDĐT đã tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện và hướng dẫn triển khai lồng ghép phù hợp, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

Về công tác truyền thông, thời gian qua Bộ GDĐT đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao nhận thức về tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác này với các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng, vùng miền có nhiều khó khăn về chăm sóc sức khỏe như vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

dinhduong

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: Bộ GDĐT)

Bộ GDĐT cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn của Bộ Y tế đã đã xây dựng tiêu chuẩn chăm sóc dinh dưỡng cho các nhà trẻ và trường mầm non. Bên cạnh đó Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Y tế các bộ, ngành liên quan để ban hành nhiều tài liệu chuyên môn hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực rèn luyện sức khỏe cho học sinh, sinh viên.

Bộ GDĐT cũng đã triển khai đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục dinh dưỡng trong từng cấp học thông qua việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng vào các nội dung giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường vào chương trình giảng dạy và tổ chức các hoạt động truyền thông về giáo dục sức khỏe lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống đã tạo được môi trường sinh động, hấp dẫn hơn cho các em học sinh.

Việc tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ em, học sinh tại các địa phương, hầu hết các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú trong trường học đều thực hiện theo đúng quy trình bếp ăn một chiều, quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm trong các nhà trường bảo đảm an toàn tuyệt đối, không sử dụng phụ gia thực phẩm, chỉ dùng các loại trong danh mục cho phép.

Bên cạnh đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng năng lực đội ngũ, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cũng như công tác phối hợp liên ngành, xã hội hóa trong quá trình triển khai bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh đã được Bộ GDĐT, các địa phương chú trọng thực hiện.

Thời gian qua, nhiều chương trình, đề án về dinh dưỡng cho trẻ em đã được triển khai hiệu quả. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể, bữa ăn của người dân được bảo đảm hơn về số lượng và chất lượng mang lại hiệu quả tác động tích cực, đặc biệt là đối với đối tượng nhà giáo, cán bộ quản lý, trẻ em, học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, cán bộ làm công tác y tế trong trường học.

Đánh giá đúng thực trạng, bám sát thực tiễn triển khai

Tại phiên họp, các thành viên thuộc Tiểu ban Giáo dục Thể chất, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các đơn vị, tổ chức đã trao đổi, thảo luận, đưa ra các ý kiến, giải pháp, đề xuất liên quan đến bồi dưỡng năng lực đội ngũ, cơ sở vật chất tại các trường học, tài liệu tập huấn kỹ năng, công tác kiểm tra, giám sát, công tác xã hội hóa, kinh phí thực hiện.

Theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GDĐT), việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ở thời kỳ học đường là việc làm vô cùng quan trọng, cần thiết trong mỗi gia đình, trường học và toàn xã hội.  Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ở mỗi giai đoạn tuổi, học sinh có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau do cơ chế sử dụng các chất dinh dưỡng của cơ thể khác nhau. Vì vậy, việc cung cấp một chế độ dinh dưỡng hoàn chỉnh, phù hợp với độ tuổi sẽ giúp học sinh phát triển một cách tối ưu cả về thể lực, tầm vóc và năng lực học tập. Tuy nhiên trong thực tế triển khai vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến nhận thức, năng lực, nhân lực, nguồn kinh phí tổ chức tại các nhà trường…

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ về vấn đề đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với hoạt động thể lực trẻ em học sinh nhưng theo PGS.TS Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế cần có một chính sách đồng bộ phối hợp các bộ ngành liên quan, có sự chỉ đạo tuyến từ trung ương đến địa phương để có thể hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực, kỹ năng và chuyên môn để thực hiện bữa ăn học đường nhằm đạt được kết quả cao hơn trong công tác này. Việc nghiên cứu để thực hiện cần có lộ trình và phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh: Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng, do đó, Bộ GDĐT sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại phiên họp để tham mưu, hoạch định những chính sách sâu sát với thực tế triển khai.

Để công tác bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên được thực hiện bài bản, chỉn chu và có hiệu quả, Thứ trưởng yêu cầu cần đánh giá đúng thực trạng, ở các cấp độ khác nhau, theo cấp học, vùng miền và điều kiện thuận lợi, khó khăn của địa phương. Việc đánh giá thực trạng phải được thông qua các số liệu cụ thể, khoa học và bám sát thực tiễn. Để từ đó, các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí, quy chuẩn, mục tiêu cụ thể.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức, tư duy về đảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên, Thứ trưởng cho rằng, nếu nhận thức không thay đổi thì sẽ không có kết quả cao. Tư duy nhận thức ở đây không chỉ dừng lại ở giáo dục trong nhà trường mà cần có sự phối, kết hợp chặt chẽ cùng gia đình và xã hội.

Thứ trưởng cũng lưu ý về công tác truyền thông, tuyên truyền. Tùy vào điều kiện của mỗi địa phương để xây dựng các phương án truyền thông cụ thể, hiệu quả như xây dựng tài liệu truyền thông, thông tin, tổ chức hoạt động ngoại khóa, hội thảo, tập huấn…

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer