Tạo môi trường tốt nhất để trẻ vùng cao hào hứng đến trường

Ở vùng cao, việc vận động trẻ đến trường đã khó, việc giữ chân các con ở lại trường còn khó khăn hơn. Do đó, để tất cả học sinh vùng cao được đến trường đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ cơ sở đào tạo, phụ huynh và địa phương. Vì vậy, cần tạo nên môi trường tốt nhất để trẻ vùng cao hào hứng đến trường.
17/09/2021 20:21

Chọn nghề giáo vì một điều đơn giản, đó là muốn được học sinh yêu quý, được trải nghiệm với các bé ở độ tuổi khác nhau, cũng muốn có nhiều kỉ niệm với các em. Dù biết công việc này sẽ còn nhiều vất vả, nhưng vì đã chọn và đã quen với môi trường công việc rồi nên với cô Hà Thị Liêm - Giáo viên Trường Mầm non Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, Sơn La luôn xác định sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt công việc được giao.

Vì là học sinh vùng cao nên việc duy trì sĩ số ổn định là một sự cố gắng rất lớn. Khi một em nghỉ học, cô Hà Thị Liêm phải vào tận bản để thuyết phục, vận động phụ huynh đưa các em trở lại trường. Có những trường hợp phải đi đi, lại lại, cũng có khi lên bản cả tuần trời mới thuyết phục được gia đình. Bởi nếu không thực sự yêu nghề, không thật sự thương các cháu thì sau này các cháu sẽ lại vất vả như bố mẹ ngày trước.

Học sinh lớp ghép giúp cô Liêm chăm sóc các em mẫu giáo bé

Học sinh lớp ghép giúp cô Liêm chăm sóc các em mẫu giáo bé

Hiện tại, lớp ghép là hình thức dạy học ở hầu hết các trường học miền núi vì dân cư ở đây phân bố thưa thớt. Mỗi một bản có rất ít hộ dân, các bản lại cách xa nhau. Học sinh trong từng độ tuổi ở mỗi bản lại không nhiều. Do đó phải tổ chức lớp ghép cho học sinh độ tuổi khác nhau thành một lớp.

Tuy nhiên, dạy ở lớp ghép có thuận lợi là trẻ lớn ngoan, có nề nếp thì trẻ nhỏ sẽ học theo, ví dụ như việc vệ sinh cá nhân, tập nói… Còn về khó khăn thì rất nhiều, như lớp của cô Hà Thị Liêm, học sinh theo học ở 3 độ tuổi. Vì thế giáo viên sẽ phải sử dụng cùng lúc 3 giáo án khác nhau, điều này khiến giáo viên rất vất vả.

Ngoài dạy học, cô Liêm còn phải tranh thủ thời gian lo cơm nước cho các cháu, cho các cháu ăn, cho các cháu ngủ… Ngoài ra, học sinh ở đây 100% là trẻ dân tộc, nhận thức của các em chưa đồng đều. Vẫn còn trẻ nói ngọng, nói lắp, nên còn nhút nhát, diễn đạt câu ý chưa mạch lạc. Vì thế, để nâng cao chất lượng dạy học đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực rất lớn.

Với cô Liêm, tình yêu đối với trẻ là tình “mẹ con”. Cô giáo là người mẹ thứ hai của trẻ, là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Vì thế cô luôn xác định quá trình chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết. Phải có phương pháp dạy trẻ hợp lí với từng lứa tuổi, vùng miền.

Để có những đổi mới trong phương pháp và hình thức dạy học, cô Hà Thị Liêm không ngừng học hỏi thêm những kinh nghiệm của các đồng nghiệp. Cô tự thiết kế tiết học bằng hình thức trình chiếu sinh động, phù hợp với trẻ để trẻ hứng thú vào bài, thích đi học.

Niềm vui của trẻ em vùng cao bên đồ chơi mới

Niềm vui của trẻ em vùng cao bên đồ chơi mới

Ngoài ra, cô cũng tìm hiểu các ứng dụng công nghệ thông tin có thể sử dụng trong dạy học. Từ đó, cô tìm ra con đường ngắn nhất, dễ hiểu và sáng tạo nhất để tạo ra những bài giảng hấp dẫn, hiệu quả. Tạo cho trẻ một sự say mê, tích cực, trong những tiết học trong điều kiện cơ sở vật chất còn đầy hạn chế.

Đối với cô Liêm, mỗi ngày, khi nghe thấy tiếng vỗ tay, tiếng hát lanh lảnh hòa trong tiếng cười hồn nhiên của các con, thì đó là điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Tất cả muộn phiền, lo âu… dường như sẽ không còn. Tiếng nô đùa của bọn trẻ ở bản vùng cao nghèo này sẽ là nguồn động lực để những giáo viên "cắm bản" như cô tiếp tục công việc mà mình đã chọn.

Học sinh ở vùng cao hầu như không được bố mẹ đưa đến trường. Trời nắng cũng như trời mưa, các con phải tự đi bộ băng qua những dãy núi đến lớp cùng anh chị học tiểu học. Thấy được sự khó khăn vất vả đó, cô Liêm càng không dám để bản thân mình nản chí, ngược lại thật sự càng yêu thương, coi các con như con ruột của mình. Gần gũi, chăm sóc, giáo dục những kiến thức bổ ích, kỹ năng sống cho trẻ. Cô luôn kết hợp với phụ huynh để chăm sóc, giáo dục trẻ những điều tốt đẹp nhất.

Theo cô Liêm, là một giáo viên mầm non, ngoài chuyên môn nghiệp vụ vững vàng còn phải có tinh thần trách nhiệm cao, vị tha, chu đáo, gần gũi, nâng niu trẻ. Giáo viên cần xác định được vai trò, trách nhiệm của mình. Phải cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và những kiến thức đã học, đặc biệt là những trải nghiệm thực tế, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, không ngừng học tập, học hỏi những kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Để làm người mẹ ở trường của các con, các cô giáo cần bình tĩnh, dịu dàng bởi đây là nghề “Làm việc vì tình yêu” coi học sinh như con của mình. Cần gần gũi, chăm sóc, giáo dục những kiến thức bổ ích, kỹ năng sống; tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

"Gian hàng" trải nghiệm do giáo viên tự sáng tạo làm sân chơi cho trẻ

Chăm lo cho trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn các con vui chơi, khám phá cho đến việc vệ sinh cá nhân, rửa tay, tắm, giặt quần áo,… Và kết hợp với cha mẹ học sinh để chăm sóc, giáo dục trẻ những điều tốt đẹp nhất.

Những khó khăn, vất vả nơi vùng cao, đặc biệt là bất đồng ngôn ngữ, cô và trò không giao tiếp được để hiểu nhau hơn. Các con ở đây rất nhút nhát, không biết vệ sinh cá nhân, cũng không nói được tiếng phổ thông.

"Lúc ấy tôi nghĩ: Muốn các con hiểu cô nói thì tại sao cô không thử hiểu ngôn ngữ của trẻ, xem các con đang nói gì?. Vì vậy, tôi đã bắt tay vào việc học tiếng dân tộc của các em, rồi làm thân với từng trẻ. Từ đó, biết được nhu cầu của gia đình và các em học sinh", cô Hà Thị Liêm bộc bạch.

Khi hiểu được rồi, cô Liêm bắt đầu tăng cường dạy tiếng phổ thông cho trẻ, để trẻ có khả năng nói tiếng Việt nhiều hơn, giao tiếp được nhiều hơn, giúp các con mạnh dạn hơn khi đến lớp học. Việc học chữ cái cũng trở nên dễ dàng hơn.

Thêm một khó khăn nữa, ở các điểm trường lẻ thì cơ bản là thiếu đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Để cải thiện điều này, cô Liêm thường tận dụng những vật liệu sẵn có để “chế tạo” đồ chơi cho các con. Ví dụ như từ cái dây thừng và mấy chiếc lốp xe máy cũ thôi, cô đã tạo được một chiếc “xích đu” cho bé. Hay như chỉ cần mấy cây tre tận dụng lại của bà con, cô chế tạo ra một chiếc cầu bập bênh…

Những lúc rảnh, cô Liêm nhờ phụ huynh thu gom vỏ chai lọ, lon bia… để chế tạo ra các đồ vật như: đèn lồng, các con vật ngộ nghĩnh… Mỗi lần thấy có đồ mới là các em hào hứng và phấn khởi lắm. Thấy vậy cô lại cố gắng làm nhiều đồ chơi hơn.

 Thu Trang

comment Bình luận

largeer