Brazil giảm ca tử vong do COVID-19 nhờ tiêm vaccine thần tốc

Dù khởi đầu chậm chạp, Brazil hiện là một trong những nước có chiến dịch tiêm chủng với tốc độ nhanh nhất, từ đó giúp giảm tỷ lệ tử vong do COVID -19 tại quốc gia này.
17/09/2021 14:35

Mặc dù tự hào với hệ thống tiêm chủng nổi tiếng toàn cầu, Brazil - đất nước 213 triệu dân - chỉ bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 vào tháng 1, vài tuần sau Mỹ, nhiều quốc gia châu Âu và một số nước khác ở Nam Mỹ, theo AFP.

Quá trình triển khai chiến dịch tiêm phòng bị hoãn do những cãi vã chính trị dưới thời một tổng thống coi thường đại dịch và lan truyền thông tin sai sự thật về vaccine. Sau đó, chiến dịch tiêm vaccine còn gặp khó bởi khâu hậu cần ở một đất nước rộng lớn.

Tuy nhiên, Brazil - nước có số người chết do COVID-19 cao thứ hai thế giới với hơn 588.000 trường hợp tử vong cho đến nay - đang chứng kiến tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, cùng lúc tỷ lệ tử vong giảm xuống.

Khó khăn nằm lại quá khứ

Trong ba tháng qua, số người Brazil được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19 tăng gần gấp 3 lần, chiếm 67,6% dân số. Con số này cao hơn so với 63,4% của Mỹ và 63,8% của Argentina, theo AFP.

Tỷ lệ người dân tiêm 2 mũi đầy đủ dù thấp hơn nhiều, ở mức 36%, cũng đủ đưa Brazil lên vị trí thứ ba trong số mười quốc gia đông dân nhất thế giới.

Với nguồn cung vaccine không chắc chắn, Brazil quyết định tập trung vào việc tiêm liều đầu tiên cho càng nhiều người càng tốt, và chọn một khoảng thời gian dài giữa hai lần tiêm.

Các vấn đề hậu cần phần lớn đã được giải quyết. Những lo ngại về nguồn cung cũng trở thành dĩ vãng, khi Brazil hiện tự mình sản xuất vaccine AstraZeneca và Sinovac theo giấy phép.

“Với nguồn cung vaccine nhiều hơn và ổn định hơn, số người tiêm chủng bắt đầu gia tăng từ khoảng tháng 5 và tháng 6”, ông Jose David Urbaez thuộc Hiệp hội nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm nói với AFP.

a2

Hàng người xếp hàng tiêm vaccine ở Sao Paulo

Kết quả là từ hơn 2.000 ca tử vong mỗi ngày vào tháng 6, giờ đây Brazil ghi nhận ít hơn 600 ca tử vong mỗi ngày.

Ngày nay, Brazil là quốc gia sử dụng số liều vaccine nhiều thứ 4 trên thế giới với tổng cộng 214 triệu liều, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Brazil cũng đứng thứ 3 về số liều sử dụng hàng ngày, trung bình khoảng 1,5 triệu liều mỗi ngày vào tuần trước. Quốc gia này cũng bắt đầu tiêm cho thiếu niên và tiêm nhắc lại cho những người dễ bị tổn thương.

Hơn nữa, Brazil không có sự hoài nghi về vaccine: Hơn 90% người được hỏi nói rằng họ muốn tiêm phòng.

Một tổng thống hoài nghi

Thành công gần đây của Brazil diễn ra bất chấp sự ứng phó đại dịch hỗn loạn của chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro.

Ông Bolsorano từng coi thường virus corona như “cúm vặt”, chống lại phong tỏa, nghi ngờ việc đeo khẩu trang, từ chối các đề nghị cung cấp vaccine trong khi quảng bá các loại thuốc chưa được chứng minh như hydroxychloroquine.

Ông Urbaez cho rằng nếu chính quyền ông Bolsonaro bắt đầu đàm phán với các nhà sản xuất từ giữa năm 2020, giống như nhiều quốc gia khác, thì "vào tháng 5 hoặc tháng 6 vừa qua, Brazil đã đạt mục tiêu tiêm chủng”.

Cách ông Bolsonaro xử lý các đợt bùng dịch khiến tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống mức 24%, với nhiều cuộc tuần hành kêu gọi ông từ chức.

a4

Cách Tổng thống Jair Bolsonaro (giữa) xử lý các đợt bùng dịch đã góp phần đưa tỷ lệ ủng hộ ông giảm xuống mức 24%

Hàng tá hồ sơ luận tội đang chống lại ông, và một ủy ban của Thượng viện Brazil đang điều tra cách ông ứng phó trong đại dịch COVID-19.

Ông Bolsonaro cũng là đối tượng của một số cuộc điều tra hình sự. Một trong số đó liên quan đến cáo buộc ông tham nhũng trong một thương vụ mua vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro, người lên nắm quyền từ năm 2019, bác bỏ tất cả cáo buộc tham nhũng của chính phủ. Thay vào đó, ông tố cáo cuộc điều tra của quốc hội là một cuộc "chống đối" chính trị nhằm buộc ông phải từ chức.

Ông khẳng định sẽ tìm cách tái đắc cử vào năm 2022. Do lo lắng về khả năng đi tiếp, ông thực hiện một loạt các cuộc tấn công vào cơ quan tư pháp và hệ thống bầu cử.

“Tiêm chủng tăng tốc mang lại kết quả tích cực cho Brazil, chẳng hạn như giảm số người chết và mở cửa hoạt động kinh tế trở lại. Nhưng điều đó không đồng nghĩa gia tăng sự ủng hộ với ông Bolsonaro”, nhà khoa học chính trị Mauricio Santoro cho biết.

Tại một trung tâm y tế ở Brasilia, bà Monica de Barros, 57 tuổi, đã nhận liều vaccine phòng COVID-19 thứ hai. “Hàng trăm người lẽ ra đã được cứu sống nếu các hành động kiên quyết hơn được thực thi”, bà nói.

Vinh Nguyễn (Theo AFP)

comment Bình luận

largeer