Thái Nguyên áp dụng kỹ thuật Hạ thân nhiệt chỉ huy cứu sống người bệnh bị ngừng tuần hoàn

Sau 7 ngày được đội ngũ y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chăm sóc tận tình và áp dụng kỹ thuật Hạ thân nhiệt chỉ huy, ngày 7/7, người bệnh D.C.D (SN 1964) ở Bắc Sơn, Lạng Sơn đã hoàn toàn khoẻ mạnh và được xuất viện về nhà.
08/07/2023 15:26

Theo chia sẻ của người thân, vào khoảng 16 giờ ngày 30/6, khi đang rửa xe, bệnh nhân bị điện giật. Bệnh nhân được người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) trong tình trạng hôn mê, ngừng tim.

Tại đây, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn trong khoảng 30 phút thì tim đập trở lại và được đặt ống nội khí quản, thở máy. Đến khoảng 20 giờ 48 phút cùng ngày, gia đình chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên trong tình trạng hôn mê, có vết bỏng điện tại vị trí bàn tay trái kích thước 1x2cm, thở theo máy qua ống nội khí quản và huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch.

358670166_683471330485516_767566824312744138_n

Các y, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực - Chống độc tặng hoa chúc mừng ông D trong ngày xuất viện

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, bệnh nhân được chỉ định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, hồi sức tích cực bằng thở máy, duy trì thuốc vận mạch… Sau 3 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân đã hồi tỉnh, được rút ống nội khí quản, hoàn toàn tỉnh táo, ăn uống, sinh hoạt bình thường, sức khỏe tiến triển tốt, không có di chứng về thần kinh.

BSCKI. Nguyễn Thị Thu Cúc - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc khuyến cáo: Đối với người bệnh ngừng tim, việc phát hiện sớm, cấp cứu ban đầu tại chỗ và tại cơ sở y tế tuyến dưới rất quan trọng, phải đúng quy trình kỹ thuật, sau đó cần đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế có đủ điều kiện để tiếp tục cứu chữa. Đối với kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sẽ đạt hiệu quả cao trong 6 giờ đồng hồ kể từ khi bệnh nhân bị nạn.

Theo Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

comment Bình luận

largeer