Thanh Hóa: Cảnh báo tình trạng xoắn tinh hoàn ở trẻ em

Tình trạng xoắn tinh hoàn gây tổn thương tinh hoàn do thiếu máu cục bộ, rất dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Để phát hiện kịp thời tình trạng xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần kiểm tra túi bi đôi của bé thường xuyên.
19/04/2024 10:23
Số lượng ca bệnh nhập viện với chẩn đoán xoắn tinh hoàn tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có chiều hướng tăng mạnh

Số lượng ca bệnh nhập viện với chẩn đoán xoắn tinh hoàn tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có chiều hướng tăng mạnh

Thời gian gần đây, số lượng ca bệnh nhập viện với chẩn đoán xoắn tinh hoàn tại khoa Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa có chiều hướng tăng mạnh. Từ tháng 1/2024 đến 15/4/2024 tổng số ca phải điều trị là 24 ca. Trong đó, 14 ca tháo xoắn giữ được tinh hoàn, 6 ca cắt phần phụ tinh hoàn xoắn hoại tử, đặc biệt có 4 ca phải mổ cắt toàn bộ tinh hoàn.

Đơn cử, người nhà một bệnh nhi mới 28 ngày tuổi phải thực hiện ca phẫu thuật cắt tinh hoàn cho biết, khi ở tuần thai thứ 34, trẻ đã được siêu âm phát hiện tinh hoàn còn vướng ở ống bẹn chưa xuống bìu. Sau khi sinh được 5 ngày tuổi, trẻ được siêu âm ở phòng khám tư, kiểm tra là phát hiện tinh hoàn vẫn chưa xuống đúng chỗ và được dặn về tiếp tục theo dõi tại nhà, 1 tháng sau kiểm tra lại.

Từ ngày sinh thứ 27, trẻ bắt đầu hay quấy khóc, bắt bế, giảm bú. Đến chiều tối cùng ngày thì vùng bẹn của trẻ sưng cứng, đỏ tấy. Sang ngày 28 thì trẻ được gia đình chuyển nhập viện Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Ngay khi vào viện, khoa Sơ sinh đã mời các bác sỹ khoa Ngoại tổng hợp hội chẩn, qua thăm khám, thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, các bác sỹ chẩn đoán trẻ bị thoát bị bẹn nghẹt bên trái, xoắn tinh hoàn và được chỉ định mổ cấp cứu.

Bác sĩ Lưu Viết Dũng, Phó trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một vấn đề bệnh lý cấp tính liên quan đến mạch máu, thừng tinh bị xoắn quanh trục khiến con đường vận chuyển máu đến cơ quan bị gián đoạn.

Tình trạng này gây tổn thương tinh hoàn do thiếu máu cục bộ, rất dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Hiện nay, chưa tìm được nguyên nhân chính xác của bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ em. Một trong những yếu tố có thể dẫn đến hiện tượng này là do sự chuyển đổi đột ngột nội tiết tố trong cơ thể khi bước vào lứa tuổi dậy thì.

Bên cạnh đó, tinh hoàn quá di động cũng có thể là yếu tố nguy cơ. Trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn nằm trong ở bụng. Trong quá trình phát triển, tinh hoàn di chuyển dần vào trong túi bi đôi, kéo theo mạch máu nuôi dưỡng nó và các thành phần liên quan. Điều này khiến cho tinh hoàn được treo lủng lẳng trong túi bi đôi, dễ bị xoắn hơn. Dần về sau tinh hoàn sẽ càng được cố định vững chắc hơn. Đây cũng là lý do giải thích tại sao xoắn tinh hoàn thường xảy ra nhiều ở trẻ em và lứa tuổi dậy thì.

“Thời gian vàng điều trị bệnh xoắn tinh hoàn chỉ gồm 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau. Vì vậy, bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp kịp thời. Để phát hiện kịp thời xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần kiểm tra túi bi đôi của bé thường xuyên. Nếu thấy túi bi đôi thỉnh thoảng bị trống chỉ có một bên thì cha mẹ cần phải đưa đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời. Đối với trẻ lớn hơn triệu chứng điển hình là những cơn đau bìu dữ dội khởi phát cấp tính”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer