Thanh Hóa: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ nhiều trẻ em, người lớn tuổi nhập viện do thời tiết nắng nóng kéo dài

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa
Với nhiệt độ ngoài trời giao động từ 38-40 độ C, những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đông nghẹt người vì rất nhiều gia đình đưa con em đến khám, chữa bệnh.
Theo ghi nhận, sáng ngày 22/5, Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Thanh Hoá đang điều trị cho 103 bệnh nhân. So với thời điểm sau đại dịch COVID-19, lượng bệnh nhân nhập viện không tăng đột biến, nhưng tỉ lệ bệnh nhân nặng, kéo dài, tái nhiễm gia tăng hơn 30%, điển hình như bệnh viêm phổi thuỳ, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản phổi có suy hô hấp phải thở oxy,…
Trong khi khoa này chỉ có 75 giường bệnh, thực kê 81 giường, do vậy, nhiều bệnh nhi phải nằm chung giường với nhau, một số khác phải chuyển xuống các khoa khác như Khoa Nội tổng hợp, Khoa Tiêu hóa,…
Trao đổi với phóng viên, BS.CK II Nguyễn Thị Vân - Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá cho biết: “Điều kiện thời tiết nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi, gây ra một số bệnh như: cảm nắng, say nắng, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, đột quỵ, viêm da. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng nên nhiều gia đình thường sử dụng điều hòa để hạ nhiệt dẫn đến sự chênh lệch nhiệt độ trong nhà và ngoài trời, khi bước từ phòng lạnh ra trời nắng khiến thân nhiệt thay đổi đột ngột dẫn đến bị choáng, sốc nhiệt hoặc cảm nắng”.

BS.CK II Nguyễn Thị Vân - Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thanh Hoá khuyến cáo phụ huynh thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, nôn, sổ mũi…phải lập tức đưa đến bệnh viện điều trị
Theo bác sĩ Vân, trẻ em có sức đề kháng thấp, mức độ giữ thân nhiệt thấp hơn, do vậy, nhiều gia đình sử dụng quạt lớn, hạ nhiệt độ điều hòa thấp, ăn đồ lạnh khi trời nắng nóng, để trẻ tiếp xúc nắng nóng trong thời gian dài hoặc ra ngoài trong nhiệt độ cao thường dẫn đến các bệnh tiêu hóa, hô hấp.
Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Vân khuyến cáo các bậc phụ huynh cần hạn chế cho trẻ ra ngoài đường trong các giờ cao điểm nắng nóng, đến những nơi đông người. Trong ăn uống, cần cho trẻ ăn chín uống sôi, chế biến thức ăn phù hợp; bổ sung nước, hoa quả để tăng sức đề kháng cho trẻ; không để trẻ ăn đồ ăn lạnh vừa lấy trực tiếp từ tủ lạnh; cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là cung cấp nước, đề phòng mất nước ở trẻ nhỏ. Thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, nôn, sổ mũi… phải lập tức đưa đến bệnh viện điều trị.
Tình trạng nắng nóng gay gắt cũng khiến số lượng bệnh nhân lớn tuổi nhập viện tăng cao. Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 800-1.000 bệnh nhân đến khám và 250 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú. Phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi, mắc các bệnh lý như tai biến, tim mạch, tăng huyết áp, đường hô hấp…
Nắng nóng kéo dài đã gây ra trở ngại lớn với tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp... Bởi mùa hè người cao tuổi bị ra mồ hôi nhiều, nếu không uống đủ nước hoặc ăn ít rau, canh thì cơ thể sẽ bị mất nước và chất điện giải, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ tim mạch như: tim đập nhanh hơn, bị tụt huyết áp…

Mỗi ngày, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận từ 800-1.000 bệnh nhân đến khám và 250 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú
Để phòng tránh hiệu quả các bệnh lý trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần ăn chín, uống sôi; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Đối với người cao tuổi, khi xuất hiện các triệu chứng cần được khám, điều trị theo phác đồ bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc. Với những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
Không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Nếu nằm phòng điều hòa nên duy trì nhiệt độ từ 26 đến 28 độ C, mức nhiệt độ dùng không chênh lệch quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời; trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi.
Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang chống nóng. Cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…
Mạnh Linh

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Sẹo và thuốc trị sẹo Kaapvaal từ Công nghệ Y học tái tạo
Sẹo là dấu vết không mong muốn sau mỗi tổn thương trên da, có thể xuất hiện do tai nạn, bỏng, mụn trứng cá, phẫu thuật hoặc bệnh lý da liễu. Dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng sẹo có thể gây mất thẩm mỹ, khiến nhiều người mất tự tin.March 21 at 10:00 am -
Pfizer và VNVC ký thảo luận về sản xuất vắc xin
Tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới Pfizer và Hệ thống tiêm chủng VNVC vừa ký kết hợp tác chia sẻ kiến thức, xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin đạt chuẩn quốc tế tại Việt Nam.March 19 at 10:56 am -
Sữa & Bỉm Thanh Hiền - Nâng niu yêu bé, chăm sóc mẹ mỗi ngày
Với 9 năm hoạt động, cửa hàng Sữa & Bỉm Thanh Hiền khẳng định là điểm đến uy tín, đồng hành cùng ba mẹ trong chăm sóc bé. Phương châm "Vì con yêu là điều quý giá", Thanh Hiền đã mang đến sản phẩm chất lượng cho bé trong suốt hành trình khôn lớn.March 18 at 4:51 pm -
Hệ thống tiêm chủng VNVC tặng Bộ Y tế 500.000 liều vaccine sởi chống dịch
Chiều 17/3, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đã trao tặng 500.000 liều vaccine sởi (MVVAC - Việt Nam) cho Bộ Y tế, nhằm góp phần đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine sởi trên toàn quốc.March 18 at 9:04 am