Thanh Hóa: Du lịch xứ Thanh, khát vọng vươn mình

Thanh Hóa là nơi hội tụ đủ các địa hình sinh thái: Núi, trung du, đồng bằng và biển cả, vừa có kiểu khí hậu miền Bắc lại vừa mang khí hậu của miền Trung được ví như hình hài Việt Nam thu nhỏ. Những tiềm năng, lợi thế ấy đã, đang được tỉnh Thanh Hóa triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả, xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh vươn tầm khu vực, thế giới.
21/11/2022 07:45

Xứ Thanh, xứ sở du lịch bốn mùa

Đi sâu, khám phá đất và người xứ Thanh chúng ta thấy đây là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi mạch ngầm truyền thống đang chảy không ngừng, vươn lên hội tụ cùng thời đại bằng sự kết tinh, lắng đọng của quá khứ, hiện tại và tương lai.

Vùng đất cổ xứ Thanh được các nhà nghiên cứu ví như “cái nôi di sản” dân tộc. Hiện diện ngay từ buổi đầu tiên của lịch sử - thời đại Hùng Vương dựng nước, trên mảnh đất này còn lưu dấu nhiều di chỉ khảo cổ và nhiều nền văn hóa cổ giàu giá trị. Các dấu vết của người nguyên thuỷ - người vượn sớm nhất ở Việt Nam, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1960 tại di chỉ Núi Ðọ. Để rồi, từ Núi Đọ đến Hang Con Moong và bước vào thời đại văn minh của loài người, mà một trong những đỉnh cao là nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.

Mỗi làng quê xứ Thanh đều gắn với một địa danh, di tích lịch sử với rất nhiều thăng trầm, để rồi trong tâm thức của người đi xa mỗi lần nghĩ về nơi “chôn nhau, cắt rốn” lại thấy đau đáu, còn người ở lại thấy mình cần có trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, phát huy. Một Thanh Hóa quật cường trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, với hào khí của nghĩa quân Lam Sơn, hình ảnh hiên ngang cưỡi voi xung trận của nữ tướng anh hùng Triệu Thị Trinh, đến cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương... Ở đó, ta thấy một Thanh Hóa với những công trình kiến trúc nghệ thuật gắn liền với sự thịnh vượng và suy vong của các triều đại phong kiến Việt Nam như khu du tích lịch sử cấp Quốc gia Lam Kinh, di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ…

IMG_5754

Di tích lịch sử Lam Kinh, điểm dừng chân đầy thú vị cho du khách thập phương 

Nhắc đến biển xứ Thanh, không thể bỏ qua địa danh du lịch nổi tiếng thành phố biển Sầm Sơn, với tuổi đời 115 năm, Sầm Sơn mang vẻ đẹp thiên nhiên căng tràn sức sống, được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng. Trải qua bao thế kỷ, người dân nơi đây đã dựng xây nên những làng chài sầm uất, mang đậm dấu ấn văn hóa biển khơi với những lễ hội truyền thống đặc sắc được lưu truyền đến ngày nay.

Mặt khác, vẻ hoang sơ, thơ mộng của biển Hải Tiến, Hải Hòa hay Bãi Đông... lại khiến bao tâm hồn phải xao xuyến, bâng khuâng. Với 102 km bờ biển kéo từ Nga Sơn vào tận Nghi Sơn, chứa đựng trong lòng nó kho tài nguyên khổng lồ, để mở ra một không gian sống - không gian phát triển đầy sôi động cho vùng đất xứ Thanh. Nhờ nguồn lợi to lớn được thiên nhiên ưu ái với dải bờ biển tương đối bằng phẳng, khí hậu trong lành và những dãy núi đâm ngang ra biển tạo nên các vũng xen kẽ là các cửa Lạch, hệ thống các đảo lớn, nhỏ như đảo Mê, đảo Nẹ, đảo Nghi Sơn…, Thanh Hóa đã và đang thu hút được “con mắt xanh” của nhiều nhà đầu tư, với hàng chục dự án du lịch và kinh tế quy mô, đẳng cấp đang “thắp sáng” cả một dải bờ biển.

IMG_5752

Sầm Sơn, địa danh du lịch nổi tiếng của xứ Thanh, đang ngày một " bay cao, vươn xa"

Từ “biển bạc”, đến “rừng vàng”, nơi nơi đều in đậm “bút tích” sáng tạo hay sự kỳ công của tạo hóa. Đó là vẻ đẹp bình yên và đầy bí ẩn của đại ngàn Pù Luông, nơi những thửa ruộng bậc thang uốn mình quanh sườn núi và những nếp nhà sàn bình yên, thấp thoáng dưới trảng rừng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Người ta ví nơi đây có vẻ đẹp tựa như Sa Pa của Tây Bắc hay xứ Đà Lạt của đất rừng Tây Nguyên... Đó là Bến En - “Hạ Long trên cạn” với hơn hai chục hòn đảo lớn nhỏ, được sắp đặt như một bàn cờ, cùng không gian xanh bất tận được đan kết bởi cảnh quan hồ, đảo trên hồ và hệ thống rừng, hang động trên các dãy núi đá vôi. Đó là một vùng “sơn thủy hữu tình” như Xuân Liên - nơi được ví như “Amazon của Việt Nam” nhờ bởi nơi đây đang lưu trữ một hệ động, thực vật vô cùng phong phú, đa dạng, với nhiều loại cây, con quý hiếm, trong đó có 25 loại động vật được ghi vào sách đỏ Việt Nam...

Đến với bản làng vùng cao, chúng ta được tận mắt chứng kiến những bàn tay tài hoa thêu dệt nên sản phẩm thổ cẩm muôn màu sắc, được thưởng thức các sản vật của núi rừng như cá suối nướng, xôi ngũ sắc, rượu nếp nương, rượu cần... tận hưởng không khí trong lành mát mẻ của thiên nhiên và những trò chơi, trò diễn đặc sắc, lắng nghe cả một kho sử thi hào hùng. Đó là điệu múa sạp, múa xòe, điệu suối, điệu khặp của đồng bào dân tộc Thái; múa khèn của dân tộc Mông; hát tơm của dân tộc Khơ Mú... Đó là những nếp nhà sàn truyền thống, trang phục, trang sức của đồng bào Thái, Mường, Dao, Mông còn lưu giữ khá nguyên vẹn. Nhiều tập tục sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội vẫn giữ được nét độc đáo, như lễ hội Pồn Pôông, Khai Hạ, lễ tục Làm vía kéo Xi, lễ Mừng cơm mới, Sắc bùa của dân tộc Mường; Lễ hội Kin chiêng boọc mạy, Nàng Han, Mường Khô, Mường Ca Da…

a3Tienon

Kim Sơn, Vĩnh Lộc được ví như " tuyệt tình cốc" trong lòng xứ Thanh

Với 1.535 di tích, danh thắng và một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể vô cùng sống động, giàu giá trị, thật dễ hiểu khi nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Thanh Hóa là một “cái nôi di sản” của Việt Nam. Về với xứ Thanh, du khách sẽ được chìm đắm trong “hương sắc bốn mùa” với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, để khám phá những điều mới lạ và để “làm mới” mình nhờ vốn hiểu biết được tích lũy sau hành trình trải nghiệm thú vị.

Khát vọng vươn mình

Không phải ngẫu nhiên mà du lịch được ví như “đại sứ thiện chí” của văn hóa. Bởi du lịch là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để quảng bá hình ảnh - vẻ đẹp của vùng đất và con người một cách sinh động, hấp dẫn và mang lại lợi ích vật chất to lớn.

Thanh Hóa là tỉnh có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch xanh, du lịch biển...; phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trọng điểm du lịch của cả nước. Ngoài việc phát triển đa dạng các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng hình ảnh thì phải xây dựng được thương hiệu du lịch mang bản sắc của riêng mình. Trên cơ sở đó, ngày 22-2-2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 688/QĐ-UBND về việc công nhận biểu trưng và khẩu hiệu “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” như một lời khẳng định về sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch; đồng thời cũng là một lời mời chào, khích lệ du khách muôn phương đến trải nghiệm và khám phá du lịch Thanh Hóa bất kỳ lúc nào và bất kỳ nơi đâu, là câu chuyện muốn kể về vùng đất xứ Thanh 4 mùa trong năm đều tuyệt đẹp với những sắc thái riêng, vẻ đẹp riêng - độc đáo, hấp dẫn.

275629277-1635925816774942-5459371596205145075-n-6397

Lễ công bố biểu trưng du lịch Thanh Hóa và phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022

Đồng thời, ban hành Bộ nhận diện thương hiệu du lịch Thanh Hóa, chính thức ghi dấu du lịch tỉnh nhà trên bản đồ du lịch Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung; góp phần xây dựng và nâng tầm thương hiệu trong giai đoạn mới, tạo sự đồng bộ trong quảng bá hình ảnh du lịch. Quyết tâm xây dựng “Thanh Hóa trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn” với mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó hơn 440 ngàn lượt khách du lịch quốc tế, tổng doanh thu du lịch đạt gần 18 ngàn tỷ đồng trong năm 2022. Vì vậy, 50 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch liên tục được tổ chức trong tỉnh và nhiều hoạt động, hội chợ du lịch tại các tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022 như: lễ hội Lê Hoàn (Thọ Xuân); lễ hội Mai An Tiêm (Nga Sơn); lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái (Sầm Sơn); chương trình Lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn, 5 năm Sầm Sơn được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa và khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2022; khai trương du lịch Thác Mây (Thạch Thành); lễ hội du lịch biển Hải Tiến (Hoằng Hóa); đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao đó là các giải bóng bàn, cầu lông gia đình toàn quốc; giải đua xe đạp địa hình vô địch trẻ quốc gia; hội thao quần vợt bãi biển toàn quốc...Rộng hơn là sự kiện khai mạc Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2022 với chủ đề “Bình thường mới - Cơ hội mới”, được tổ chức tại Hà Nội nhằm kích cầu du lịch Thanh Hóa trên phạm vi cả nước.

Để thu hút và đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch, nhất là dòng khách ở những thị trường trọng điểm có khả năng chi tiêu cao. Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã và đang được tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, đã thu hút được 81 dự án kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư gần 145 nghìn tỷ đồng, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đầu tư phát triển du lịch ở Thanh Hóa, như các tập đoàn: FLC, Sun Group, Vin Group, T&T, Flamingo, BRG... đã và đang triển khai thực hiện các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô lớn, như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC Sầm Sơn, Khu tổ hợp dịch vụ thương mại, khách sạn Vincom, Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường, dự án Quảng trường biển…

IMG_5753

Các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô lớn được đầu tư vào Thanh Hóa nhằm thu hút khách du lịch trong nước và Quốc tế

Với khát vọng vươn mình, để khẳng định vị trí xứ Thanh - mảnh đất “có nhiều kỷ niệm về quá khứ giàu truyền thuyết và vĩ đại” trong lòng du khách trong nước và Quốc tế, Thanh Hóa không ngừng bảo tồn, gìn giữ, học hỏi, phát huy và liên tục học hỏi, đổi mới, nâng tầm chất lượng của ngành du lịch tỉnh nhà; hứa hẹn là điểm đến lý tưởng, an toàn, thân thiện.

                                                                                                                          Trang Nguyễn

 

comment Bình luận

largeer