Thanh Hóa: Huyện Quan Sơn triển khai công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2022

Để chủ động ứng phó với thiên tai năm 2022, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đề ra nhiều giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCC) và phòng thủ dân sự (PTDS), sẵn sàng đối phó khi bão, lũ xảy ra.
27/05/2022 16:27

Để chủ động ứng phó với thiên tai năm 2022, huyện Quan Sơn đã chủ động, tổ chức thực hiện nghiêm công tác PCTT&TKCN; xây dựng các phương án, kế hoạch PCTT đến các xã, thị trấn, các đơn vị, ban ngành một cách quyết liệt, thường xuyên với phương châm “4 tại chỗ” và “chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn chương, có hiệu quả”. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức và Nhân dân về công tác phòng, chống thiên tai. Đồng thời chỉ đạo xã, thị trấn và các ngành triển khai ứng phó với mưa lũ; chủ động sơ tán dân khu vực có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; bảo đảm về giao thông; gia cố lại nhà cửa, nạo vết kênh mương tưới tiêu, kênh mương liên xã…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngoài việc cập nhật thông tin, diễn biến thời tiết thường xuyên và thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, huyện đã chủ động bố trí cắm các biển cảnh báo tại các vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đá lăn, khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét để cánh báo cho người dân, phương tiện đi lại biết chủ động phòng, tránh. Thực hiện nghiêm việc trực chỉ huy, phân công các đồng chí trong BCH xuống địa bàn được phân công nắm tình hình, chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, tránh thiên tai, giúp người dân sơ tán, phòng tránh. Chủ động bố trí phương tiện, thuốc, vật tư y tế, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra.

Tại xã Mường Mìn, để chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai trong năm 2022, địa phương đã triển khai phương án phòng, chống bão lũ, phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, sơ tán dân ở các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Mường Mìn có 5 bản, trong đó có bản Yên là bản giáp biên với 135 hộ, trong đó có 49 hộ nằm trong vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét. Trước tình hình trên, địa phương đã báo cáo với huyện, xây dựng phương án sắp xếp ổn định dân cư bản Yên. Xã Mường Mìn cũng đã bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần với mức cao nhất theo phương án đã lập để sẵn sàng đối phó khi bão lũ xảy ra. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, trường học tập trung kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình, nhà cửa, trường học… kịp thời sửa chữa, khắc phục hư hỏng xong trước mùa mưa bão.

Na Mèo là xã biên giới của huyện, trong những năm gần đây địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra. Dân cư trên địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, mật độ dân số thưa, sống rải rác, cách xa nhau theo tập quán; công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục đã được xây dựng kiên cố nhưng chưa đủ khả năng để tránh bão, lũ an toàn. Do vậy, mùa mưa, lũ lớn cũng là nơi dễ xảy ra vỡ đập tạo thành lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và gây ngập úng cục bộ, có nguy cơ gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Qua số liệu thống kê, rà soát, xã Na Mèo có 37 hộ nằm trong vùng có nguy cơ mất an toàn cao, vị trí thường xuyên xảy ra thiên tai, vị trí có nguy cơ bị ảnh hưởng. Với phương châm chỉ đạo “Chủ động phòng tránh - đối phó kịp thời khắc phục hiệu quả, nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”, xã Na Mèo đã xây dựng phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai và huy động lực lương, vật lực, phương tiện, hậu cần phục vụ công tác PCTT, TKCC&PTDS năm 2022.

Vừa qua, đoàn công tác Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (PCTT, TKCN và PTDS) tỉnh Thanh Hóa do Đại tá Đỗ Ngọc Vĩnh - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác PCTT, TKCN trên địa bàn huyện Quan Sơn. Đồng chí đã đề nghị Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện cần nắm rõ tình hình thời tiết gắn với đặc thù của địa phương để cảnh báo đến Nhân dân một cách hiệu quả. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân chủ động, cảnh giác với mưa bão, lũ quét, sạt lở đất cũng như hiệp đồng với các đơn vị khác để tăng tính hiệu quả trong công tác PCTT-TKCN.

Bên cạnh đó vẫn cần bổ sung thêm các vật dụng, cơ sở vật chất cho công tác tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS các xã, thị trấn.

Đối với nhân lực, nhất là nguồn nhân lực tại chỗ cần có kế hoạch tập luyện để sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Sử dụng tốt và thành thạo các thiết bị địa phương đang có và tăng cường kiểm tra công tác PCTT-TKCN ở các xã, bản trên địa bàn, phấn đấu giảm thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Theo Báo Thanh Hóa

comment Bình luận

largeer