Thanh Hóa: Nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp tại Thanh Hóa nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, gây ảnh hưởng trực tiếp tới chế độ, quyền lợi của người lao động.
01/08/2024 14:32
Trường THCS Đông Hải, thành phố Thanh Hoá là một trong những đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng BHXH

Trường THCS Đông Hải, thành phố Thanh Hoá là một trong những đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng BHXH

Thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa về tình hình đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh đến hết quý II/2024 cho thấy, hiện có hàng chục đơn vị hành chính sự nghiệp nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tổng số tiền chậm đóng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, có 17 đơn vị khối hành chính sự nghiệp nợ từ năm 2022. Đến nay, có 7 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng (BQL Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng chậm đóng 10 tháng với hơn 195 triệu đồng; Trung tâm thông tin - ứng dụng chuyển giao KH&CN chậm đóng 8 tháng với gần 229 triệu đồng; BQL dự án đầu tư xây dựng thành phố Thanh Hóa chậm đóng 3 tháng với gần 528 triệu đồng…).

Quý II/2024, phát sinh mới 14 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng (Phân hiệu Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tại Thanh Hoá chậm đóng 4 tháng với số tiền hơn 536 triệu đồng; Trường THCS Đông Hải chậm đóng 3 tháng với số tiền gần 314 triệu đồng; Đoàn Đo đạc bản đồ và quy hoạch chậm đóng 4 tháng số tiền gần 282 triệu đồng…).

Ngoài những đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, có nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa nợ, chậm đóng gần 10 năm, với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng, như: Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF &RESORT có 358 lao động (chậm đóng 39 tháng) với số tiền 31,428 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thuỷ Thanh Hoá (chậm đóng 91 tháng) với số tiền 17,108 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lilama 5 (chậm đóng 57 tháng) với số tiền 11,559 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh (chậm đóng 20 tháng) với số tiền 4,534 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên JLG Vina (chậm đóng 49 tháng) với số tiền 5,801 tỷ đồng …

Các doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian chậm đóng kéo dài, đã thực hiện, kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được tiền chậm đóng như: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838; Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thuỷ Hoàng Long; Công ty Cổ phần Xây dựng Hancorp.2; Công ty Cổ phần Thiện xuân - Lam Sơn; Công ty TNHH Hà Thịnh - Hà Trung; Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn; Công ty Cổ phần Sản xuất, thương mại và Dịch vụ Vận tải An Huy - Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Bỉm Sơn Viglacera…

Thực tế cho thấy, có nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp khó khăn, nợ BHXH kéo dài nên khi chấm dứt hợp đồng với người lao động thì không thể chốt sổ BHXH, dẫn đến việc người lao động không làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp được.

Không chỉ vậy, khi các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nợ BHXH, người lao động còn đang làm việc cũng bị ảnh hưởng đến hàng loạt quyền lợi khác dành cho người tham gia BHXH bắt buộc, như trợ cấp thai sản, trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động…

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer