Thanh Hóa tích cực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giúp nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống bạo lực gia đình.
27/09/2023 07:35
Tổ chức truyền thông phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc tại huyện Như Thanh (Thanh Hóa).

Tổ chức truyền thông phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc tại huyện Như Thanh (Thanh Hóa)

Thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hoá, thời gian qua, việc duy trì, nhân rộng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương này đã và đang được ngành chức năng triển khai thực hiện có hiệu quả.

Cụ thể, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hoá đã triển khai các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, như: Mô hình "Truyền thông tư vấn về bình đẳng giới cho thanh niên và vị thành niên" tại các Trường THPT trên địa bàn huyện Hà Trung, Hậu Lộc và Lang Chánh; mô hình "Thành phố/Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái" tại các huyện Thạch Thành, Thọ Xuân và thành phố Sầm Sơn; triển khai mô hình "Cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới" tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Bảo trợ xã hội số 2; mô hình "Ngôi nhà Ánh Dương" tại Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội triển khai thực hiện kịp thời các hoạt động hỗ trợ, can thiệp trợ giúp đối với nạn nhân bị bạo lực, xâm hại; phối hợp và hướng dẫn các huyện tiếp tục triển khai mô hình "Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh".

Thông qua việc thực hiện các mô hình giúp người dân tại cộng đồng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đặc biệt là bạo lực trên cơ sở giới; kỹ năng tự kiểm soát bản thân và phòng tránh bạo lực; tạo cơ hội để các nạn nhân bị bạo lực được tiếp cận ít nhất một hoạt động can thiệp nhằm giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện tốt mô hình và các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới...

Với những nỗ lực trên, hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn tại Thanh Hóa đã lựa chọn địa điểm và xây dựng "Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh". Trong đó, 465 "Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh" đạt các tiêu chí hướng dẫn của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để tư vấn, trợ giúp các nạn nhân của các vụ bạo lực giới; phát triển, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, Câu lạc bộ Nam giới tiên phòng phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân tại cộng đồng, từ đó, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới theo kế hoạch đề ra.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer