Thanh Hóa: Xôn xao thông tin thai bình thường, bị bác sĩ Phòng khám 400 chẩn đoán thai lưu

Nhiều ngày qua, bài viết kèm hình ảnh do tài khoản Facebook Vân COng chia sẻ về trường hợp một sản phụ có thai bình thường, nhưng bị bác sĩ tại Phòng khám 400 sản phụ khoa & KHHGĐ (Phòng khám 400) kết luận thai lưu, lan truyền trên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận.
25/04/2024 20:46
Mạng xã hội Facebook xôn xao thông tin một thai phụ có thai nhi bình thường, bị bác sĩ Phòng khám 400 sản phụ khoa & KHHGĐ chẩn đoán thai lưu

Mạng xã hội Facebook xôn xao thông tin một thai phụ có thai nhi bình thường, bị bác sĩ Phòng khám 400 sản phụ khoa & KHHGĐ chẩn đoán thai lưu

Thai bình thường bị chẩn đoán thai lưu?

Theo nội dung, hình ảnh được đăng tải từ tài khoản Facebook cá nhân có tên Vân COng. Ngày 20/4, bạn người này đi khám thai, được bác sĩ Phòng khám 400 (địa chỉ tại 440 Trần Phú, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) chẩn đoán thai lưu, không có tim thai. Sau đó, bác sĩ đưa ra kết luận thai lưu 6 tuần 4 ngày.

Dù bạn người này nghi ngờ, thắc mắc với bác sĩ về kết quả siêu âm, nhưng bác sĩ vẫn khẳng định thai lưu, làm càng sớm càng tốt và bảo bạn người này “hút”, “ra ngoài nhân viên tư vấn để làm”.

Cũng theo nội dung chia sẻ, sau khi nhận kết quả thai lưu, nhân viên tại Phòng khám 400 nhiều lần yêu cầu trực tiếp, gọi điện sản phụ qua phòng khám lấy máu xét nghiệm để làm kế hoạch, nhưng không được sản phụ đồng ý... Rời Phòng khám 400, sản phụ này đi khám tại một cơ sở khác, thì được kết luận có tim thai và thai đang khoẻ mạnh phát triển bình thường.

Nội dung chia sẻ trên mạng xã hội Facebook khiến dư luận xôn xao, được tương tác bởi hàng nghìn lượt thích, bình luận và chia sẻ. Một số tài khoản Facebook bình luận, tỏ ra hoài nghi trước thông tin trên. Chưa được kiểm chứng, nhưng cũng không ít tài khoản tỏ ra bức xúc, chê trách Phòng khám 400 có thể gây ra sự cố y khoa nghiêm trọng...

BS.CKII Lê Văn Thụ, phụ trách Phòng khám 400, cho biết kết luận

BS.CKII Lê Văn Thụ, phụ trách Phòng khám 400, cho biết kết luận "thai lưu" là do nhân viên đánh máy?

Chiều 25/4, trao đổi với phóng viên về thông tin lan truyền trên mạng xã hội, BS.CKII Lê Văn Thụ, phụ trách Phòng khám 400, cho biết đã nắm được thông tin trên, đồng thời, thừa nhận phòng khám có sai sót. Sau khi xảy ra sự việc, đơn vị đã chấm dứt hợp đồng lao động và cho một nhân viên nghỉ việc. “Sáng hôm qua tôi từ cơ sở một về thì nghe nhân viên bàn tán. Tôi có hỏi thì mọi người bảo trường hợp bệnh nhân theo dõi thai lưu, mà bây giờ nó đăng lên thai chết lưu. Sau khi tôi lấy máy trực tiếp kiểm tra thì đúng có từ đó. Lỗi đầu tiên tôi tra ở nhân viên đánh máy phục vụ bác sĩ đó, thì cô ấy nhận sai. Sau đó, tôi cho nghỉ việc luôn...”.

Về nội dung sau khi nhận kết quả siêu âm, sản phụ được bác sĩ, nhân viên Phòng khám 400 tư vấn phá thai, ông Thụ phủ nhận thông tin trên. “Không có tư vấn, tôi không tư vấn phá thai. Tôi kiểm tra lễ tân cũng không có ai tư vấn cả. Bác sĩ Huy trực tiếp siêu âm cũng không tư vấn, không yêu cầu phá thai, chỉ theo dõi thai lưu thôi”, bác sĩ Thụ khẳng định.

Cùng ngày, trao đổi nhanh qua điện thoại, một cán bộ Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, đơn vị vẫn chưa nhận được thông tin, phản ánh, kiến nghị của người dân, liên quan đến thông tin thai bình thường nhưng bị bác sĩ Phòng khám 400 chẩn đoán thai lưu.

Cần chịu trách nhiệm trước sự cố y khoa!

Sự cố y khoa là điều khó tránh khỏi trong môi trường nhiều rủi ro như phòng khám, bệnh viện và trong nhiều trường hợp nằm ngoài tầm kiểm soát. Việc khắc phục và làm giảm thiểu sai sót, sự cố y khoa là một công việc khó khăn, lâu dài nên đòi hỏi cần có sự tham gia của toàn bộ hệ thống y tế, kể cả sự tham gia của người bệnh và cộng đồng trên toàn xã hội.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH được Quốc hội thông qua ngày 09/01/2023, có hiệu lực ngày 01/01/2024 cũng đề cập đến việc phòng ngừa sự cố y khoa, được thực hiện trên cơ sở nhận diện, báo cáo, phân tích tìm nguyên nhân, đưa ra các khuyến cáo, giải pháp phòng ngừa, tránh tái diễn sự cố y khoa để nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, an toàn cho người bệnh.

Phòng khám 400 sản phụ khoa & KHHGĐ có địa chỉ tại 440 Trần Phú, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Phòng khám 400 sản phụ khoa & KHHGĐ có địa chỉ tại 440 Trần Phú, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Các khuyến cáo, giải pháp phòng ngừa sự cố y khoa được công bố công khai trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Việc phòng ngừa sự cố y khoa là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở và người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đa số các sự cố y khoa là các sự cố suýt xảy ra hoặc xảy ra, nhưng không ảnh hưởng đến người bệnh. Cụ thể, nếu phân loại sự cố y khoa theo nhóm sẽ có các trường hợp như: Theo mức độ tổn thương, theo nhóm sự cố, theo nhóm nguyên nhân gây ra sự cố. Các sự cố y khoa không còn là vấn đề mới, nhưng việc báo cáo sự cố y khoa là công việc không hề dễ dàng đối với nhân viên y tế.

Sự cố y khoa xảy ra sẽ gây sự quan tâm, theo dõi của toàn xã hội đối với ngành y tế. Áp lực mà các bệnh viện, phòng khám và người hành nghề đang phải đối mặt là một số người nhà người bệnh và nhóm người có toan tính lợi dụng sự cố y khoa để gây rối loạn trật tự xã hội, lợi dụng gây áp lực bồi thường tài chính,...

Do đó mỗi nhân viên y tế cần nhận thức được sự cần thiết của phòng ngừa, tránh tái diễn sự cố y khoa; nắm rõ các quy định, quy trình, hướng dẫn về báo cáo sự cố y khoa. Cần phải xây dựng một văn hóa mới về nhìn nhận và xử lý sai sót, sự cố y khoa, sao cho mỗi cán bộ viên chức khi phát hiện sai sót, sự cố, thì tự giác báo cáo để xử lý các trường hợp một cách chủ động và kịp thời, giảm thiểu rủi ro thấp nhất cho người bệnh.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer