Thế giới cần vaccine mới bảo vệ chống lại nhiễm bệnh và lây lan

Cơ quan tư vấn vaccine của WHO bày tỏ lo ngại về việc sử dụng vaccine COVID-19 hiện tại làm vaccine tăng cường.
12/01/2022 10:40
vac

Nhóm chuyên gia WHO không đồng tình với việc tiêm vaccine tăng cường bằng các loại vaccine hiện có

Một nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, sử dụng vaccine gốc ngừa COVID-19 làm vaccine tăng cường chống lại các biến thể mới là cách tiếp cận sai lầm; đồng thời nói thêm rằng, thế giới cần vaccine mới bảo vệ chống lại nhiễm bệnh và lây lan.

“Một chiến lược tiêm chủng dựa trên các liều tăng cường nhắc lại của chế phẩm vaccine ban đầu khó có thể phù hợp hoặc bền vững” - RT dẫn lời Nhóm Cố vấn Kỹ thuật về Chế phẩm vaccine COVID-19 (TAG-Co-VAC) cho biết hôm 11.1.

Trong khi một số quốc gia có thể khuyến nghị tiêm vaccine tăng cường, “ưu tiên trước mắt của thế giới là tăng tốc khả năng tiếp cận liều vaccine cơ bản, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ phát triển bệnh nặng hơn” - TAG-Co-VAC nói thêm, chỉ ra “nhu cầu công bằng trong việc tiếp cận vaccine ở mọi quốc gia để đạt được các mục tiêu sức khỏe cộng đồng toàn cầu”.

Theo cơ quan tư vấn y tế vaccine của WHO, trong khi các loại vaccine hiện có tập trung vào việc “giảm thiểu bệnh tật nặng và tử vong, cũng như bảo vệ hệ thống y tế”, thì vẫn cần những loại vaccine “có tác động cao trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh và lây lan”. Nhóm cho biết, cho đến khi các loại vaccine như vậy được phát triển, có thể cần phải cập nhật các vaccine hiện có để nhắm mục tiêu tốt hơn vào các biến thể COVID-19 mới như Omicron.

Các nhà phát triển nên làm việc để bào chế các loại vaccine "tạo ra các phản ứng miễn dịch rộng rãi, mạnh mẽ và lâu dài để giảm nhu cầu về các liều tăng cường liên tiếp" - TAG-Co-VAC kêu gọi.

Ngày 11.1, ông Marco Cavaleri - người đứng đầu Chiến lược vaccine và các mối đe dọa sức khỏe sinh học của Cơ quan quản lý dược phẩm EU (EMA) - cho hay, họ chưa có đủ dữ liệu để đề xuất mũi vaccine tăng cường thứ hai - tức là mũi vaccine thứ tư - cho đến nay, ngay cả khi một số quốc gia thúc giục.

Marco Cavaleri bày tỏ “khá lo ngại về một chiến lược liên quan đến việc tiêm chủng lặp lại trong thời gian ngắn” và nói thêm rằng, “chúng ta thực sự không thể liên tục tiêm một liều nhắc lại sau mỗi ba-bốn tháng”.

WHO cho biết, biến thể Omicron có thể lây nhiễm cho hơn một nửa dân số EU trong hai tháng tới và kêu gọi các cơ quan chức năng của khối không coi virus này là bệnh dịch đặc hữu.

(Theo AFP)

comment Bình luận

largeer