Thế giới vừa trải qua tháng nóng nhất từng được ghi nhận

Nhiệt độ bề mặt đại dương và đất liền toàn cầu tháng trước đã đánh bại mức nhiệt kỷ lục của tháng 7/2016, một dấu hiệu nữa cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang bùng nổ.
14/08/2021 17:15

Các nhà khoa học của chính phủ Mỹ xác nhận tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Khủng hoảng khí hậu đang bùng phát, ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách trên hành tinh.

Guardian dẫn lời Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết tháng 7 này đã đánh bại kỷ lục về mức nhiệt được thiết lập vào tháng 7/2016.

Rick Spinrad, thành viên của NOAA, chia sẻ: “Tháng 7 thường là tháng nóng nhất trong năm của thế giới, nhưng tháng 7/2021 đã vượt qua chính mình để trở thành tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Kỷ lục mới này đã đặt thế giới vào một chặng đường đáng lo ngại và gián đoạn mà biến đổi khí hậu thiết lập trên toàn cầu".

31

NOAA nhận định 2021 có thể là một trong 10 năm nóng nhất từng được ghi nhận

Nhiệt độ bề mặt đại dương và đất liền toàn cầu vào tháng trước cao hơn 0,9 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 (15,8 độ C). Con số này đã đưa tháng 7/2021 trở thành tháng nóng nhất trong 142 năm có trong lịch sử dữ liệu.

Nhiệt độ tăng cao trên khắp thế giới là nguyên nhân dẫn đến mức nhiệt kỷ lục của tháng trước. Khu vực châu Á đã trải qua tháng 7 nóng nhất lịch sử và châu Âu, nơi bị thiêu đốt bởi sóng nhiệt và cháy rừng ở các quốc gia bao gồm Hy Lạp và Italy, đã có tháng 7 nóng thứ 2 từng được ghi nhận. Nhiệt độ cao nhất trong lịch sử châu Âu được ghi nhận là ở Sicily, Italy vào 11/8, với con số lên đến 48,8 độ C.

30

Cháy rừng ở châu Âu vào tháng trước

Báo cáo khí hậu NOAA cũng cho thấy lượng băng ở Bắc Băng Dương thấp hơn 18% so với mức trung bình từ năm 1981 đến năm 2010, mức thấp thứ 4 kể từ khi các ghi chép vệ tinh bắt đầu vào năm 1979.

NOAA nhận định “rất có thể” năm 2021 sẽ nằm trong số 10 năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Xác nhận về mức nhiệt kỷ lục trong tháng 7 đến sau công bố báo cáo mang tính bước ngoặt của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) hôm 9/8. Báo cáo chỉ rõ việc con người đốt nhiên liệu hóa thạch đã làm nóng hành tinh đến mức nhiệt độ chưa từng được ghi nhận trên Trái Đất trong khoảng 125.000 năm.

Hành vi này đang đẩy thế giới tới tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm. Sự kiện này chỉ có thể được ngăn chặn bằng cách cắt giảm sâu và nhanh chóng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Ông Spinrad nói rằng báo cáo của IPCC "xác nhận các ảnh hưởng đang lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn".

Theo Zing

comment Bình luận

largeer