Thí sinh đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần trước ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã cận kề, nhiều thí sinh ôn thi trong tâm trạng bồn chồn vì không biết liệu hồ sơ xét tuyển học bạ của mình đã nằm trong vùng an toàn hay chưa. Bên cạnh đó, số lượng thí sinh tăng cao và áp lực đỗ vào các trường top đầu khiến nhiều em căng thẳng, đặc biệt trong giai đoạn "nước rút" trước kỳ thi.
25/06/2023 17:38

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra vào cuối tháng 6. Trong đó, ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tổ chức coi thi tốt nghiệp THPT vào 2 ngày 28 và 29/6/2023.

Năm 2023, cả nước có hơn 1.000.000 thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6, tăng khoảng 24.000 thí sinh so với năm ngoái. Số lượng thí sinh tăng cao khiến cuộc đua năm nay thêm sức nóng. Có không ít thí sinh trở nên lo lắng, căng thẳng, đặc biệt trong giai đoạn “nước rút” trước kỳ thi.

Em Lê Huy Hoàng (Phú Thọ) chia sẻ: Cá nhân em là một người rất hay lo, có khi không ngủ được nhiều, thường thức dậy sớm. Bây giờ em đang cố gắng bình tĩnh hơn, đi ngủ sớm hơn để cân đối với quá trình học tập. 

Chia sẻ tâm trạng trước kì thi, Huy Hoàng cho biết: “Bây giờ em cũng khá lo vì kết quả xét tuyển học bạ chưa biết thế nào, khá là may rủi. Nhưng ngoài vấn đề đó ra thì em cũng sắp kết thúc 12 năm học, chuẩn bị bước sang một trang mới của cuộc đời, và em cũng muốn được trải nghiệm nhiều hơn ở môi trường đại học".

Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết

Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết

Cân đối thời gian học tập, ôn luyện từ sớm, em Phạm Lê Bảo Vy (Hà Nội) khá tự tin trong kỳ thi lần này: "Năm nay, em dự kiến sẽ dùng học bạ để xét tuyển vào đại học. Em thấy rằng mình có ưu thế khi vừa là học sinh trường chuyên vừa có chứng chỉ ngoại ngữ, vậy nên em muốn nộp học bạ xét tuyển sớm để có nhiều cơ hội đỗ hơn.

“Gần sát ngày thì em sẽ cố gắng không thức khuya nữa, đi ngủ sớm, dậy sớm cho tỉnh táo và quen với giờ giấc đi thi. Dù đây là một kì thi quan trọng nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe của mình là trên hết, khỏe mạnh thì mới tỉnh táo và làm bài tốt được", Bảo Vy chia sẻ.

Vạch ra kế hoạch ôn luyện cho cho bản thân từ sớm để không bị động trong mỗi kỳ thi, em Nguyễn Mai Phương (Hà Nội) vẫn không tránh khỏi căng thẳng: Suốt từ năm lớp 10, ngoài giờ học chính khóa, em tham gia nhiều lớp học thêm để nâng cao kiến thức. Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng cũng giống như những người bạn cùng lứa, em không tránh khỏi căng thẳng khi ngày thi đã cận kề.

"Em lựa chọn khối D để xét tuyển, nên rất lo lắng vì môn Toán không phải là thế mạnh của em. Em đã cố gắng cân bằng giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi, tuy nhiên, vẫn có nhiều hôm em phải thức đến 2 giờ sáng để học. Gần ngày thi, thời gian học của em chiếm đến 10 đến 12 tiếng một ngày. Tuy nhiên, em luôn có ông bà, bố mẹ kề bên, luôn chăm sóc từng bữa ăn cho em, sức khỏe của em cũng luôn được mẹ sát sao. Được sự động viên của bố mẹ, tinh thần em cũng được trấn an phần nào, em sẽ cố gắng trong kỳ thi lần này", Mai Phương bày tỏ.

Lựa chọn khối D để thi vào các ngành truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nguyễn Lưu Ly (Đống Đa, Hà Nội) không tránh khỏi cảm giác thấp thỏm, lo âu vì mức điểm sàn của các ngành này khá cao. Bên cạnh đó, năm nay, số lượng thí sinh đăng ký thi rất đông. 

“Trước kỳ thi năm nay, em đã đăng ký tham gia xét tuyển học bạ để có thêm một cơ hội bước chân vào trường Báo. Tuy nhiên, do không có lợi thế về tiếng Anh như các bạn khác, không có chứng chỉ ngoại ngữ nộp cùng học bạ nên em lo lắng vô cùng. Cơ hội vào trường của em đặt hết vào kỳ thi năm nay. Dù gần đến ngày thi em vẫn đến lớp học thêm vào tất cả các buổi trong tuần, buổi tối thì dành thời gian học trực tuyến cùng gia sư. Có những đêm ngủ muộn nhưng buổi sáng em vẫn thức dậy lúc 3 giờ rưỡi để ôn lại các kiến thức, làm các đề thi mẫu và bài tập mà các thầy cô giao”, Lưu Ly cho biết.

Thí sinh cần đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần trước ngày thi

Cô giáo Lê Thị Vân (Phú Thọ) cho biết: "Việc áp lực, lo lắng trước ngày thi là điều mỗi học sinh đều không thể tránh khỏi. Là giáo viên dạy môn Văn, tôi vừa đốc thúc các em ôn tập đầy đủ, vừa động viên các em cần đảm bảo tinh thần và sức khỏe trước kỳ thi".

Trong giai đoạn “nước rút”, thay vì cố gắng tận dụng thời gian để học nhiều hơn, cô Vân khuyên rằng, các thí sinh nên cân bằng giữa thời gian ôn tập và nghỉ ngơi. Tâm lý lo lắng, căng thẳng kéo dài vừa khiến bộ não hoạt động kém, không thể tiếp thu kiến thức vừa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của thí sinh trước khi bước vào kỳ thi.

Vừa là giáo viên và cũng vừa là người mẹ có con sắp bước vào kỳ thi, cô giáo Lê Thị Vân đã tìm hiểu rất nhiều về việc đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng cho sĩ tử trước ngày thi. Chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân, cô Vân cho hay: Mỗi thí sinh nên học tập điều độ, tránh học khuya đến 2-3 giờ sáng và đảm bảo mỗi ngày ngủ ít nhất 7 tiếng. Việc thu nạp kiến thức liên tục trong thời gian dài sẽ khiến các em gặp khó khăn trong ghi nhớ. Các em nên lắng nghe cơ thể mình; để cơ thể nghỉ ngơi khi cảm thấy mệt mỏi, vượt quá sức chịu đựng.

Ngoài ra, các em cần dành thời gian tập luyện thân thể. Các em nên thường xuyên ra ngoài, tập thể dục, giao lưu gặp gỡ bạn bè để giải tỏa cảm xúc tiêu cực. 

Điều quan trọng, các em nên ăn uống đầy đủ, tránh bỏ bữa hoặc ăn đồ đóng hộp, ăn vặt, ăn linh tinh cho qua bữa. Thiếu dinh dưỡng trong quá trình ôn luyện, đặc biệt trong giai đoạn “nước rút” này có thể khiến các em kiệt sức khi tham gia kỳ thi quan trọng, dẫn đến việc hoàn thành bài thi không tốt.

Là một người mẹ, cô Vân thấu hiểu rằng vai trò của gia đình khi đồng hành cùng con trong quá trình ôn luyện là điều rất quan trọng. "Sự động viên, hiện diện của bố mẹ trong những ngày căng thẳng sẽ là động lực lớn cho các con suốt quá trình ôn luyện. Thay vì chỉ ra những hậu quả xấu nếu con không may trượt nguyện vọng đặt ra, các vị phụ huynh nên hướng đến những mặt tích cực, để con giảm bớt tâm lý căng thẳng, lo sợ", cô giáo Vân chia sẻ.

Có thể thấy, tâm lý của học sinh nhìn chung đều khá lo lắng trước thềm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài việc chuẩn bị tốt về kiến thức thì sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý cũng vô cùng quan trọng. Kì thi đang đến gần, các thí sinh cần giữ sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, phân bổ thời gian học tập khoa học để đạt kết quả tốt nhất mà mình mong muốn.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer