Vừa qua, một người đàn ông 56 tuổi (trú tại Đồng Nai) đến Khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy, vì xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản. Trong lúc nội soi dạ dày tá tràng, bác sĩ phát hiện con sán bò ký sinh.
Theo chia sẻ của bác sĩ Tăng Trung Hiếu, Khoa Nội soi, Bệnh viện Chợ Rẫy người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân miêu tả: " Nội soi dạ dày tá tráng chỉ gắp được một phần sán chứ không thể gắp hết hoàn toàn, sau khi bệnh nhân ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục điều trị sán bằng thuốc".
Chia sẻ về thói quen ăn uống, người đàn ông trên cho biết thường xuyên ăn thịt bò tái, chỉ vắt chanh rồi pha nước sôi chứ không nấu chín. Khoảng một năm trước, bệnh nhân đi tiêu thấy đốt sán màu trắng đục, dài, dẹp nhưng không đi khám.
Theo nghiên cứu, sán dây bò khi trưởng thành có thể dài hơn 4m, khoảng 800-1.000 đốt trắng, thường phát hiện trong phân với những đoạn trắng dẹp.
Sán dây bò được điều trị bằng thuốc xổ. Sán ký sinh lâu trong cơ thể sẽ hấp thu chất dinh dưỡng, gây thiếu máu kéo dài, suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa, đau bụng...
Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên ăn chín uống sôi, không ăn thực phẩm thực phẩm tái, sống, thức ăn nhiễm bệnh, chưa rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm định.
Ở Việt Nam thường gặp sán dây bò truyền nhiễm vào cơ thể người qua thịt bò, sán dây lợn truyền qua thịt lợn, sán dây châu Á truyền qua phủ tạng lợn. Chúng đều lưỡng tính, sống ký sinh ở ruột người.
PV