Thiếu nguồn cung cho Chương trình phân phối vắc xin phòng Covid-19 toàn cầu

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, chương trình phân phối vắc xin phòng Covid-19 toàn cầu của Liên hợp quốc (COVAX) đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung nghiêm trọng.
02/04/2021 09:05

Châu Mỹ

Ngày 2-4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, khoảng 30% dân số nước này, tương đương với 99,6 triệu người đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19. Gần 17%, tức khoảng 56 triệu người đã hoàn thành 2 liều vắc xin. Trung bình, mỗi ngày nước này tiêm được khoảng từ 2,5-2,9 triệu liều.

vx

Trong khi đó, các công ty chuyên cung cấp dịch vụ y tế và các thiết bị chăm sóc sức khỏe đa quốc gia của Mỹ Abbott Laboratories dự kiến sẽ bắt đầu giao các bộ xét nghiệm BinaxNOW cho các cơ sở bán lẻ trong vài tuần tới. Đây là một trong những bộ xét nghiệm phổ biến nhất tại Mỹ và có thể cho kết quả sau khoảng 15 phút. Người dân có thể mua bộ xét nghiệm này tại các cửa hàng hoặc mua trực tuyến mà không cần chỉ định của bác sĩ và tự thực hiện tại nhà. Abbott hiện có thể sản xuất khoảng 50 triệu bộ xét nghiệm BinaxNOW mỗi tháng tại Mỹ.

Tại Brazil, Cơ quan quản lý sức khỏe Anvisa đã phê duyệt vắc xin Covid-19 một liều của Johnson & Johnson để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Vắc xin có tên Jassen cho thấy hiệu quả cao trong việc phòng ngừa Covid-19, kể cả các biến thể mới. Trong các thử nghiệm lâm sàng, hiệu quả của Jassen đối với bệnh nặng lên đến 85,9% tại Mỹ, 81,7% tại Nam Phi và 85,6% tại Brazil. Hiện, Brazil cho phép sử dụng ít nhất 4 loại vắc xin ngừa Covid-19.

Châu Âu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ trích tiến độ triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở châu Âu là "chậm đến mức không thể chấp nhận" và khiến đại dịch kéo dài trong bối cảnh số ca mắc ở khu vực này đang gia tăng đáng lo ngại.

Trong một tuyên bố, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho rằng, vắc xin là giải pháp tốt nhất để thoát khỏi đại dịch, song việc triển khai tiêm chủng ở châu Âu đang còn chậm. Ông Kluge kêu gọi châu Âu tăng tốc độ bằng cách tăng sản lượng vắc xin, dỡ bỏ các rào cản đối với việc quản lý vắc xin và sử dụng tất cả số vắc xin hiện có.

Theo WHO, cho đến nay, chỉ 10% dân số châu Âu đã tiêm một mũi vắc xin và 4% hoàn thành đầy đủ liều tiêm. Trung bình mỗi ngày ở châu Âu có 0,31% dân số được tiêm một mũi vắc xin, gần gấp đôi tỷ lệ 0,18% trên toàn cầu nhưng thấp hơn nhiều so với Mỹ và Canada.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) công bố số liệu cho thấy, Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được mục tiêu kép về việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho 80% nhân viên y tế và 80% dân số từ 80 tuổi trở lên vào cuối tháng 3. Theo báo cáo của ECDC, hầu hết các nước đều gặp khó khăn liên quan đến nguồn cung cấp và việc giao nhận vắc xin ngừa Covid-19. Ngoài mục tiêu kép đối với hai nhóm ưu tiên trên, Ủy ban châu Âu cũng đặt ra mục tiêu đến mùa hè năm nay các nước thành viên sẽ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho ít nhất 70% dân số.

Hiện, nhiều quốc gia châu Âu đang đối mặt với làn sóng lây lan dịch Covid-19 thứ ba, buộc chính phủ nhiều nước như Đức, Ba Lan, Pháp, Bỉ, Áo và Hà Lan phải siết chặt các hạn chế phòng dịch.

Tại Nga, Bộ Y tế đã cho phép lưu hành loại thuốc điều trị vi rút SARS-CoV-2 dựa trên huyết tương bệnh nhân Covid-19. Như vậy, thuốc "COVID-Globulin" đã trở thành thuốc trị Covid-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới. Loại thuốc này do Công ty cổ phần Natsimbio trực thuộc Tập đoàn Rostec điều chế dựa trên huyết tương của người mắc bệnh. 

Trong quá trình nghiên cứu, thuốc chứng tỏ an toàn, không có tác dụng phụ và có khả năng vô hiệu hóa vi rút SARS-CoV-2. Thuốc sẽ được sử dụng để điều trị các bệnh nhân Covid-19 thể vừa đến nặng sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 2 và 3, dự kiến mất khoảng 6 tháng.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã được tiêm mũi vắc xin của hãng AstraZeneca đầu tiên. Thông tin vị nguyên thủ Đức 65 tuổi được tiêm vắc xin của AstraZeneca đã được truyền thông nước này rầm rộ đưa tin trong bối cảnh người dân Đức đang có những nghi ngại về loại vắc xin này. Sau khi tiêm, ông Steinmeier đã kêu gọi mọi người dân sử dụng vắc xin của AstraZeneca, đồng thời khẳng định, ông "hoàn toàn tin tưởng" các loại vắc xin đã được phê duyệt ở Đức. Ông Steinmeier nhấn mạnh, việc tiêm vắc xin là bước quyết định trên con đường thoát khỏi đại dịch và kêu gọi mọi người hãy cùng tham gia.

Theo Hà Nội Mới

comment Bình luận

largeer