Thoát vị bẹn ở bé gái 1 tuổi

Ngày 31/3, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bé gái một tuổi quê Bến Tre rất khó chịu, quấy khóc nhiều, nôn ói, vùng bẹn có khối căng phồng gây đau. Cha mẹ cho biết từ khi sinh mỗi lần bé khóc thường xuất hiện khối phồng ở vùng bẹn, nghĩ là bình thường nên không đưa đi khám bệnh.
01/04/2021 08:15

 

thoat-vi-ben-be-gai-by-parentu-6704-7245-1617185330

Mô phỏng thoát vị bẹn. Ảnh: Parentune.

Các bác sĩ chẩn đoán bé bị thoát vị ống Nuck nghẹt (thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ gái), phải phẫu thuật tối khẩn nhằm cứu tạng bị nghẹt. Bác sĩ Phan Nguyễn Ngọc Tú cùng ê kíp đã tiến hành phẫu thuật nội soi cho bệnh nhi. Khối thoát vị là buồng trứng được lấy ra khỏi ống bẹn. May mắn buồng trứng phục hồi, hồng hào không thương tổn hoại tử. Kíp mổ đã đóng lỗ bẹn sâu, ngăn ngừa tái phát. Bé phục hồi nhanh, ăn uống bình thường, xuất viện ngày hôm sau.

Một trường hợp thoát vị bẹn khác, là bé gái 11 tuổi, cũng mới được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 phẫu thuật. Em bé này hoàn toàn không có biểu hiện gì lạ trước đây, nay bị sưng đau vùng bẹn đột ngột. Khối thoát vị này là ruột và mạc nối lớn.

Thoát vị bẹn ở trẻ gái là dị tật bẩm sinh, việc chẩn đoán và điều trị không quá phức tạp. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và xử trí sớm có thể gây những biến chứng nguy hiểm khi xảy ra thoát vị bẹn nghẹt, như hoại tử khối tạng nghẹt (bao gồm buồng trứng, ruột hay mạc nối...).

"Thoát vị bẹn ở trẻ gái tuy không gặp nhiều như bé trai, nhưng biến chứng nghẹt đối với buồng trứng rất nguy hiểm, tổn thương có thể gây nên vấn đề sinh sản sau này", bác sĩ Thạch nhấn mạnh.

Bác sĩ lưu ý, đối với thoát vị bẹn ở bé gái, người nhà khi phát hiện khối sưng phồng vùng bẹn, tuyệt đối không nên cố gắng sờ nắn và đẩy lên vì có thể gây tổn thương buồng trứng. Điểm này khác biệt so với thoát vị bẹn ở bé trai.

Dị tật bẩm sinh thoát vị bẹn do ống phúc tinh mạc không bịt kín khi trẻ chào đời. Dị tật biểu hiện bằng một khối phồng tại vùng bẹn, gần âm hộ bé gái. Hiện, phẫu thuật là phương pháp duy nhất để điều trị.

Theo bác sĩ Thạch, với xu thế phẫu thuật ít xâm lấn, phẫu thuật thoát vị bẹn bằng nội soi được nhiều bệnh viện triển khai, trong đó có Bệnh viện Nhi đồng 2. Phương pháp phẫu thuật nội soi bằng kim Endo của giáo sư người Nhật Bản, Endo Masao, được xem là ưu thế hơn so với phương pháp phẫu thuật mổ mở kinh điển.

Mổ nội soi giúp quá trình phẫu thuật không bỏ sót thoát vị bẹn bên đối diện, nhờ quan sát dễ dàng trong ổ bụng qua camera nội soi. Nếu phát hiện có thoát vị bẹn bên đối diện, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật ngay trong cùng một lần mổ. Còn mổ mở, chủ yếu dựa vào siêu âm. Một số trường hợp trẻ không có triệu chứng khi đến khám và siêu âm không phát hiện ra thì mổ mở dễ bỏ sót tổn thương.

Phẫu thuật nội soi giúp bệnh nhân ít bị sang chấn, phục hồi nhanh, tính thẩm mỹ cao (nhất là với bé gái).

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer