Thói quen sai lầm khi sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng có thể rước họa vào người

Nhiều thói quen sai lầm khi sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe người dùng như: tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, tin theo quảng cáo mạng, bài thuốc truyền miệng và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
08/07/2025 12:42

Dùng sai, hại gấp đôi

Nhiều người tin rằng thực phẩm chức năng lành tính, có thể sử dụng lâu dài mà không lo tác dụng phụ. Thực tế, không ít trường hợp đã phải nhập viện do tổn thương gan, suy thận hoặc rối loạn chuyển hóa chỉ vì dùng quá liều, dùng sai cách hoặc kết hợp sai các loại thuốc. Đáng nói, nhiều người thậm chí còn sử dụng thực phẩm chức năng thay thế cho thuốc điều trị, dẫn đến bệnh tình trầm trọng hơn.

Trường hợp điển hình: bệnh nhân V.T (24 tuổi, ngụ tại Tây Ninh), được đưa vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao, phát ban khắp cơ thể, loét niêm mạc mắt, miệng và bộ phận sinh dục. qua khai thác bệnh sử, trước đó, bệnh nhân đã tự ý sử dụng thuốc kháng viêm NSAID và Carbamazepin để điều trị đau dây thần kinh V mà không có chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân V. T. nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì dị ứng thuốc. Ảnh: BV

Bệnh nhân V. T. nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì dị ứng thuốc. Ảnh: BV

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Hồ Ngọc Việt, Trưởng khoa Nội tổng quát, bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh thì đây là những thuốc có nguy cơ cao gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và dẫn đến tình trạng nguy hiểm mà bệnh nhân đang phải đối mặt. Kết quả chẩn đoán xác định bệnh nhân bị hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN), một biến chứng nặng do dị ứng thuốc với nguy cơ tử vong rất cao nếu không được xử trí kịp thời. Nhờ được chuyển đến cơ sở y tế sớm và được điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tuy nhiên vẫn còn phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương mắt và sẹo vĩnh viễn.

Tại bệnh viện, mỗi ngày tiếp nhận 2 - 3 ca bị tác dụng phụ do sử dụng thuốc không hợp lý. Những trường hợp này có thể phản ứng nhẹ như nổi mề đay, ngứa, đỏ da, mệt mỏi, buồn nôn, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp nặng hơn như sốc phản vệ, hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN), Stevens-Johnson. Đáng báo động hơn, đã có trường hợp tử vong trên đường đến cấp cứu do phản vệ nặng và không được cấp cứu kịp thời.

Ẩn họa từ những toa thuốc “truyền miệng”

Một trong những trường hợp đáng chú ý là bệnh nhân L.T.A.T (40 tuổi, TP.HCM) vừa được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) trong tình trạng phản ứng da do thuốc nặng, tổn thương niêm mạc và da diện rộng, sức khỏe toàn thân cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Bệnh nhân sau đó được xác định là sử dụng các sản phẩm giảm mỡ bụng và collagen không rõ nguồn gốc thông qua lời giới thiệu của người quen.

Bệnh nhân chia sẻ đã mua thuốc giảm cân, thải độc trên mạng với giá 300 – 400 nghìn đồng/hộp, sau một tháng sử dụng, các nốt ban đỏ bắt đầu xuất hiện ở hai tay, sau đó lan rộng ra chân, mặt và toàn thân, kèm theo mụn nước, trợt loét ở môi, niêm mạc miệng, họng viêm xung huyết khiến chị cảm tháy ngứa, đau rát tại các tổn thương da, cơ thể mệt mỏi, sốt nóng và ăn uống kém, buộc chị phải nhập viện.

Các nốt ban đỏ xuất hiện khắp người của bệnh nhân A.T. sau một tháng uống thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Ảnh: BV

Các nốt ban đỏ xuất hiện khắp người của bệnh nhân A.T. sau một tháng uống thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Ảnh: BV

Chị A.T được chẩn đoán phát ban dát sẩn, hồng ban đa dạng do dị ứng thuốc giảm mỡ, collagen chưa rõ nguồn gốc trên nền tảng huyết áp và có nguy cơ diễn tiến thành hội chứng Stevens-Johnson hoặc hội chứng Lyell – những thể nặng của dị ứng thuốc với tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời.

“Mê tín” quảng cáo, tin người bán hơn bác sĩ

Tình trạng mua thực phẩm chức năng qua mạng xã hội, “truyền miệng” từ người quen, hay tin theo những lời quảng cáo thổi phồng là điều đang diễn ra phổ biến. Nhiều người không kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, dẫn tới việc sử dụng phải hàng giả, hàng kém chất lượng – hậu quả là tiền mất, tật mang.

Trường hợp của ông V. (61 tuổi, ngụ Long An) đã phải nhập viện khẩn cấp do tin tưởng tiêm thuốc trị đau lưng từ một “thần y” gần nhà. Sau hai tuần tiêm, vùng mông, đùi ông V. sưng tấy, đau nhức dữ dội, sốt cao và không thể đi lại được. Ông phải nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng lan rộng đến khớp háng, đe dọa biến chứng nhiễm trùng huyết. Bác sĩ Trần Quang Nhật, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An cho biết, bệnh nhân V. bị nhiễm trùng tụ mủ sâu lan rộng, đe dọa biến chứng nhiễm trùng huyết. Êkip phẫu thuật đã phải rạch tháo mủ cấp cứu, dẫn lưu hơn 700ml mủ và cắt lọc mô hoại tử để cứu tính mạng bệnh nhân.

Lời khuyên nào từ chuyên gia

Không tự ý dùng thuốc hay thực phẩm chức năng mà chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

Không tin tuyệt đối vào quảng cáo trên mạng.

Luôn đọc kỹ nhãn sản phẩm, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Không nên kết hợp nhiều loại cùng lúc mà chưa hiểu rõ tác động.

 

 

 

  

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận