Thừa Thiên - Huế: Nhiều mô hình hay về thu gom, xử lý rác thải tại nguồn
Nâng cao nhận thức
Hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, cứ 6h sáng chủ nhật cuối tuần, đông đảo người dân phường Trường An (TP. Huế) tập trung tại trụ sở UBND phường, sau đó cùng nhau đi thu gom phân loại rác thải, vệ sinh khắp các con đường.
Nhiều mô hình thí điểm phân loại rác trên địa bàn TP. Huế
Để duy trì, phát triển hoạt động này, những người đứng đầu chi bộ của khu dân cư đã tập hợp, gắn kết, vận động người dân cùng tham gia. Đặc biệt, từ nguồn rác thải tại nguồn, các mô hình thu gom rác để gây quỹ đã được thành lập.
“Ở tổ chúng tôi, có nhiều thùng phân loại rác tích góp ve chai như vỏ chai nhựa, vỏ lon bia, giấy bìa... một cách đều đặn đã góp phần thúc đẩy việc giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác thải tại nguồn, ngoài ra gây quỹ phục vụ an sinh xã hội”, ông Nguyễn Minh (tổ 3, phường Trường An) bộc bạch.
Hội Phụ nữ huyện Quảng Điền đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể vận động hội viên đào hố ngay tại góc vườn để phân loại và xử lý rác. Rác hữu cơ thì đem đốt để làm phân bón, còn rác vô cơ thì tập kết về địa điểm theo quy định để tiêu hủy. Trong khi đó tại Phong Điền, hội phụ nữ huyện hình thành các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác tại gia đình. Hàng trăm chị em được tham gia tập huấn, hướng dẫn cách thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Để thực hiện mô hình này, tổ chức hội cấp miễn phí nhiều thùng rác cho các hộ dân để tiến hành phân loại, đồng thời phân công các tổ phát động, hướng dẫn các hộ dân đào hố rác tại nhà để xử lý đối với các loại rác thải hữu cơ dễ phân hủy. Các chi hội còn thành lập đội thu gom rác thải do hội viên phụ nữ đảm nhận, phụ trách việc thu gom rác thải từ các hộ gia đình để chuyển đến điểm tập kết để đưa ra bãi rác tập trung...
Thông qua nhiều phong trào, dự án, việc thu gom và xử lý rác thải tại nguồn ở Thừa Thiên – Huế ngày càng hiệu quả
Tại thôn La Chữ (phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà), người dân được hướng dẫn thu gom rác thải để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, một trong những biện pháp vừa làm sạch môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Nhiều hộ dân ở đây đã thực hiện việc thu gom rác thải, xử lý và chế biến phân sinh học thông qua mô hình cộng đồng với chủ thể là người dân địa phương. Họ trực tiếp thu gom rác thải từ vườn, nhà và rác thải ở chợ Hương Chữ vận chuyển đến điểm tập kết. Tại đây, rác sẽ được các đoàn viên của phường tiến hành phân loại và tiến hành ủ với chế phẩm vixura để làm thành phân vi sinh. Số phân này được các hộ nông dân sử dụng bón cho cây lúa, hoa màu, cây cảnh cho kết quả rất tốt.
Duy trì
Thừa Thiên - Huế đang là địa phương có nhiều hoạt động nổi bật, thành quả trong việc thu gom rác thải. Đề án “Ngày Chủ nhật xanh - Hãy hành động để Thừa Thiên - Huế thêm xanh - sạch - sáng” là điển hình, đem lại những kết quả ấn tượng. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trong việc xả rác, thu gom xử lý rác, gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường.
Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở TP. Huế và các huyện, thị xã lân cận khoảng hơn 400 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%, chỉ đứng thứ hai sau thành phần rác hữu cơ. Riêng TP. Huế mỗi ngày phát sinh khoảng gần 200 tấn, trong đó có khoảng 5 - 6% là rác nhựa và túi ni lông.
Cuối năm 2021, dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức WWF - Na Uy tài trợ thông qua WWF - Việt Nam ký kết được khởi động thực hiện tại Thừa Thiên - Huế là tín hiệu vui nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình, hoạt động về phân loại rác và giảm thiểu rác thải nhựa mà chính quyền địa phương đề ra. Kết quả mong đợi là đến năm 2024, Huế trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi.
Người dân tham gia chương trình “đổi rác lấy quà”, góp phần phân loại rác tại nguồn
WWF - Việt Nam vừa cùng với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) thiết kế xây dựng Trung tâm Thông tin môi trường đặt tại HEPCO. Trung tâm được thiết kế nhằm hướng tới các đối tượng là cộng đồng người dân, các học sinh, các tiểu thương và các tổ chức, đoàn thể xã hội sinh sống trên địa bàn TP. Huế. Trung tâm Thông tin môi trường gồm 3 khu vực chính là khu thông tin ở trong nhà, khu trưng bày và khu trải nghiệm/tương tác.
Trong đó, khu thông tin cung cấp các thông tin về thành phần các loại rác thải (rác hữu cơ/rác xanh, thủy tinh, rác tái chế), tác hại của một số loại rác thải và cách phân loại chất thải rắn thành. Khu trưng bày triển lãm các hình ảnh, tư liệu và trình chiếu video về phân loại rác tại nguồn, các sáng kiến tái chế rác thải nhựa, các posters, sổ tay hướng dẫn và quy trình hướng dẫn bằng mô hình 3D... Khu trải nghiệm hướng dẫn khách tham quan tự phân loại rác theo các thành phần: hữu cơ, rác tái chế, thủy tinh và rác nguy hại, rác khác.
Từ tháng 4/2022, HEPCO đã tổ chức “Ngày hội đổi rác lấy quà”, người dân mang đến các loại rác đã được phân loại, thu gọn kích thước, thể tích như chai nhựa các loại, vỏ lon, giấy vụ, giấy báo, bìa carton... Mỗi người đóng góp một túi rác phân loại sẽ được tham gia bốc thăm nhận một trong các phần quà như cây xanh, cây tiểu cảnh, túi thân thiện môi trường, túi đựng rác tự phân hủy, thực phẩm hữu cơ.
Theo HEPCO, đây là chương trình ý nghĩa, nhằm thực hiện kế hoạch tổ chức chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn TP. Huế và hỗ trợ cho Trung tâm Truyền thông môi trường hoạt động thêm phong phú, sinh động, thu hút nhiều người, nhiều đối tượng đến tìm hiểu, trải nghiệm về việc phân loại rác tại nguồn, tái chế rác thải. Trong tháng 5 và tháng 6 tới, HEPCO sẽ mở rộng chương trình “Đổi rác lấy quà” ra cộng đồng, dự kiến 2 lần/ tháng.
Theo TNVMT
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm