Thương mình ở tương lai - Phòng vệ HPV từ hiện tại

HPV là vi rút phổ biến, có thể gây ung thư cổ tử cung, hậu môn, mụn cóc sinh dục ở cả nam và nữ. Dù lây nhiễm cao, bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin và sàng lọc định kỳ. Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV” nhằm nâng cao nhận thức, kêu gọi cộng đồng hành động để bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh.
31/03/2025 10:04

Tìm hiểu về HPV, ung thư và bệnh lý liên quan đến HPV

HPV (Human Papillomavirus) là một loại vi rút rất phổ biến, chủ yếu lây truyền qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc da với da. Hầu hết mọi người sẽ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời mà không hề hay biết, vì phần lớn các trường hợp không có triệu chứng và cơ thể có thể tự loại bỏ vi rút. Tuy nhiên, một số chủng HPV nguy hiểm có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư dương vật, ung thư vòm họng và mụn cóc sinh dục.

Hiện trên thế giới đang có hơn 200 tuýp HPV ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể, trong đó có khoảng 40 loại HPV có thể gây ra các bệnh về đường sinh dục bao gồm: Âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, dương vật, bìu, trực tràng, hậu môn,… Đây là loại vi rút lây truyền qua đường tình dục, tiếp xúc da kề da hoặc ít gặp hơn là lây truyền từ mẹ sang con. 

avatar-16849844663991362488246-0-0-464-743-crop-16849844703661376953096

(Ảnh minh họa)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), HPV là nguyên nhân của khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung – căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ do ung thư. Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng có nguy cơ mắc ung thư do HPV, đặc biệt là ung thư dương vật và ung thư vòm họng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), HPV là nguyên nhân của khoảng 89% trường hợp ung thư hậu môn, trực tràng ở nam giới. Ngoài ra, HPV cũng là thủ phạm gây ra 90% trường hợp mụn cóc sinh dục – một căn bệnh có khả năng lây nhiễm và tái phát cao.

Dấu hiệu nhận biết triệu chứng của các ung thư và bệnh lý liên quan đến HPV

HPV thường không có triệu chứng rõ rệt, khiến nhiều người chủ quan. Ở phụ nữ, ung thư cổ tử cung do HPV có thể biểu hiện qua các dấu hiệu như chảy máu âm đạo bất thường (sau quan hệ, giữa chu kỳ kinh nguyệt hoặc sau mãn kinh), đau vùng chậu kéo dài và dịch âm đạo có màu sắc lạ hoặc có mùi hôi. Ở nam giới, HPV có thể gây ung thư dương vật với biểu hiện là vết loét, sưng đau hoặc thay đổi màu sắc ở bộ phận sinh dục. Ngoài ra, HPV còn có thể gây ung thư vòm họng với các triệu chứng như đau họng kéo dài, khó nuốt và nổi hạch ở cổ.

Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của HPV là mụn cóc sinh dục. Đây là những nốt mụn nhỏ, mềm, có thể mọc riêng lẻ hoặc thành cụm ở vùng kín, gây ngứa hoặc khó chịu khi quan hệ. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào trên, bạn nên đi khám sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung (UTCTC) ở phụ nữ

Dù ai cũng có thể nhiễm HPV, nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Quan hệ tình dục sớm hoặc có nhiều bạn tình làm tăng khả năng tiếp xúc với HPV. Hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như người bị HIV hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, khiến cơ thể khó loại bỏ vi rút hơn. Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi mà còn làm giảm khả năng miễn dịch chống lại HPV. Ngoài ra, nếu không tiêm vắc-xin hoặc không đi khám sàng lọc định kỳ, nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cũng sẽ cao hơn do không phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư.

HPV-anh-huong-den-sinh-san

(Ảnh minh họa)

Nguy cơ tái nhiễm HPV khi đã từng nhiễm hoặc điều trị bệnh liên quan đến HPV

Nhiều người lầm tưởng rằng, nếu đã từng nhiễm HPV hoặc điều trị khỏi các bệnh liên quan, họ sẽ miễn nhiễm với vi rút này. Thực tế, HPV không tạo ra miễn dịch lâu dài, nghĩa là bạn vẫn có thể tái nhiễm nếu tiếp xúc lại với vi rút. Một nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy những người từng nhiễm HPV có nguy cơ tái nhiễm cao hơn nếu không áp dụng các biện pháp phòng tránh như tiêm vắc-xin hoặc quan hệ tình dục an toàn. Phụ nữ trưởng thành có nguy cơ tái nhiệm cùng 1 typ HPV cao gấp 4 lần và nhiễm 1 typ mới cao hơn 2 lần. Khoảng 30 - 48% trường hợp tác phát mụn cóc sinh dục trong 3 - 4 năm sau điều trị.

Biện pháp dự phòng HPV và các ung thư, bệnh lý liên quan đến HPV

Hiện nay, tiêm vắc-xin HPV là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị cả nam và nữ nên tiêm vắc-xin từ 9 đến 26 tuổi để bảo vệ cơ thể khỏi các chủng HPV nguy hiểm. Ngoài ra, phụ nữ từ 21 tuổi trở lên nên thực hiện xét nghiệm Pap smear hoặc HPV DNA định kỳ để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm, nhưng không bảo vệ hoàn toàn do HPV có thể lây qua tiếp xúc da với da. Duy trì lối sống lành mạnh, bỏ thuốc lá, ăn uống đầy đủ chất và tập thể dục thường xuyên cũng góp phần tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại HPV tốt hơn.

istockphoto-1366365996-612x612

(Ảnh minh họa)

Chiến dịch truyền thông toàn quốc: "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV"

Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về HPV và cách phòng tránh, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch truyền thông toàn quốc "Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV". Chiến dịch này có sự phối hợp của nhiều tổ chức lớn như MSD, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại sứ quán Hoa Kỳ và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), nhằm cung cấp thông tin khoa học chính xác, giúp người dân hiểu rõ hơn về HPV và chủ động bảo vệ sức khỏe. Một trong những hoạt động nổi bật của chiến dịch là triển lãm cộng đồng "Vì một Việt Nam không gánh nặng bệnh tật bởi HPV", diễn ra vào ngày 29-30/3/2025 tại Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Sự kiện này sẽ mang đến nhiều trải nghiệm tương tác thú vị, giúp người dân tìm hiểu về HPV, cách phòng tránh và tầm quan trọng của tiêm phòng.

z6457421266445_8e191e373442c74f696d5bff1f375e6a
z6457421443593_b3cf4d816b5db66c6076eacf2b238f26
z6457421614509_c94c07ddab6fbd57134f592c66596f73
z6457423267534_e56bc3564168a8b032ecc050e15de159

HPV là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe nam và nữ, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa. Hãy chủ động tiêm phòng, sàng lọc định kỳ và lan tỏa thông điệp tích cực để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. Cùng nhau, chúng ta có thể giảm thiểu gánh nặng bệnh tật do HPV gây ra, hướng đến một Việt Nam khỏe mạnh hơn!

Vân Hà

comment Bình luận

largeer