Đừng để stress “điều khiển” bạn - Hành trình tìm lại sự cân bằng

Vào lúc 16h00 ngày 25/3/2025, tại Hội trường A1, Trường Đại học Hà Nội, buổi tọa đàm với chủ đề “Đừng để stress 'điều khiển' bạn” đã diễn ra thành công với sự tham gia đông đảo của sinh viên. Sự kiện do Phòng Công tác sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp tổ chức nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về stress và trang bị những kỹ năng kiểm soát căng thẳng hiệu quả.
27/03/2025 09:47

Chúng ta đều hiểu rằng, stress là một phần tất yếu của cuộc sống. Chừng nào còn sống, còn hít thở, chúng ta vẫn sẽ đối diện với stress. Vì vậy, thay vì né tránh hay để stress chi phối cuộc sống, cách hợp lý hơn là học cách chung sống hài hòa với nó. Thấu hiểu những trăn trở này, Trường Đại học Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm “Đừng để stress điều khiển bạn”, với mong muốn giúp sinh viên nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần. Chương trình vinh dự đón tiếp các khách mời đặc biệt, những chuyên gia sẽ chia sẻ và giải đáp các thắc mắc của sinh viên.

486940048_1078059957682472_6173905803023151477_n

Tọa đàm "Đừng để stress 'điều khiển' bạn"

Trong bài phát biểu khai mạc, Thạc sĩ Đỗ Quốc Đạt, Trưởng phòng Công tác sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp gửi lời chào đến toàn thể khách mời và nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe tâm lý đối với sinh viên. Ông bày tỏ mong muốn rằng, buổi tọa đàm sẽ mang đến những kiến thức hữu ích giúp sinh viên hiểu rõ hơn về stress, cũng như trang bị các phương pháp khoa học để đối phó với những áp lực trong học tập và cuộc sống.

486788912_1078059727682495_1879967796542043141_n

Thạc sĩ Đỗ Quốc Đạt, Trưởng phòng Công tác sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp

Chương trình tiếp tục với phần chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Anh Thư, Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. TS. Anh Thư nhấn mạnh rằng, trước hết chúng ta phải hiểu rõ bản chất của stress là gì, và để kiểm soát được stress, ta phải biết những dấu hiệu của chúng. Trong phần chia sẻ chính, diễn giả đã dẫn dắt người nghe khám phá các khái niệm về stress, hiểu rõ hơn những nguyên nhân dẫn đến stress trong đời sống sinh viên, cũng như những phương pháp tiếp cận để kiểm soát và cân bằng cảm xúc.

486412996_1078060034349131_7955733514280736265_n

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Thư, Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Diễn giả chia sẻ rằng, tính cách có mối liên hệ chặt chẽ với stress, cách suy nghĩ sẽ quyết định cách chúng ta đối diện sự căng thẳng và vượt qua nó như thế nào. Nhiều người có tính cách cầu toàn, kỷ luật đôi khi sẽ không thể chấp nhận và bỏ qua những sai sót của chính mình. Điều đó khiến họ khó có thể kiểm soát được sự “stress” của mình. Chính vì vậy, diễn giả Anh Thư có chia sẻ một phương pháp mới lạ - thực hành lòng tự trắc ẩn.

Lòng tự trắc ẩn là sự tự cảm thông trước đau khổ hay bất hạnh của chính mình, đồng thời tiếp nhận nỗi đau, bất hạnh đó với lòng nhân ái, kiên nhẫn, bình thản và mong muốn sâu sắc làm dịu bớt đau khổ, bất hạnh đó. Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng tích cực của lòng tự trắc ẩn tới sức khỏe tâm lý của con người. Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Úc với sự tham gia của 2448 trẻ vị thành niên, lòng tự trắc ẩn cũng cho thấy khả năng giảm thiểu những tác hại của việc thiếu tự tin. Những trẻ có sự tự tin thấp cũng ít bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt tâm lý hơn nhiều nếu có lòng tự trắc ẩn cao.

TS. Anh Thư đề xuất, khi thực hành lòng tự trắc ẩn, chúng ta có thể thử viết thư cho chính mình những lúc ta cảm thấy đau khổ, lo âu hoặc thất bại. Mục tiêu của việc thực hành này giúp ta tăng cường sự thấu cảm đối với bản thân mình. Trong thư, hãy viết những câu như: “Tôi hiểu bạn đang cảm thấy thế nào. Việc bạn gặp khó khăn là hoàn toàn đúng trong hoàn cảnh của bạn, và tôi sẽ luôn ở đây ủng hộ bạn”. Ta cũng có thể thêm những lời động viên, sự cảm thông và những lời khẳng định tích cực để giúp bản thân cảm thấy yên tâm và được thấu hiểu.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể thực hành “mỉm cười với chính mình” để tăng cảm giác yêu thương và kết nối với chính mình. Mỗi sáng khi thức dậy, đứng trước gương và nhìn vào mắt mình, hãy mình cười nhẹ nhàng với chính mình. Hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn xứng đáng được yêu thương và trân trọng, dù bạn có làm được hay không. Cảm nhận sự ấm áp, sự yêu thương của chính mình. Hạnh phúc không tùy thuộc vào bạn là ai, bạn làm gì mà tùy thuộc vào bạn nghĩ gì.

487002679_1078060361015765_1928937058222399366_n

Cuối chương trình là phần giao lưu, đặt câu hỏi trực tiếp với chuyên gia tâm lý học. Nhiều bạn sinh viên đã mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của bản thân, đặt ra những câu hỏi xoay quanh vấn đề học tập, áp lực từ gia đình, khó khăn trong việc kết nối xã hội... Qua đó, TS. Anh Thư không chỉ đưa ra những lời khuyên khoa học mà còn khích lệ tinh thần, giúp sinh viên hiểu rằng, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là điều cần thiết và ai cũng có thể bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong tư duy và hành động.

486659524_1078060214349113_2990845026934958388_n
487063863_1078062621015539_8728111755896061998_n

Buổi tọa đàm đã để lại nhiều cảm xúc và suy ngẫm cho người tham dự. Đây không chỉ là một hoạt động chia sẻ kiến thức, mà còn là dịp để mỗi sinh viên nhìn lại chính mình, mở lòng hơn với những vấn đề tưởng chừng khó nói và tìm được sự đồng cảm, thấu hiểu từ cộng đồng, từ đó, nâng cao đời sống tinh thần, cải thiện chất lượng cuộc sống, công việc và học tập.

Vân Hà (Ảnh: Trường Đại học Hà Nội)

comment Bình luận

largeer