Tiêm đủ 2 liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca có thể chống lại biến chủng Delta

Một nghiên cứu công bố ngày 21/7 cho thấy hai liều vaccine COVID-19 của Pfizer hoặc AstraZeneca vẫn có mức độ hiệu quả trước biến chủng Delta như tác dụng trước biến chủng Alpha.
22/07/2021 10:40

Theo Reuters, nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) và các cơ quan khác của nước này được công bố trên chuyên san New England Journal of Medicine. Công trình này tái khẳng định những phát hiện đột phá PHE đưa ra vào tháng 5 về hiệu quả của vaccine COVID-19 do Pfizer/BioNTech và Oxford/AstraZeneca sản xuất dựa trên dữ liệu thực tế.

Nghiên cứu công bố ngày 21.7 cho thấy rằng việc tiêm hai mũi vaccine Pfizer có hiệu quả 88% trong việc ngăn ngừa triệu chứng bệnh từ biến chủng Delta. Trong các báo cáo trước đó, hiệu quả của hai liều vaccine Pfizer với biến chủng Alpha là 93,7%.

vaccine_fxze

Các nhà khoa học cũng phát hiện hai mũi vaccine AstraZeneca có hiệu quả 67% đối với biến chủng Delta, cao hơn con số 60% được báo cáo ban đầu. Việc tiêm đầy đủ hai liều AstraZeneca cũng mang lại hiệu quả bảo vệ 74,5% đối với biến chủng Alpha, cao hơn so với ước tính ban đầu là 66%.

“Sự khác biệt về hiệu quả của hai liều vaccine trước biến chủng Alpha so với trước biến chủng Delta là khá nhỏ”, nhóm tác giả viết trong nghiên cứu.

Các dữ liệu từ Israel trước đó ước tính hiệu quả của vaccine Pfizer đối với việc ngăn bệnh thể hiện triệu chứng là thấp hơn. Dù vậy, vaccine Pfizer vẫn có khả năng cao giúp người mắc COVID-19 tránh khỏi việc bệnh nặng.

Kết quả này trùng với các tuyên bố của giới chức y tế về sự hiệu quả của vaccine COVID-19 trước biến chủng Delta, chủng virus đang chiếm ưu thế trên thế giới. Tuy vậy, nghiên cứu cũng nhắc lại rằng chỉ tiêm một mũi vaccine thì không đủ để bảo vệ bệnh nhân trước COVID-19.

Trong nghiên cứu công bố ngày 21.7, tiêm một mũi Pfizer có hiệu quả bảo vệ 36% và một liều vaccine AstraZeneca có hiệu quả khoảng 30%.

Trước đây, PHE cho rằng liều đầu tiên của một trong hai loại vaccine này có hiệu quả khoảng 33% đối với việc ngăn người mắc biến chủng Delta biểu hiện triệu chứng.

“Việc chúng tôi phát hiện hiệu quả của liều đầu tiên bị giảm sẽ giúp thúc đẩy nỗ lực tiêm hai liều cho các nhóm có nguy cơ cao trong bối cảnh biến chủng Delta hoành hành”, nhóm tác giả của nghiên cứu cho biết.

Theo Reuters

comment Bình luận

largeer