Tìm hiểu về bệnh đông cứng khớp vai

Đông cứng khớp vai là một bệnh lý tại khớp vai được đặc trưng bởi tình trạng đau và hạn chế vận động khớp vai, cả vận động chủ động và thụ động. Vận động chủ động là khi bạn tự thực hiện các động tác của khớp vai. Vận động thụ động là khi thầy thuốc thăm khám thực hiện các động tác khớp vai của bạn.
14/06/2023 11:38

Đông cứng khớp vai còn có tên gọi khác là viêm bao hoạt dịch khớp vai co thắt, viêm dính khớp vai…

Dịch tễ

Đông cứng khớp vai khá phổ biến, thường xuất hiện ở những người bệnh tuổi từ 50 đến 60, hiếm khi gặp ở người bệnh dưới 40 tuổi. Bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

viem-khop-quanh-vai-the-dong-cung-6

(Ảnh: iHR Việt Nam)

Đông cứng khớp vai thường chỉ ảnh hưởng tới một khớp vai (bên phải hoặc trái) và có thể tự thoái lui, nhưng thường sẽ kéo dài từ 2 đến 3 năm hoặc dài hơn nếu không được điều trị. Bệnh có thể xuất hiện ở bên vai còn lại.

Nguyên nhân

Đông cứng khớp vai thường là hậu quả của một chấn thương khớp vai (rách chóp xoay), gãy xương có ảnh hưởng tới khớp vai, hoặc có thể sau phẫu thuật khớp vai. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở những người bệnh sau một phẫu thuật nào đó như phẫu thuật não hoặc tim.

Đông cứng khớp vai có thể xuất hiện mà không có chấn thương trước đó ở những người bệnh có bệnh nền. Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc đông cứng khớp vai cao hơn. Khoảng 10-20% người bệnh đái tháo đường có đông cứng khớp vai. Những bệnh nền khác như bệnh lý tuyến giáp, bất động thời gian dài, đột quỵ não, Parkinson, điều trị thuốc kháng virus … cũng hay gặp đông cứng khớp vai đi kèm.  

Thầy thuốc không thể biết chắc chắn được nguyên nhân nào dẫn tới đông cứng khớp vai, nhưng có thể tư vấn và dự đoán sự xuất hiện và tiên lượng của bệnh.

Triệu chứng

Đông cứng khớp vai trải qua 3 giai đoạn

Giai đoạn đầu kéo dài từ 2 đến 9 tháng với biểu hiện đau nhiều và lan tỏa vùng khớp vai, khiến người bệnh hạn chế vận động, đau tăng vào buổi tối. Trong giai đoạn này khớp vai sẽ hạn chế vận động (cứng) tăng dần.

Giai đoạn hai (trung gian) kéo dài từ 4 tới 12 tháng. Trong giai đoạn này khớp vai sẽ hạn chế vận động nhiều (rất cứng), nhưng đau sẽ giảm dần.

Giai đoạn 3 (hồi phục) kéo dài từ 5-24 tháng. Trong giai đoạn này người bệnh dần dần hồi phục tầm vận động.

Đau và hạn chế vận động khớp vai khiến người bệnh giảm khả năng thực hiện các công việc thường ngày như cởi áo, chải tóc, cởi dây áo lót, gãi lưng … Kể cả khi đau giảm đi thì vận động vận bị hạn chế.

Chẩn đoán

Thầy thuốc sẽ thăm khám để biết được động tác nào của khớp vai khiến bạn bị đau và hạn chế. Thầy thuốc sẽ yêu cầu bạn chủ động thực hiện các động tác của khớp vai (vận động chủ động), cũng như thầy thuốc sẽ thăm khám, vận động khớp vai của bạn (vận động thụ động).

Người bệnh đông cứng khớp vai hạn chế cả vận động chủ động và thụ động. Vận động bị hạn chế chủ yếu là dạng khớp vai và đưa cánh cẳng tay ra sau lưng. Khi thực hiện động tác này người bệnh sẽ đau trước khi có thể hoàn thiện được động tác và không thể thực hiện tối đa được động tác.

Thầy thuốc có thể cần các phương pháp chẩn đoán hỗ trợ giúp khẳng định chẩn đoán và phân biệt với các bệnh lý khớp vai khác:

Test tiêm: Thầy thuốc có thể đưa thuốc gây tê vào vai của bạn và đánh giá lại tầm vận động. Nếu vận động không cải thiện ngay lập tức sau tiêm, khả năng bạn có đông cứng khớp vai.

Chụp Xquang, Siêu âm, MRI khớp vai giúp phân biệt với các bệnh lý khác.

Điều trị

Bệnh có thể tự thoái lui, tuy nhiên tầm vận động khớp vai có thể không được hồi phục hoàn toàn.

Có một số phương pháp điều trị cho đông cứng khớp vai, các phương pháp có thể kết hợp với nhau, nhưng không có phác đồ chung tốt nhất cho tất cả người bệnh. Điều trị bao gồm vật lý trị liệu, thuốc giảm đau chống viêm, tiêm nong khớp vai và phẫu thuật.

Nếu bạn đã đang điều trị đông cứng khớp vai thì cần nhớ rằng hiệu quả điều trị sẽ tiến triển chậm và từ từ. Cần có thời gian để điều trị có hiệu quả. Các thuốc giảm đau có thể sử dụng là Paracetamol, Ibuprofen, giảm đau chống viêm non-steroid.

Tập vận động

Khi đau giảm dần, thầy thuốc sẽ hướng dẫn bạn thực hiện các bài tập với cường độ tăng dần giúp lấy lại tầm vận động bình thường. Trước tập bạn có thể chườm ấm, giúp mềm cơ và dễ tập, sau tập có thể chườm mát giúp giảm đau sau tập. Trong quá trình tập nếu đau bạn có thể nghỉ ngơi và giảm cường độ tập một chút.

Tiêm nong khớp vai có thuốc chống viêm steroidPhương pháp này được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm giúp định hướng vào bao khớp tốt hơn. Thuốc chống viêm và một thể tích dịch lớn được đưa vào bao khớp giúp tách bao khớp dính và giảm viêm tại chỗ.

Phẫu thuật

Nếu không đáp ứng với tiêm nong khớp vai và tập vận động, người bệnh sẽ được cân nhắc gây tê đám rối thần kinh cánh tay và tập vận động khớp vai, hoặc phẫu thuật nội soi / mở gỡ dính khớp vai

Tóm tắt

Đông cứng khớp vai là tình trạng khớp vai đau và hạn chế vận động. Bệnh có thể tự xuất hiện hoặc là hệ quả sau chấn thương khớp vai. Bệnh có thể tự thoái lui.

Thầy thuốc có thể chẩn đoán dựa vào thăm khám lâm sàng, kết hợp với các phương pháp bổ sung hỗ trợ.

Không có phác đồ nào tối ưu cho tất cả các người bệnh. Hiệu quả điều trị xuất hiện chậm và từ từ.

Cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị: dùng thuốc, tập vận động, tiêm nong. Phẫu thuật là lựa chọn khi không đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn.

Nguồn: Uptodate, Patient education: Frozen shoulder (Beyond the Basics), Jan 2023

Ths.BS. Bùi Hoàng Anh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

comment Bình luận

largeer