Tình hình dịch COVID-19 trở nên đáng lo ngại - chúng ta nên làm thế nào?

Đỉnh dịch COVID-19 khủng khiếp đã xảy ra hồi tháng 8-9 vừa qua với trọng điểm là TP.HCM, số lượng người chết khoảng 20 ngàn người.
17/12/2021 16:20

Sau đó, chúng ta đã đẩy mạnh tiêm chủng vaccine kết hợp với giãn cách xã hội nghiêm khắc thì làn sóng COVID-19 đã giảm xuống. Tuy nhiên, sau khi chúng ta bắt đầu nới lỏng giãn cách và chuẩn bị các bước để trở lại cuộc sống bình thường, thì dựa trên các số liệu của Bộ Y tế gần đây, nhất là các số liệu về các “ca nặng” và “tử vong” do COVID-19 thì mình thấy rằng tình hình đang trở nên đáng lo ngại, xu hướng tăng trở lại là rất rõ. Để ngăn tình hình trở nên xấu hơn cần:

Sử dụng thuốc điều trị COVID-19 cho đúng đối tượng

Tuy Bộ Y tế có đặt ra mục tiêu là cung cấp thuốc điều trị COVID-19 miễn phí cho tất cả những người bệnh COVID-19 (được xác định bằng các xét nghiệm) nhưng trong thực tế là không phải ai bệnh cũng nhận được các thuốc này (đặc biệt là thuốc đặc trị virus như Molnupiravir)! Mình đọc được rất nhiều phản ảnh như thế này từ nhiều nguồn thông tin và nhiều trường hợp có cha mẹ lớn tuổi, có bệnh nền thuộc nhóm nguy cơ, nhưng khi mắc bệnh COVID-19 vẫn không được cấp phát thuốc, bạn ấy đã tự mua thuốc ở “chợ đen”.

269025298_5213685011979161_4861307662368247158_n

Bộ Y tế chỉ nên tập trung việc phát thuốc điều trị cho những người có “nguy cơ cao” vì thực sự những người trẻ, khỏe, không có bệnh nền, đã chích đầy đủ vaccine thì nếu có mắc virus SARS-CoV-2 thì việc điều trị chỉ là nghỉ ngơi, bổ sung nước đầy đủ và nếu có sốt cao (trên 38.5 độ C) thì sử dụng các thuốc giảm sốt thông thường. Tập trung phát thuốc đầy đủ cho nhóm người có nguy cơ cao như lớn tuổi (>65 tuổi), có bệnh nền (bệnh đường hô hấp, tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận, v.v…) thì sẽ giảm thiểu được rủi ro trở nặng, tử vong của nhóm người này rất nhiều!

Hãy tránh trường hợp “người thật cần thì không có, người có thì thực sự không cần thiết”.

Khuyến khích tối đa những ca bệnh nhẹ tự điều trị ở nhà

Như nói phía trên, nhóm người nguy cơ thấp với bệnh COVID-19 như người trẻ, khỏe, không có bệnh nền thường có tỉ lệ rất cao tự khỏi bệnh, những người này nên được tự cách ly, điều trị ở nhà và nhân viên y tế có thể thăm hỏi qua điện thoại. Điều này sẽ làm giảm tải cho nhân viên y tế và thiết bị y tế rất nhiều để tập trung vào những ca bệnh nặng hơn. Như chúng ta biết việc quá tải hệ thống y tế là một yếu tố gây tăng vọt các ca tử vong, làm sao tránh được việc này là điều rất quan trọng.

Tăng cường, ưu tiên chích vaccine cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao

Những người nằm trong nhóm nguy cơ cao như người lớn tuổi, người có bệnh nền luôn được cần được ưu tiên chích vaccine (nhất là các vaccine của phương Tây có hiệu quả bảo vệ tốt hơn). Nếu nhóm người này chưa được chích ngừa đầy đủ vì thiếu vaccine thì việc “nhường” vaccine của nhóm trẻ em (dưới 18 tuổi) cho nhóm người này nên được làm vì các số liệu khoa học cho đến nay cho thấy nhóm người trẻ bị tác động của bệnh COVID-19 hầu hết là nhẹ và rất hiếm ca tử vong.

Việc xuất hiện các biến chủng mới có thể làm tăng khả năng lây lan của virus, làm giảm hiệu quả bảo vệ lây nhiễm của vaccine hiện tại. Tuy nhiên, vaccine hiện nay vẫn cho thấy là một phương án tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ trở nặng và tử vong. Thuốc điều trị virus cũng đang đóng vai trò giúp giảm tử vong của nhóm người nguy cơ cao và thật sự không cần thiết trong đa số trường hợp của nhóm người không có nguy cơ (người trẻ, khỏe, không có bệnh nền).

Hy vọng Bộ Y tế sớm có những định hướng hiệu quả hơn, để sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19, không để tình hình trở nên xấu thêm nữa khi mà số người mắc bệnh nặng và tử vong tăng nhanh vượt sức chịu đựng của hệ thống y tế và làm tình hình tồi tệ như làn sóng dịch vừa qua.

TS. Nguyễn Hồng Vũ - Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA; Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

comment Bình luận

largeer