Tọa đàm "Giáo dục sức khỏe cộng đồng Việt Nam" của VACHE đã thu hút hàng nghìn lượt xem

Chiều ngày 15/10/2024, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE) tổ chức buổi Tọa đàm "Giáo dục sức khỏe cộng đồng Việt Nam" theo hình thức trực tiếp tại văn phòng Trung ương Hội kết hợp với trực tuyến. Sự kiện này đã thu hút hơn 3.000 lượt xem trên các kênh truyền thông và nhận được nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề về môi trường sức khỏe, giúp cân bằng cơ thể mỗi ngày.
16/10/2024 20:48

  

IMG_4428

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Các diễn giả trong buổi Tọa đàm có ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng (GDCSSKCĐ) Việt Nam; PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Giám đốc Trung tâm CHERAD, Trưởng Ban Sức khỏe môi trường Hội GDCSSKCĐ Việt Nam; Bà Trần Thị Diễm Hương, Chủ tịch Liên minh Yoga Thế giới (KV Đông Nam Á), Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga Việt Nam, Giám đốc Hương Anh Yoga, Phó Ban Truyền thông Giáo dục Trung ương Hội. Tham dự chương trình trực tiếp còn có các ban, văn phòng, đơn vị thuộc Trung ương Hội; Cùng nhiều đơn vị, thành viên, doanh nghiệp, chi hội thuộc Hội trên cả nước tham gia qua hệ thống zoom online.

Cần tăng cường truyền thông về Hội, về giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng

IMG_4418

Ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng (GDCSSKCĐ) Việt Nam phát biểu mở đầu chương trình

Khi nói về mục đích khai mở chương trình, ông Nguyễn Hồng Quân, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng (GDCSSKCĐ) Việt Nam, nhận định: "Trong thời gian qua, công tác truyền thông giáo dục về sức khỏe cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế. Dù các chi hội, đơn vị đã tổ chức các buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe, nhưng đây vẫn chưa phải là hoạt động chính thức của Trung ương Hội. Hội ngày càng phát triển, nhưng nhiều hội viên vẫn chưa hiểu rõ về tổ chức và hoạt động của Hội. Do đó, Trung ương Hội tổ chức buổi truyền thông online đầu tiên với hai nội dung chính: Giới thiệu về Hội GDCSSKCĐ Việt Nam và chia sẻ thông tin về công tác giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng."

Ông Nguyễn Hồng Quân cho biết, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam được thành lập vào năm 2008, xuất phát từ Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết khẳng định: “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân là vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, là sự nghiệp của hôm nay và cả muôn đời sau.” Đây được coi là một sự đầu tư phát triển bền vững, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ.

Dựa trên Nghị quyết 46 và Chương trình hành động của Chính phủ, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam ra đời với mục tiêu cùng các cơ quan nhà nước thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống và sức khỏe của người dân.

"Hội được thành lập với sự cho phép của cơ quan Nhà nước, được pháp luật bảo hộ. Tên Hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với nội hàm rất rộng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe cộng đồng bao gồm sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe môi trường. Dù Hội đã phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn chưa thực hiện được hết những nhiệm vụ theo chức năng, tôn chỉ mục đích của mình," ông Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, tôn chỉ mục đích của Hội là "Đồng tâm hiệp lực vì sự nghiệp giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước". Hoạt động của Hội không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc, mà còn phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, là một tổ chức xã hội tự nguyện, Hội gặp không ít khó khăn trong quá trình hoạt động. Ông Quân kêu gọi sự đóng góp từ hội viên và cộng đồng để Hội ngày càng phát triển hơn.

Hiện nay, Hội GDCSSKCĐ Việt Nam có nhiều đơn vị trực thuộc như Viện, Trung tâm, Khối, Câu lạc bộ, Chi hội, Liên chi hội, với số lượng hội viên đông đảo. Các hoạt động tập luyện và chăm sóc sức khỏe chủ động được duy trì thường xuyên, đặc biệt tại các chi hội và câu lạc bộ.

Khi trở thành hội viên, mọi người được Hội bảo trợ trong các hoạt động liên quan đến chăm sóc sức khỏe. Hội sẽ là cầu nối giúp các đơn vị giao lưu, trao đổi thông tin, tăng cường nhận thức chung, và giúp các đơn vị có thành tích tốt nhận được khen thưởng từ cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, hội viên và các đơn vị phải tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích của Hội và quy định pháp luật.

"Hôm nay là buổi truyền thông online đầu tiên. Trung ương Hội sẽ duy trì hoạt động này thường xuyên để cung cấp thông tin về Hội và công tác giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tôi mong rằng các hội viên sẽ tích cực tham gia trao đổi, góp ý, và đặt câu hỏi để Trung ương Hội và Ban Tổ chức có thể cải thiện và làm tốt hơn trong tương lai," ông Nguyễn Hồng Quân chia sẻ.

Tác hại của nhựa lên sức khỏe con người

IMG_4423

 PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Giám đốc Trung tâm CHERAD, Trưởng Ban Sức khỏe môi trường Hội GDCSSKCĐ Việt Nam tham luận "Tác hại của nhựa lên sức khỏe con người"

Tại Tọa đàm, diễn giả PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Giám đốc Trung tâm CHERAD, Trưởng Ban Sức khỏe môi trường Hội GDCSSKCĐ Việt Nam đã chia sẻ về "Tác hại của nhựa lên sức khỏe con người".

Ông Nguyễn Huy Nga cho biết: Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhựa đã tăng trưởng nhanh ở Việt Nam trong 30 năm qua. Năm 1990, mỗi người Việt Nam tiêu thụ trung bình 3.8kg nhựa/năm. Tới năm 2018, con số này đã tăng tới 41.3kg nhựa/năm. Rác thải nhựa chiếm 8-12% trong tổng số rác thải, cụ thể có khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường hằng ngày; Chỉ có 17% túi nhựa được tái sử dụng; Chỉ khoảng 10% lượng rác thải nhựa được tái chế; Xử lý rác thải nhựa và rác thải nhựa y tế bằng cách đốt vẫn rất phổ biến. Bên cạnh đó, chất thải nhựa tăng đột biến do đại dịch COVID-19.

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, rác thải gây ảnh hưởng đối với môi trường biển: Khoảng 393 triệu tấn nhựa trong đó có lượng lớn là rác thải từ sản phẩm nhựa dùng 1 lần đang phân tán khắp nơi và trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho sinh vật biển; Trên 260 loài sinh vật biển bị vướng hay ăn phải các mảnh rác thải nhựa trên biển, gây phá hủy tế bào, tác động xấu tới hệ tiêu hóa… hoặc tắc khí quản gây ngạt thở; Rác thải nhựa trôi nổi trên biển là một trong những nguyên nhân gây phá huỷ hay suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi cấu trúc, thành phần hệ sinh thái biển; Nhiều sinh vật biển không còn “nhà” để sống và phát triển do bãi rác khổng lồ trên biển, làm ô nhiễm trầm trọng môi trường biển.

Không chỉ vậy, rác thải nhựa còn gây rất nhiều ảnh hưởng tới môi trường sống (môi trường xung quanh) làm ô nhiễm nguồn nước, giảm lưu lượng nước, mất nguồn nước, tăng bụi trong không khí, ô nhiễm hóa chất trong không khí,....

Các rủi ro sức khỏe từ rác thải nhựa có thể kể đến như: Đối với công nhân, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), hydrocacbon thơm đa vòng (PAH): 1,3-Butadien, benzen, styren, toluen, etan, propylene và propylene  oxide; Nguy cơ ung thư, các khuyết tật về sinh sản và dị tật bẩm sinh. Đối với cộng đồng dân cư lân cận các nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa thải ra benzen, tỷ lệ mắc một số bệnh ung thư máu cao hơn, đặc biệt là ung thư hạch bạch huyết;...

Bên cạnh đó, trong quá trình xử lý chất thải nhựa còn gây rủi ro sức khỏe cao đối với người lao động vận chuyển, xử lý và tái chế rác thải nhựa, người dân xung quanh khu xử lý rác thải, các làng nghề tái chế;...

Tác hại đối với sức khỏe con người từ vi nhựa: Các hạt nhựa bao gồm các hạt nhựa siêu nhỏ và nano có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường tiêu hóa, hít thở và hấp thụ qua da: Stress/gây độc tế bào; Thay đổi sự trao đổi chất và cân bằng năng lượng; Phá vỡ chức năng miễn dịch; Gây ung thư; Vật trung gian truyền hóa chất và vi sinh vật độc hại.

Từ những tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe con người, PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Nga đưa ra ba khuyến nghị: 

1. Giảm rác thải nhựa: Giảm rác thải nhựa phải là ưu tiên quan trọng trong các chính sách liên quan. Đây sẽ là nền tảng pháp lý cho các hành động của ngành, tức là chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu, chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường.

2. Tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cho sản phẩm nhựa: Đối với các sản phẩm, vật dụng bằng nhựa, cần đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn dựa trên sức khỏe (ngưỡng an toàn) đối với các thành phần hóa chất trong nhựa (nhất là đối với những thông số hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe) để giảm thiểu phơi nhiễm với chất có hại trong nhựa trong quá trình sử dụng.

3. Xử lý chất thải nhựa: Đối với quá trình xử lý chất thải nhựa, cần đưa ra ngưỡng chất thải nhựa sau khi xử lý đảm bảo an toàn đối với môi trường (tương tự như quy chuẩn nước thải sinh hoạt, quy chuẩn chất thải nguy hại…); Hạn chế tối đa các phương pháp xử lý chất thải nhựa có có thể làm giải phóng các hóa chất có hại đối với sức khỏe vào môi trường; Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp giảm thiểu, không phát sinh rác thải nhựa; các giải pháp xử lý an toàn chất thải nhựa.

Yoga cho cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc

IMG_4448

Bà Trần Thị Diễm Hương, Chủ tịch Liên minh Yoga Thế giới (KV Đông Nam Á), Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga Việt Nam, Giám đốc Hương Anh Yoga, Phó Ban Truyền thông Giáo dục Trung ương Hội tham luận tại buổi Tọa đàm

Hiện nay, có rất nhiều tác động đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người, những điều mà ta có thể nhìn thấy bằng mắt và những thứ vô hình mà chúng ta khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Như vấn đề tác hại của rác thải nhựa mà PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Nga đã nêu, nó ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống, vì chúng ta hầu như đều đang rất chuộng sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Đây thực sự là những mối đe dọa lớn mà chúng ta khó có thể tránh được, do vậy, chúng ta cần chủ động nâng cao sức khỏe, sức đề kháng để có thể tự bảo vệ sức khỏe của bản thân trước nhiều tác động - bà Trần Thị Diễm Hương chia sẻ.

Chính vì vậy, diễn giả Trần Thị Diễm Hương, Chủ tịch Liên minh Yoga Thế giới (KV Đông Nam Á), Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga Việt Nam, Giám đốc Hương Anh Yoga, Phó Ban Truyền thông Giáo dục Trung ương Hội đã có bài tham luận với chủ đề "Yoga cho cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc".

Trong bài tham luận của mình, bà Trần Thị Diễm Hương cho biết về những lợi ích kỹ thuật thở luân phiên trong Yoga bao gồm: Giảm căng thẳng; Cải thiện tập trung; Cân bằng năng lượng; Tăng cường chức năng hô hấp; Tăng cường hệ tuần hoàn; Tăng cường hệ miễn dịch; Tạo sự cân bằng tinh thần; Giúp trẻ khoẻ và mang lại sự cân bằng cho cơ thể và tâm trí.

Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật thở Nadi Shodhana (thở luân phiên), cụ thể với các bước: Ngồi thoải mái trên một tấm thảm hoặc ghế thẳng lưng, đảm bảo cơ thể không bị căng thẳng. Đặt ngón cái của tay phải lên mũi phải và ngón áp út lên mũi trái. Sử dụng ngón cái để bịt kín mũi phải và hít thở sâu qua mũi trái. Khi hít thở đến mức đầy, sử dụng ngón tay áp út để bịt kín mũi trái và thở ra từ mũi phải. Tiếp tục quá trình này, thay đổi giữa hai bên mũi, tức là thở vào qua mũi trái và thở ra qua mũi phải. Thực hiện thở từ sâu và tự nhiên, không áp lực hoặc căng thẳng. Thực hiện thở luân phiên trong khoảng thời gian bạn cảm thấy thoải mái.

Lưu ý, hãy thực hiện thở luân phiên trước khi ăn hoặc sau khi ăn 3 giờ, để đảm bảo dạ dày trống rỗng và tối ưu hóa quá trình tiêu hóa. Nếu bạn mới bắt đầu thực hiện thở luân phiên, hãy bắt đầu từ các vòng thở ngắn và dần dần tăng thời gian thực hiện khi cơ thể quen dần với kỹ thuật này. Nếu bạn có vấn đề sức khỏe hoặc bất kỳ điều kiện y tế đặc biệt nào, hãy tham khảo ý kiến của một giáo viên Yoga hoặc chuyên gia y tế trước khi bắt đầu.

IMG_4452

Các đại biểu tham dự Tọa đàm trực tiếp

Qua 2 bài tham luận của diễn giả PGS.TS.BS. Nguyễn Huy Nga và bà Trần Thị Diễm Hương, Chủ tịch Hội Nguyễn Hồng Quân nhận xét, những thông tin chia sẻ của các diễn giả trong buổi Tọa đàm rất hữu ích, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Trong buổi khai mở đầu tiên, chương trình đã phần nào hoàn thành mục tiêu đề ra. Hy vọng rằng, trong số sau, chương trình sẽ ngày càng phong phú hơn, tiếp tục mang lại nhiều kiến thức bổ ích về sức khỏe cho cộng đồng.

Trong buổi online đầu tiên, Tọa đàm thành công thu hút hơn 3.000 lượt xem trên các kênh truyền thông của Hội và cũng nhận được một số câu hỏi xoay quanh buổi Tọa đàm,... Chương trình dự kiến tổ chức hàng tháng, hy vọng sẽ mang đến nhiều kiến thức hữu ích cho cộng đồng

Thu Trang

comment Bình luận

largeer