TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á phát hiện tinh hoàn thứ hai nằm trong ổ bụng của một thanh niên sau 31 năm

Sinh ra chỉ với tinh hoàn bên trái, anh N.H.V. (31 tuổi, Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) từng nghĩ mình chỉ có một tinh hoàn do bất thường bẩm sinh. Tuy nhiên, trong một lần đi khám, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á phát hiện tinh hoàn còn lại nằm trong ổ bụng, gần bàng quang.
11/12/2024 07:16

Theo đó, anh V. nhập viện trong tình trạng đau vùng bẹn phải kéo dài nhiều ngày, cơn đau kèm cảm giác thắt nghẹt, bẹn phải sưng phồng, đau khi ấn, và khối phồng tăng kích thước khi vận động. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy anh chỉ có một tinh hoàn bên trái. Anh V. cho biết, gia đình và bản thân không đi khám trước đó vì nghĩ đây là bất thường bẩm sinh.

Hình ảnh CT tinh hoàn phải nằm trong bụng (Ảnh: BVCC)

Hình ảnh CT tinh hoàn phải nằm trong bụng (Ảnh: BVCC)

Tại Bệnh viện Xuyên Á, các bác sĩ Khoa Cấp Cứu đã phối hợp với Khoa Ngoại Tổng Quát và Ngoại Tiết Niệu tiến hành chụp CT 160 cản quang, phát hiện tình trạng thoát vị bẹn nghẹt cùng tinh hoàn bên phải nằm trong ổ bụng. Sau khi tư vấn và được sự đồng ý từ gia đình, ca phẫu thuật đã được thực hiện khẩn cấp trong vòng 2 giờ kể từ khi tiếp nhận.

Theo ThS.BS.CKII Nguyễn Vĩnh Bình - Trưởng Khoa Ngoại Tiết Niệu, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã đưa các tạng thoát vị trở lại ổ bụng, đồng thời giải phóng và đưa tinh hoàn bên phải từ ổ bụng xuống bìu. Sau phẫu thuật, anh V. chính thức có đủ hai tinh hoàn với kích thước tương đương nhau.

Chỉ một ngày sau, anh V. đã hồi phục tốt và có thể đi lại bình thường.

Ekip thực hiện phẫu thuật cho anh V (Ảnh: BVCC)

Ekip thực hiện phẫu thuật cho anh V (Ảnh: BVCC)

BS Bình cho biết, tinh hoàn ẩn là một dị tật bẩm sinh thường gặp ở cơ quan sinh dục nam, xảy ra khi một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu mà nằm ở vị trí khác. Trong giai đoạn bào thai, tinh hoàn hình thành gần thận và thường di chuyển xuống bìu vào tháng thứ 7. Tỷ lệ tinh hoàn ẩn ở bé trai đủ tháng là khoảng 1% khi trẻ 1 tuổi.

Thông thường, tinh hoàn ẩn chỉ xảy ra ở một bên, trong khi trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên chỉ chiếm khoảng 10%. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng như xoắn tinh hoàn, giảm khả năng sinh sản, ung thư tinh hoàn và thoát vị bẹn.

BS Bình khuyến cáo phụ huynh nên theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ, đặc biệt là kiểm tra tinh hoàn ở các bé trai, để kịp thời phát hiện và xử lý nếu có bất thường.

Cao Ánh

comment Bình luận

largeer