TP. Hồ Chí Minh: Công bố hết dịch sởi theo phạm vi phường xã, tiến tới kết thúc dịch trên toàn thành phố trong quý 2 năm 2025
Từ tuần thứ 2 của năm 2025 đến nay, số ca bệnh hàng tuần tại TP. Hồ Chí Minh có xu hướng giảm nhanh ở tất cả các lứa tuổi. Đặc biệt, tính đến tuần 12/2025, đã có 50 phường, xã thuộc 13 quận, huyện và TP. Thủ Đức không ghi nhận ca sởi mới trong 3 tuần liên tiếp trở lên. Số ca mắc sởi trên toàn thành phố đã có khuynh hướng giảm rõ rệt so với giai đoạn cao điểm, cho thấy dịch bệnh đang đi vào giai đoạn kết thúc. Sở Y tế đã thực hiện quy trình thẩm định hồ sơ và báo cáo UBND Thành phố công bố hết dịch bệnh sởi tại 22 phường, xã đủ điều kiện (cụ thể là không ghi nhận ca mắc mới sau 21 ngày liên tiếp và đã triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định).
Đây là thành quả của quá trình chủ động và kiên trì trong công tác phòng chống dịch sởi của TP. Hồ Chí Minh. Để đạt được điều này, Thành phố đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ, trong đó chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi đóng vai trò then chốt. Nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine sởi được tăng cao, cộng đồng đã được tăng cường miễn dịch, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.
Ngay từ đầu năm 2024, trước thực trạng gián đoạn nguồn vaccine tiêm chủng mở rộng (trong đó có sởi) trong và sau đại dịch COVID-19, với kinh nghiệm ứng phó từ các đợt dịch sởi trước, TP. Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch sởi. Cụ thể, ngày 1/2/2024, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm bù vaccine sởi cho trẻ, đồng thời, Sở Y tế Thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC) và các bệnh viện tăng cường mạng lưới giám sát, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp bệnh sởi đầu tiên trên địa bàn Thành phố.

Quá trình chống dịch sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024-2025 (Ảnh: Sở Y tế TP. HCM)
Đồng thời, Sở Y tế đã chỉ đạo HCDC phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1 và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tiến hành đánh giá miễn dịch cộng đồng đối với sởi (thông qua ngân hàng huyết thanh của HCDC). Ngày 22/4/2024, kết quả cho thấy tỷ lệ trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi có kháng thể phòng bệnh sởi chỉ đạt 86% (mức tỷ lệ miễn dịch cần đạt bảo vệ cộng đồng trước bệnh sởi phải trên 95%).
Ngày 23/5/2024 (tuần thứ 21) ca sởi đầu tiên được phát hiện sau hơn 2 năm không ghi nhận ca bệnh trên địa bàn Thành phố, sau đó số ca mắc bắt đầu tăng dần. Đồng thời, tháng 6/2024, HCDC đã tiến hành đánh giá nguy cơ dịch sởi (sử dụng công cụ của Tổ chức Y tế thế giới dưới sự hướng dẫn của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh), kết quả cho thấy, Thành phố có nguy cơ bùng phát dịch rất cao.
Dựa trên những căn cứ khoa học này, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dịch bệnh trong nước và quốc tế (WHO tại Việt Nam), Sở Y tế đã tham mưu UBND Thành phố công bố dịch sởi. Đồng thời, Sở Y tế đã chủ động triển khai kế hoạch bảo vệ trẻ có nguy cơ cao. Theo đó, các bệnh viện thực hiện rà soát, lập danh sách trẻ có bệnh lý nền, bệnh bẩm sinh đang được quản lý, diều trị tại bệnh viện để tư vấn tiêm chủng và tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ ngay khi đủ điều kiện. Sử dụng immunoglobulin dự phòng cho các trường hợp trẻ mắc các bệnh thuộc nhóm nguy cơ (bệnh tim mạn tính, bệnh phổi mạn, vô lách bẩm sinh, bệnh suy giảm miễn dịch..) sau khi bị phơi nhiễm sởi do tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Đồng thời tiêm phòng vaccine sởi cho những nhân viên y tế chăm sóc cho các bệnh nhân này. Động thái này góp phần quan trọng trong việc bảo vệ trẻ trước nguy cơ dịch sởi, đặc biệt khi Thành phố còn tiếp nhận các ca bệnh từ các tỉnh khác, làm tăng nguy cơ lây lan trong bệnh viện.
Ngày 27/8/2024, UBND Thành phố ban hành Quyết định công bố dịch sởi trên toàn Thành phố. Đây là cơ sở pháp lý để Thành phố thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát dịch sởi trên địa bàn. Theo đó, Thành phố đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương để mua vaccine phòng chống dịch. Ngày 31/8/2024, chỉ 3 ngày sau khi quyết định công bố dịch được ban hành, chiến dịch tiêm vaccine phòng chống dịch sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi đã được triển khai trên toàn thành phố và được thực hiện xuyên kỳ lễ Quốc khánh 2/9. Chỉ trong 4 ngày lễ đã có 5.034 trẻ được tiêm và theo dõi tiêm an toàn.
Sáng ngày 7/9/2024, Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố chính thức khởi động chiến dịch tiêm vaccine tại trường học, với 1.156 trẻ đã được tiêm vaccine phòng chống dịch sởi trong ngày đầu tiên.
Trong không khí quyết liệt của chiến dịch tiêm chủng, các hệ thống tiêm chủng tư nhân đã bày tỏ ý định đồng hành cùng Sở Y tế. Nhận thấy đây là giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận dịch vụ tiêm chủng phòng chống dịch, Sở Y tế đã đồng thuận và giao HCDC hướng dẫn, giám sát 112 điểm tiêm của các cơ sở tiêm chủng tư nhân. Các cơ sở này đã bắt đầu tiêm vaccine phòng chống dịch sởi miễn phí cho trẻ em từ 1 đến 10 tuổi trên địa bàn, kể cả Thứ Bảy và Chủ Nhật. Chiến dịch tiêm chủng trên toàn thành phố diễn ra an toàn, những sự cố bất lợi đã được giám sát, báo cáo và xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Song song với việc triển khai chiến dịch tiêm chủng, các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện, điều tra và xử lý dịch tại cộng đồng vẫn được duy trì hiệu quả. Trong quá trình giám sát, cơ quan chức năng đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc ở nhóm tuổi từ 6-9 tháng tuổi. Đây là nhóm tuổi còn nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm vaccine phòng bệnh sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang có thể đã giảm dưới mức bảo vệ. Trước thực tế đó, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế về việc tiêm vaccine sởi cho trẻ em trong độ tuổi này. Ngày 12/11/2024, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Y tế. Tính đến ngày 23/3/2025, chiến dịch tiêm vaccine sởi đã tiêm được 280.244 mũi tiêm trên toàn thành phố. Trong đó, tỷ lệ tiêm vaccine sởi cho nhóm trẻ từ 1 đến 5 tuổi đạt 100%, nhóm trẻ từ 6 đến 10 tuổi đạt 99,51% so với số trẻ đã rà soát được. Chiến dịch tiêm chủng đã góp phần kiểm soát dịch sởi tại Thành phố.
Bên cạnh các hoạt động phòng chống dịch tại cộng đồng, hoạt động chăm sóc điều trị cũng được Sở Y tế quan tâm chỉ đạo sâu sát. Tính từ đầu đợt dịch đến nay, các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 8.087 ca bệnh sởi từ các quận huyện của Thành phố (trong đó có 4781 ca nội trú và 3306 ca ngoại trú) và 12.226 ca bệnh sởi từ các tỉnh khác (trong đó 7681 ca nội trú và 4545 ca ngoại trú). Số lượng bệnh nhân rất lớn như vậy đòi hỏi các bệnh viện của Thành phố phải tập trung nhân lực phục vụ công tác khám và điều trị, tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện phòng lây nhiễm chéo, đảm bảo dự trữ đầy đủ thuốc, dịch truyền, vật tư chống dịch.
Từ đầu tháng 9/2024, Sở Y tế tổ chức họp chuyên gia thống nhất chỉ định sử dụng Immunoglobulin (IVIG) trong điều trị bệnh sởi đối với từng đối tượng bệnh nhân cụ thể, đưa ra các bước tiếp cận và chỉ định sử dụng IVIG. Sở Y tế đã giao 4 bệnh viện tuyến cuối cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh sởi và đã được Hội đồng khoa học công nghệ Sở Y tế thống nhất thông qua và trình Bộ Y tế để cập nhật vào Hướng dẫn Quốc gia. Những nỗ lực trong công tác điều trị đã góp phần kiểm soát số ca nặng và tử vong do bệnh sởi. Trong tổng số 8087 ca mắc của Thành phố, có 151 ca cần hỗ trợ hô hấp, chiếm tỷ lệ 1,6%; số tử vong là 7 ca (5 ca trong năm 2024 và 2 ca năm 2025) chiếm tỷ lệ 0.8/1000, tất cả các trường hợp tử vong là những trẻ có các bệnh lý bẩm sinh hoặc bệnh lý nền nặng, không được tiêm chủng vaccine trước đó.
Sau khi công bố hết dịch, trong bối cảnh di biến động dân cư và tình hình dịch sởi vẫn còn diễn tiến tại các tỉnh thành trong khu vực, Thành phố vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện các ca bệnh nghi ngờ trong cộng đồng và trường học, thu thập mẫu tiến hành xét nghiệm xác định chẩn đoán để kịp thời xử lý, ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Công tác tiêm chủng vẫn tiếp tục triển khai để đảm bảo trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi, đồng thời tổ chức tiêm bù cho trẻ chưa được tiêm đầy đủ. Bên cạnh đó, công tác truyền thông được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của tiêm chủng, khuyến khích phụ huynh đưa trẻ đi tiêm đúng lịch và duy trì các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Giãn mao mạch: Nguyên nhân và phương pháp điều trị
Giãn mao mạch là một vấn đề phổ biến không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm suy giảm sức khỏe làn da và chất lượng cuộc sống. Vậy nguyên nhân gây giãn mao mạch là gì và phương pháp điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.March 25 at 7:50 pm -
Trị giãn mao mạch tại hệ thống Phòng khám OHIO được cấp phép của Sở Y tế
Việc ứng dụng Laser công nghệ cao trong điều trị giãn mao mạch đảm bảo an toàn và hiệu quả, theo quy định của Luật chỉ được thực hiện tại các Phòng khám Chuyên khoa da liễu được cấp phép hoặc bệnh viện.March 25 at 7:50 pm -
Nguyên nhân gây giãn mao mạch ở chân đùi
Giãn mao mạch ở chân đùi không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe tĩnh mạch của bạn. Tình trạng này phổ biến hơn ở phụ nữ và có thể tiến triển nặng hơn nếu không được can thiệp kịp thời. Vậy nguyên nhân gây giãn mao mạch ở chân đùi là gì và phương pháp nào giúp điều trị hiệu quả nhất? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.March 25 at 7:50 pm -
Trị giãn mao mạch uy tín tại Sài Gòn: Chọn Phòng khám da liễu OHIO
Giãn mao mạch nếu không điều trị sớm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Để đảm bảo quá trình điều trị hiệu quả, an toàn, việc lựa chọn một cơ sở y tế uy tín, được cấp phép đảm bảo các điều kiện về chuyên môn của bác sĩ, cơ sở vật chất, máy móc công nghệ, quy trình điều trị đảm bảo tính an toàn về chuyên môn được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định và cấp phép.March 25 at 7:50 pm