TP. Hồ Chí Minh: Ghi nhận 564 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 17 ca so với tuần trước

Trong tuần 22 (tính từ ngày 27/5 đến ngày 2/6), TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 564 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 7% so với trung bình 4 tuần trước.
06/06/2024 11:06

Tuy nhiên, nếu so với tuần 21 trước đó (ghi nhận 581 ca), thì tuần 22, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng giảm 17 ca. Còn so với tuần 20 (ghi nhận 587 ca), tuần 22 giảm đến 23 ca bệnh tay chân miệng.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng số ca tay chân miệng tích lũy là 5.691 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm: Huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và Quận 8.

Trong tuần 22, TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận 132 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 22 là 3.537 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm Quận 1, Quận 7 và thành phố Thủ Đức.

hcm

(Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh)

Theo ngành y tế TP. Hồ Chí Minh, bệnh tay chân miệng thường gia tăng trong giai đoạn từ tháng 3 - 5 và từ tháng 9 - 12. Bệnh tay chân miệng do nhóm virus đường ruột (Enterovirus) gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ.

Khi mắc bệnh bệnh tay chân miệng, trẻ có các dấu hiệu đau họng, sốt nhẹ, quấy khóc, biếng ăn, tiêu chảy,... đặc biệt là nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét, còn bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần. Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. Sau đó thì bóng nước có thể tự khô, tự ổn định và tự khỏi.

Khoảng trên 90% trường hợp trẻ mắc bệnh bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi. Một số ít mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến biến chứng ảnh hưởng tới não bộ, thân não gây ra suy hô hấp; ảnh hưởng tới tim gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp.

Do đó khi chăm sóc trẻ bệnh, người chăm sóc cần theo dõi kỹ, phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo trẻ chuyển bệnh nặng để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Để không bị động trước nguy cơ dịch bùng phát mạnh, ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh đã chủ động phòng, chống dịch và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tay chân miệng có thể xảy ra.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh

comment Bình luận

largeer