TP.HCM chuẩn bị đủ vaccine để tiêm cho trẻ 12-17 tuổi

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết ngay khi Bộ Y tế công bố loại vaccine phù hợp, thành phố sẽ tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi.
18/10/2021 16:35

Tiêm vaccine cho trẻ em, công tác dân số và thông tin tiêm chủng... là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên họp tổ của kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X diễn ra chiều ngày 18/10.

Sẵn sàng triển khai tiêm vaccine cho trẻ

Thông tin về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết sở đã chuẩn bị kế hoạch tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa công bố loại vaccine phù hợp cho nhóm tuổi này.

"Mình ngầm hiểu có một số loại thôi nhưng phải chờ Bộ Y tế công bố. Kế hoạch của bộ yêu cầu địa phương chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch để khi công bố vaccine phù hợp thì địa phương triển khai tiêm. TP đã chuẩn bị sẵn đủ số lượng vaccine phù hợp cho khoảng 700.000 trẻ em từ 12-17 tuổi", ông Nam cho biết.

78

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết sáng nay, đơn vị đã có văn bản để khi được cho phép sẽ tiêm ngay cho nhóm này. Sở cũng đã đề nghị các đội tiêm quan tâm nhóm tuổi trên, đảm bảo đầy đủ, không thiếu sót trong công tác tiêm.

Về vấn đề nâng cao chất lượng y tế cơ sở, ông Nam nói thực tế cho thấy y tế chuyên sâu tập trung vào điều trị nhưng y tế cộng đồng mới có thể cứu được nhiều người. Bằng chứng là khi dịch bệnh xảy ra, trạm y tế phường/xã, trạm y tế lưu động đóng vai trò rất quan trọng.

Sở Y tế đã xây dựng và gửi sở, ban, ngành có ý kiến để củng cố, đưa ra chính sách giúp phát triển y tế cơ sở.

Rà soát dữ liệu dân cư để bổ sung thông tin tiêm chủng

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, bày tỏ băn khoăn về công tác thống kê dân số của TP.HCM. Bà Châu cho rằng nhiều chế độ, chính sách được xây dựng dựa trên con số này nên cần có con số sát thực tế để làm cơ sở cho việc ra quyết định.

Bên cạnh đó, một số đại biểu HĐND cũng bày tỏ băn khoăn về việc nhiều người dân phản ánh thông tin tiêm chủng trên ứng dụng còn chưa chính xác.

Trả lời vấn đề này, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết tính đến 30/6, dân số trên 18 tuổi tại TP.HCM là 7,2 triệu người. Con số này phù hợp với số lượng người đã được tiêm 1 mũi vaccine cũng như số lượng cử tri trong kỳ bầu cử hồi tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các địa phương báo cáo lại thì con số này giảm xuống còn khoảng 6 triệu. Một số quận như Gò Vấp, Bình Thạnh có dân số biến động. Nguyên nhân được cho là một lượng lớn công nhân, sinh viên đã về quê trong quá trình dịch bệnh bùng phát.

77

Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

Về một số sai sót trong thông tin tiêm chủng trên ứng dụng, bà Trinh cho biết thứ 7 vừa qua (16/10), Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã thống nhất rà soát toàn bộ dữ liệu dân cư của cả nước. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, cả nước sẽ hoàn thành công tác này vào 11/11. Như vậy, TP.HCM cùng cả nước có khoảng 20 ngày để thực hiện nhiệm vụ này.

Bà Trinh thừa nhận thời gian đầu, thông tin tiêm chủng của thành phố có nhiều sai sót do nhập thông tin không đầy đủ. Ví dụ như một số điện thoại đăng ký tiêm cho nhiều người; hoặc trong quá trình đăng ký tiêm, doanh nghiệp, tổ chức thống kê thông tin không đầy đủ, các điểm tiêm tập trung tiêm nhanh cho người dân nên công tác nhập dữ liệu lên hệ thống chưa chính xác.

Về công tác triển khai quét mã QR tại nơi sản xuất, kinh doanh để kiểm soát người ra/vào của cả nhân viên và khách liên hệ công tác, đến nay, 8.000 đơn vị đã đăng ký mã QR. Căn cứ trên 8 bộ tiêu chí theo từng lĩnh vực mà UBND TP.HCM đã ban hành, các cơ sở phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện để sản xuất an toàn. Các địa phương sẽ tiến hành hậu kiểm.

Một vấn đề khác được bà Tô Thị Bích Châu phản ánh là ứng dụng để triển khai chi trả gói hỗ trợ thứ 3 cho người dân TP.HCM còn bị chậm và bị gián đoạn. Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương, Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết trong quá trình xây dựng ứng dụng, 20.000 tài khoản đã được cấp cho các địa phương.

Tuy nhiên, sở không tính đến việc có thời điểm số lượng người sử dụng vượt quá công suất thiết kế, do đó, nhiều thời điểm ứng dụng bị treo. Công viên phần mềm Quang Trung đã sớm khắc phục các sự cố này và nâng công suất.

"Công suất của ứng dụng hiện gấp 3 lần công suất của các app giao hàng như Grab, Be... cộng lại. Việc trục trặc về app đã được xử lý", ông Cường nói.

Theo Zing

comment Bình luận

largeer