Trầm cảm gây tự tử hiện đang gia tăng ở giới trẻ

Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 40 giây trên thế giới lại có 1 người tự tử do trầm cảm. Năm 2020, bệnh trầm cảm vượt qua các bệnh ung thư, tiểu đường và trở thành căn bệnh thứ hai đe dọa sức khỏe con người chỉ sau tim mạch. Ở Việt Nam, bệnh lý này hiện đang có chiều hướng tăng, đặc biệt là ở giới trẻ.
24/11/2020 08:47

Cô đơn trong chính nhà mình

Chỉ trong vòng một tuần, ở TPHCM có đến 2 trường hợp phụ nữ tự tử được cơ quan chức năng xác định do bị bệnh trầm cảm. Ở họ có nhiều điểm chung khi đều là nữ giới, sống đơn thân, ở chung cư cao tầng và tự tử khi đang trong giai đoạn điều trị “rối loạn giấc ngủ” hoặc có “các biểu hiện tâm lý không bình thường”.

Nạn nhân đầu tiên là chị N.T.A.T. (33 tuổi, sinh sống cùng em gái tại một căn hộ ở tầng 31 của một chung cư tại quận 7). Gia đình nạn nhân cho biết, chị T. mắc bệnh trầm cảm từ năm 2013, đã đi khám và điều trị tại nhiều bệnh viện tâm thần. Không khỏi bệnh, trái lại gần đây, biểu hiện tâm thần của nạn nhân ngày một nặng hơn và “có ý định tự tử”. Một ngày trước khi tự tử, bệnh nhân có những biểu hiện tâm lý không bình thường. Người thân trong gia đình đến hỗ trợ chăm sóc nhưng cuối cùng không thể ngăn được cái chết báo trước. Một tuần sau, câu chuyện đau lòng lặp lại tại một chung cư ở quận Thủ Đức. Lần này, nạn nhân là bà N.T.M.T. (50 tuổi, nghề nghiệp luật sư, sống độc thân tại căn hộ trong chung cư). Sau khi nạn nhân tử vong, cơ quan chức năng phát hiện trên bàn làm việc của nữ luật sư có hồ sơ khám bệnh “rối loạn giấc ngủ” tại một bệnh viện tâm thần.

Hai cái chết này khiến cộng đồng bất ngờ, nhưng với những người trong cuộc, vốn đang phải đối diện với căn bệnh trầm cảm có thể là một cái kết hiển nhiên cho quá trình chịu đựng quá mức.

Chị T. chia sẻ, bản thân có rất nhiều mối quan hệ, nhưng không thân thiết với ai cả. “Chỉ là vài câu xã giao, ở chỗ làm thì nói cười, trên đường về nhà vừa đi vừa khóc, về đến nhà lại phải tỏ ra bình thường, sắp ngủ lại hành hạ bản thân một trận. Sáng mở mắt nhìn ra ngoài, đều là một màu xám xịt, tự hỏi sao mình không chết đi, luôn luôn giữ suy nghĩ phải làm sao để có thể chết”, chị nói. Và cũng từ trong cuộc, không phải ai cũng chọn cái chết. Như trường hợp của chị T.N. đã cố gắng đưa tín hiệu cầu cứu nhiều lần cho người thân để điều trị bệnh.

khambenh_zovg

Nhận biết tự tử qua 5 câu hỏi

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, bệnh trầm cảm xuất phát từ những rối loạn của não bộ, dẫn đến những ảnh hưởng về mặt tâm lý. Từ đó, hình thành những suy nghĩ và hành vi bất thường, trong đó có tự tử. Tại Việt Nam hiện nay, bệnh trầm cảm đang có chiều hướng tăng trong giới trẻ. Nữ giới bị trầm cảm và có ý định tự tử thường nhiều hơn nam giới, nhưng nam giới tử vong nhiều hơn do sử dụng hình thức tự tử quyết liệt, bạo lực hơn. Khi một người trầm cảm quyết định tự tử là lúc rơi vào một trạng thái bất ổn tâm lý. Trạng thái này có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, nguyên nhân tâm thần - tâm lý chiếm hầu hết các trường hợp (trên 80%). Và trong nguyên nhân tâm thần - tâm lý, trầm cảm chiếm tỷ lệ cao nhất, cùng với các bệnh lý khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, nghiện chất…

“Để nhận biết được dấu hiệu của người mắc bệnh trầm cảm có ý định tự tử, người thân cần đưa ra 5 câu hỏi để xem xét mức độ mãnh liệt. Cụ thể, hỏi họ có mặc cảm mình là một người thất bại không? Có cảm thấy mình vô dụng không? Có ý tưởng cho rằng, mình là một gánh nặng cho gia đình và người thân? Có hay suy nghĩ về cái chết hay không? Và cuối cùng, hỏi họ có nghĩ rằng, nếu mình chết đi sẽ giải thoát cho mình và sẽ tốt hơn cho gia đình hay không? Nếu qua 5 câu hỏi cơ bản này câu trả lời là có, thì ý định tự tử đang đến rất gần và cần được can thiệp y khoa ngay lập tức. Ngoài ra, khi đột nhiên bệnh nhân trở nên bình tĩnh khác thường, không còn buồn bã hay khóc lóc thì cũng là lúc cực kỳ nguy hiểm. Bởi, bệnh nhân gần như đã đi đến một quyết định kinh khủng, sau một thời gian suy nghĩ nghiền ngẫm”, bác sĩ Hiển cảnh báo.

Theo bác sĩ Hiển, trầm cảm có thể được chữa khỏi hoàn toàn bằng cách phối hợp, gồm tâm lý liệu pháp và dùng thuốc điều trị triệu chứng. Thời gian điều trị, theo dõi cần ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, nếu người bệnh sau khi chữa khỏi tiếp tục gặp phải cú sốc hay các mối lo toan… có thể sẽ tái phát. Vì vậy, nếu người bệnh có những dấu hiệu như trên, người thân nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa để khám, can thiệp y khoa kịp thời. Đồng thời, sự nâng đỡ, lắng nghe của bạn bè và người thân hàng ngày chính là một “liều thuốc” vô cùng quan trọng, có thể giúp phát hiện và làm dịu đi ý tưởng tự tử...

Theo SGGP

comment Bình luận

largeer