Trẻ bị sốt có đi tiêm phòng được không?

Tiêm phòng cho trẻ rất quan trọng giúp bảo vệ trẻ, giúp tạo cho trẻ kháng thể để chống lại các vi khuẩn gây bệnh. Hiện chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã và đang phát triển trên toàn quốc và được sự ủng hộ nhiệt tình từ toàn xã hội.
06/01/2021 11:54

Tiêm chủng là việc đưa vắc xin vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch để dự phòng chủ động bệnh tật. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để bảo vệ cho người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và tránh xảy ra các dịch bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Việt Nam đã triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin mở rộng từ 1985 và đến nay và đã đạt được nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ em, đẩy lùi bệnh tật.

tiem chung

Việc tiêm chủng cho trẻ rất quan trọng, song khi cho bé đi tiêm, các bậc phụ huynh cần chú ý một số quy tắc bắt buộc để tránh gây ra những biến chứng cho trẻ sau tiêm. Đặc biệt, câu hỏi nhiều người băn khoăn nhất chính là, trẻ đang bị sốt có được cho đi tiêm chủng hay không?

Theo Quyết định 2470/QĐ-BYT ban hành ngày 14/6/2019 về hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em đã quy định rõ:

Trẻ em từ 1 tháng tuổi trở lên sẽ tạm hoãn tiêm chủng nếu trẻ sốt ≥ 37.50C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35.50C đối với các cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện và tạm hoãn tiêm nếu trẻ sốt ≥ 380C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35.50C đối với các cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện.

Trẻ sơ sinh sẽ tạm hoãn tiêm chủng chủng nếu trẻ sốt ≥ 37.50C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35.50C đối với cả cơ sở tiêm chủng tại bệnh viện và ngoài bệnh viện.

Như vậy, trẻ bị sốt nhẹ vẫn có thể tiêm vắc-xin phòng ngừa bình thường theo lịch tiêm chủng. Tuy nhiên, trẻ cần được khám sàng lọc trước khi cho chỉ định tiêm vắc-xin để loại trừ nguyên nhân sốt của trẻ do các bệnh lý cấp tính, bệnh nhiễm trùng. Nếu trẻ có biểu hiện bệnh lý cấp tính hoặc bệnh nhiễm trùng thì trẻ cần được điều trị cho đến khi sức khỏe ổn định mới tiếp tục tiêm phòng. Nếu trẻ có các biểu hiện sốt nhẹ, cảm lạnh, chảy nước mũi, ho nhẹ, viêm mũi dị ứng hay tiêu chảy nhẹ... mà chưa cần điều trị thì bác sỹ vẫn có thể tiến hành tiêm chủng cho trẻ theo lịch bình thường.

Tiêm chủng đúng theo lịch sẽ tạo kháng thể bảo vệ trẻ tối ưu nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ không đủ điều kiện sức khỏe để tiêm chủng thì vẫn cần phải hoãn tiêm và trẻ cần phải tiêm bổ sung mũi vắc-xin thiếu khi sức khỏe trẻ ổn định. Việc tiêm vắc-xin bổ sung này sẽ thực hiện sớm nhất khi có thể; trẻ không cần phải tiêm vắc-xin lại từ đầu nếu tiêm trễ lịch và kháng thể sinh ra vẫn có khả năng bảo vệ cho trẻ.

Trong một số trường hợp như tiêm vắc-xin phòng dại, tiêm vắc-xin phòng uốn ván sau khi trẻ bị súc vật (chó, mèo, khỉ...) cắn với tình trạng trẻ sốt cao vì vết thương nhiễm trùng..., chúng ta vẫn có thể tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng dại đồng thời với điều trị hạ sốt và điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng.

Thùy Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer