Sốt xuất huyết Dengue là bệnh gì? Có nguy hiểm hay không?

Thời gian gần đây, bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh đã cứu sống hai trường hợp bị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng gây tổn thương gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu... nguy cơ tử vong cao làm nhiều người hoang mang, không biết đây là bệnh gì?
04/01/2021 16:22

Sốt xuất huyết dengue là bệnh gì?

20190829_092855_352422_sot-xuat-huyet.max-800x800

Hình minh họa

Bệnh sốt xuất huyết dengue (SXH) là bệnh nhiễm vi rút dengue cấp tính do muỗi Aedes aegypti (thường gọi là muỗi vằn) truyền. SXH là bệnh được ghi nhận có từ thế kỷ thứ 18, và số ca bệnh có xu hướng liên tục tăng lên trong vòng 50 năm gần đây. Đây là một trong những bệnh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm cần được quan tâm vì bệnh xảy ra trên 100 quốc gia với số ca mắc ghi nhận hàng năm từ khoảng 50-100 nghìn ca. Bệnh có xu hướng phổ biến ở các nước Châu Á và được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nhập viện và/hoặc tử vong ở khu vực này.

Hiện tại bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Kiểm soát véc tơ truyền bệnh vẫn là biện pháp hiệu quả nhất trong việc làm giảm nguy cơ lan truyền vi rút dengue trong cộng đồng, cụ thể như loại bỏ những nơi sinh sản của muỗi hoặc phun hoá chất diệt muỗi.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue lây truyền sang người thế nào?

Bệnh SXH truyền từ người bị bệnh sang người lành do bị muỗi Aedes aegypti đốt (chích). Loại muỗi này thường đốt người vào ban ngày.

Muỗi Aedes aegypti không mang vi rút dengue một cách tự nhiên, chúng nhiễm vi rút dengue khi chúng đốt người bị bệnh. Do vậy, vi rút dengue không có khả năng lan truyền trực tiếp từ người sang người mà cần phải có sự hỗ trợ của vật trung gian là muỗi truyền bệnh.

Những triệu chứng của sốt xuất huyết dengue

5929b0508229a70db095a2805d0d8212

Hình minh họa

Những triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue tương tự như cúm, thường kéo dài khoảng từ 2 - 7 ngày. Sau khi bị đốt bởi muỗi mang mầm bệnh, các triệu chứng thường chưa xuất hiện ngay mà theo sau bởi một thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày. Sốt cao (40°C) là biểu hiện điển hình của sốt xuất huyết, kèm theo ít nhất hai trong số những triệu chứng sau, bao gồm:

  • Phát ban da
  • Nhức đầu
  • Đau hốc mắt
  • Buồn nôn, nôn
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau mỏi các cơ, xương và khớp.

Giai đoạn biến chứng nghiêm trọng thường xảy ra vào ngày thứ 3 - 7 sau khi khởi phát triệu chứng. Vào lúc này, thân nhiệt giảm, song điều đó không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngược lại, bệnh nhân cần được tích cực theo dõi, vì bệnh có nguy cơ tiến triển thành sốt xuất huyết Dengue thể nặng, đặc biệt với những dấu hiệu cảnh báo như sau:

  • Cơn đau bụng cấp
  • Nôn ói dai dẳng
  • Chảy máu chân răng
  • Nôn ra máu
  • Thở gấp, thở ngắn
  • Mệt mỏi, bứt rứt, suy kiệt.

Khi nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết Dengue tiến triển nặng, bệnh nhân cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời, bởi vì:

  • Tình trạng thoát huyết tương có thể dẫn đến sốc, ứ dịch, suy hô hấp;
  • Xuất huyết nặng;
  • Suy tạng nặng.

Những triệu chứng này có thể dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị đúng cách và kịp thời.

Cần làm gì nếu nghi ngờ bị sốt xuất huyết dengue?

Nếu nghi ngờ mắc phải sốt xuất huyết Dengue, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế thăm khám. Để chẩn đoán khả năng mắc bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào:

  • Hỏi tiền sử dịch tễ bệnh nhân đã từng đi, đến, ở vùng lưu hành dịch sốt xuất huyết
  • Các dấu hiệu và triệu chứng trên lâm sàng.
  • Kết quả xét nghiệm máu làm xét nghiệm tìm kháng nguyên Dengue NS1 từ ngày tứ 3 đến ngày thứ 5 và kháng thể virus Dengue (Dengue IgM và Dengue IgG).

Việc chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết có thể gặp nhiều khó khăn, bởi vì các dấu hiệu của bệnh có thể dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác cũng có triệu chứng tương tự, chẳng hạn như bệnh sốt rét, sốt virus hoặc sốt thương hàn.

Những biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết dengue

20190609_111542_425678_stxuthuyt-1557825063-.max-800x800

Hình minh họa

Kiểm soát véc tơ truyền bệnh hiện vẫn là biện pháp hiệu quả nhất trong việc làm giảm nguy cơ lan truyền vi rút dengue trong cộng đồng. Các phương pháp chủ yếu được áp dụng nhằm xua muỗi, diệt muỗi, loăng quăng, đặc biệt là loài muỗi truyền bệnh chính là muỗi Aedes aegypti. Cụ thể:

- Biện pháp hoá học: phun hoá chất, dùng bình xịt

- Biện pháp sinh học: thả cá, thả mê sô (ăn bọ gậy/lăng quăng)

- Biện pháp cơ học: xúc rửa dụng cụ chứa nước, vệ sinh thu dọn dụng cụ phế thải, ngủ màn

- Biện pháp khác: ngủ mùng, bôi kem xua muỗi, sử dụng vợt điện, đèn bắt muỗi

Tại Việt Nam khu vực thường xuất hiện sốt xuất huyết dengue?

Bệnh SXH có mặt ở hầu hết các tỉnh/thành phố tại Việt Nam (trừ một số khu vực miền núi phía Bắc). Tuy nhiên số ca bệnh thường tập trung và phổ biến ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, những nơi khí hậu nóng ẩm và muỗi truyền bệnh Aedes aegypti sống phổ biến quanh năm.

Cả trẻ em và người lớn đều có nguy cơ mắc SXH, tuy nhiên tỉ lệ mắc ở trẻ em dưới 15 tuổi thường có xu hướng cao hơn. Những người có di chuyển đến vùng dịch hoặc sống trong khu vực thường xuyên có sự lưu hành của bệnh SXH sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Hiện nay đã có thuốc hay vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết dengue chưa?

Hiện nay vẫn chưa có vắc xin giúp phòng (ngừa) bệnh SXH một cách hiệu quả. Một số công ty dược trên thế giới hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu vắc xin phòng bệnh SXH và đã có những sản phẩm được thử nghiệm trên người tình nguyện, nhưng hiệu quả của các loại vắc xin này còn nhiều hạn chế và chưa được cấp phép sử dụng để phòng bệnh. Hiện tại cũng chưa có thuốc hoặc phương pháp điều trị nào mang tính đặc hiệu đối với bệnh SXH; việc điều trị chủ yếu bao gồm công tác chăm sóc, theo dõi sát tình trạng bệnh và hỗ trợ các chức năng của cơ thể khi cần thiết.

Thanh Hằng ( tổng hợp)

comment Bình luận

largeer