Trẻ bị tay chân miệng có được tắm không?

Hiện nay, bệnh tay chân miệng đang bùng phát, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ em. Do bệnh chưa có vắc xin và thuốc đặc hiệu chữa trị nên các bậc cha mẹ cần chú ý phòng bệnh cho trẻ. Nếu trẻ bị mắc TCM, nên đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị, tránh các suy nghĩ sai lầm như kiêng tắm, kiêng gió cho bé...
31/03/2021 17:37

Bệnh tay chân miệng là gì?

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, thời tiết khí hậu đang chuyển mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống.

Theo ghi nhận từ các cơ sở khám chữa bệnh trẻ em trên cả nước, bệnh đang gia tăng, khiến các bậc phụ huynh rất lo lắng vì những biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

tcm

Theo nghiên cứu, bệnh TCM là một hội chứng bệnh ở người do virus đường ruột thuộc họ Picornaviridae gây ra. Giống vi rút gây bệnh TCM phổ biến nhất là Coxackievirus (nhóm A16) và Enterovirus týp 71 (EV71). Đặc biệt, các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV 71. Bệnh thường được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, hiếm gặp hơn ở nhóm trẻ dưới 6 tháng và trên 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều vào tháng 2 - 4 và tháng 9 - 12.

TCM rất dễ lây lan từ người sang người do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh. Giai đoạn lây lan mạnh nhất là tuần đầu tiên bị bệnh. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi… 

Trẻ bị TCM có được tắm không?

Khi trẻ bị TCM, nhiều phụ huynh luôn cho rằng cần phải kiêng nước cho bé vì nếu tiếp xúc với nước cộng với việc kỳ cọ, các nốt phỏng rộp sẽ vỡ khiến bệnh càng nguy hiểm. Tuy nhiên, đây là việc làm không có căn cứ khoa học. 

Theo bác sĩ Đinh Thị Thu Hương - Chuyên khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Kiêng tắm, kiêng gió, châm chích cho mụn vỡ ra, đây chính là những nguyên nhân làm cho bệnh trẻ trầm trọng hơn và là con đường ngắn nhất của tình trạng bội nhiễm vi khuẩn rất nguy hiểm.

Do đó, cha mẹ nên tắm rửa sạch sẽ cho con bằng xà phòng, lưu ý, tắm nhẹ nhàng cho bé để không làm vỡ các nốt mụn, tắm nơi kín gió đề phòng trẻ bị cảm lạnh. 

Ngoài việc tắm bằng xà phòng, cha mẹ có thể dùng một số loại lá đun lấy nước tắm cho bé như là chè xanh, rau sam, diếp cá, nhọ nồi, bạc hà... nhưng cần phải rửa kỹ lá, chọn lá sạch, không phun thuốc để mang lại hiệu quả tốt nhất. Bởi trong những lá này có chất kháng khuẩn, chống viêm, giúp bệnh TCM chóng khỏi.

Hiện tại vẫn chưa có vaccine phòng bệnh chân tay miệng. Do vậy, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh như:

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.

- Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.

- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.

- Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn.

- Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.

- Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.

Thùy An (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer