Trẻ em hay mắc bệnh gì khi trời nồm ẩm?

Thời tiết nồm ẩm khiến nhiều vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi và dễ xâm nhập, phá vỡ hệ miễn dịch yếu ớt của trẻ. Do đó, những căn bệnh nào trẻ hay mắc phải vào thời điểm này chính là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh.
03/03/2021 17:37

Dưới đây, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng sẽ chỉ ra một số loại bệnh trẻ hay mắc phải trong điều kiện thời tiết nồm ẩm hiện nay: 

1. Bệnh da liễu

Trong hoàn cảnh thời tiết nồm, độ ẩm trong không khí cao khiến vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi. Kèm theo đó, nhiều đồ vật, vật dụng trong nhà bạn như tường, nền nhà bị "đổ mồ hôi", áo quần không được sấy khô sẽ bị ẩm ướt. Nếu để trẻ mặc đồ ẩm sinh ra hiện tượng kích ứng da, viêm da, mẩn đỏ. 

Ngoài ra, trẻ còn hay mắc bệnh sốt phát ban, dị ứng hoặc rubella. Do đó, trong thời tiết này, cha mẹ nên vệ sinh sạch sẽ làn da cho bé, rửa tay trước khi ăn uống hoặc sau khi đi ra ngoài để tránh bị bệnh.

2. Bệnh về đường hô hấp

benh ho hap

Thời tiết nồm ẩm khiến bé hay mắc các bệnh về đường hô hấp. (Hình minh họa).

Đứng đầu trong các bệnh hô hấp thường gặp khi trời nồm, hen phế quản được gây ra bởi các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, nấm mốc, côn trùng,...

Thời tiết thay đổi, sức đề kháng của cơ thể giảm sút nên khi người có cơ địa dị ứng hít phải những tác nhân trên sẽ gây co rút khí quản, tạo ra các cơn hen, khiến bạn khó thở, mặt mũi tím tái, nếu nặng có thể suy hô hấp.

3. Bệnh thủy đậu 

Thủy đậu là bệnh lây nhiễm do virut Varicella Zoster gây ra, có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn vào mùa xuân, thời tiết nồm ấm. 

Người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua đường hô hấp (nước bọt, hắt hơi, dịch tiết từ mũi của người bệnh) hoặc qua tiếp xúc với mụn nước, tiếp xúc với quần áo, vải trải giường,... dễ bị mắc bệnh.

Khoảng 90% số người chưa chủng ngừa hoặc chưa từng bị thủy đậu sẽ bị lây bệnh nếu tiếp xúc với người nhiễm bệnh, thời gian lây bệnh thường kéo dài và người bị thủy đậu có khả năng lây nhiễm cho người khác từ 1 - 2 ngày trước khi phát ban.

Người bệnh thường có các triệu chứng: đầu tiên là xuất hiện các chấm nhỏ, ngứa ở mặt, cổ rồi đến bụng, ngực, chân,... Sau đó, các chấm này hình thành nốt phồng lớn (đường kính 3 - 4mm), chảy nước và cả mủ. Các nốt này dần khô đi, trở thành vảy và khỏi sau 5 - 7 ngày.

4. Bệnh sởi

benh soi

Hình minh họa.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra, có đặc trưng là tình trạng phát ban dạng sần trên cơ thể. Bệnh rất dễ lan rộng và bùng phát thành dịch bởi các triệu chứng khi mới khởi phát bệnh dễ nhầm lẫn và có thời gian lây nhiễm bệnh kéo dài từ giai đoạn ủ bệnh cho đến sau khi phát ban hoàn toàn. Trẻ em dưới 1 tuổi hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin là đối tượng rất dễ mắc bệnh sởi nhất. 

Nguyên nhân gây ra bệnh sởi là virus sởi thuộc Morbillivirus của họ Paramyxoviridae. Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của người bệnh. Khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện, những giọt dịch tiết chứa virus sẽ bắn ra trong không khí. Nếu người lành tiếp xúc với bệnh nhân, hít hoặc nuốt phải những giọt dịch tiết chứa virus sẽ bị lây sởi. Đặc biệt, virus sởi còn có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt tới 2 giờ, vì vậy nếu một người nào đó chạm tay vào bề mặt có những giọt tiết chứa virus sởi, sau đó chạm vào miệng hoặc mũi, virus sởi sẽ xâm nhập vào bên trong cơ thể và gây nhiễm trùng đường hô hấp.

5. Bệnh tiêu chảy cấp

Thời tiết nồm ẩm cũng là nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp. Bệnh tiêu chảy cấp tính là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, với các triệu chứng chính là tiêu chảy, nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Tiêu chảy kéo dài dưới 2 tuần được gọi là tiêu chảy cấp.  Các loại virus có thể gây tiêu chảy bao gồm virus Norwalk, cytomegalovirus và hepatitis. Rotavirus là một nguyên nhân phổ biến của tiêu chảy cấp ở trẻ em, con người lớn là norovirus.

Lưu ý: Để phòng tránh bệnh ở trẻ vào thời tiết nồm, ẩm, phụ huynh nên chăm sóc trẻ kỹ lường, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp hệ miễn dịch của bé chắc khỏe, đồng thời vệ sinh nhà cửa và vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ, tạo môi trường khô thoáng để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn và nấm mốc.

Ngọc Châu (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer