Trẻ từ 6 tháng tuổi nên ăn bổ sung như thế nào?

Dinh dưỡng tốt trong những năm đầu đời là nền tảng quyết định cho sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ nhỏ. Trong 6 tháng đầu, trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn, sau đó, trẻ cần được ăn bổ sung để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển theo lứa tuổi.
22/08/2023 08:57

Tuy nhiên nếu không có chế độ ăn bổ sung hợp lý sẽ làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, có thể rối loạn tiêu hoá, thậm chí tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng khác, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

1. Tại sao phải ăn dặm bổ sung khi trẻ 6 tháng tuổi

Khi được 6 tháng tuổi, trẻ cần được ăn bổ sung. Đây là lứa tuổi thần kinh và cơ nhai phát triển đầy đủ cho phép trẻ nhai và cắn thức ăn.

Ngoài ra, sữa mẹ lúc này không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho sự tăng trưởng của trẻ. Vì vậy, nếu không ăn bổ sung trẻ sẽ có nguy cơ chậm lớn, ngừng phát triển, thiếu máu, còi xương…

Nhưng nếu cho ăn quá sớm, trẻ sẽ bú mẹ ít đi, nên sẽ nhận được ít các yếu tố miễn dịch và dinh dưỡng từ sữa mẹ nên dễ bị suy dinh dưỡng và rối loạn tiêu hóa. Đồng thời, ăn dặm quá sớm có thể gây lên các tổn thương trên đường tiêu hoá của trẻ.

Tre-tu-6-thang-tuoi-nen-an-bo-sung-nhu-the-nao_1

2. Nếu cho trẻ ăn muộn quá

Trẻ không nhận đủ các chất dinh dưỡng.

Trẻ chậm lớn hoặc ngừng tăng cân

Trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng và thiếu vi chất

3. Một số nguyên tắc cho trẻ ăn bổ sung

Cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới.

Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp với khẩu vị của trẻ.

Chế biến các thức ăn đa dạng, giàu dinh dưỡng, sử dụng các thức ăn sẵn có tại địa phương.

Khi chế biến đảm bảo thức ăn mềm dễ nhai và dễ nuốt.

Tăng đậm độ năng lượng của thức ăn bổ sung bằng thêm dầu/mỡ cho bát bột vừa thơm, ngon và mềm giúp trẻ dễ nuốt lại cung cấp thêm năng lượng giúp trẻ mau lớn.

Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt, ăn vặt trước bữa ăn vì làm cho trẻ chán ăn.

Cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm và tiếp tục bú mẹ.

4 NHÓM THỰC PHẨM CHÍNH

Nhóm cung cấp tinh bột Bột gạo, gạo,…
Nhóm cung cấp đạm Thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu, đỗ,… ưu tiên protein có nguồn gốc động vật 
Nhóm chất béo Dầu, mỡ
Nhóm cung cấp vitamin Rau, quả, củ…

4. Các giai đoạn bổ sung theo lứa tuổi

Trẻ 6 tháng tuổi

Ngoài bú sữa mẹ, hàng ngày cho trẻ ăn 1 bữa bột 5%, 1 bữa hoa quả.

Không nên bắt ép trẻ ăn đủ số lượng ngay ban đầu và không nên lo lắng khi trẻ chưa chịu ăn.

Các loại thực phẩm mới khi bắt đầu cho trẻ ăn cũng cho ăn ít, sau đó ăn tăng dần.

Với nước hoa quả, cho trẻ uống trong khoảng 30-50ml.

Lượng thịt trẻ cần là 10g/bữa.

Trẻ 7 – 8 tháng

Ngoài bú sữa mẹ, 1 ngày cho trẻ ăn 2 bữa bột đặc 10%, 1 bữa hoa quả.

Giai đoạn này trẻ đã có răng, cần tập cho trẻ phản xạ nhai nên thực phẩm của trẻ như: thịt, cá, rau,…mẹ nên băm bằng tay và các bữa bột cần được thay đổi thực phẩm thường xuyên. Và thực phẩm cũng tăng dần lên.

Cho trẻ ăn trái cây nghiền khoảng 50 – 70ml.

Lượng thịt trẻ cần là 20g/bữa.

Trẻ 9 – 12 tháng

Sữa mẹ, sữa công thức tùy thuộc vào lượng sữa mẹ có mà bổ sung thêm. Ngày trẻ ăn 3 bữa bột đặc hơn, 1 bữa hoa quả.

Hoa quả nghiền 50 – 70ml.

Lượng thịt trẻ cần là 25 – 30g/bữa

Trẻ 12 – 24 tháng

Lứa tuổi này bắt đầu chuyển cho trẻ sang ăn cháo, một ngày 3 bữa cháo, sữa công thức 500ml/ngày, 1 bữa hoa quả.

Cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm khác nhau để bé thích nghi tốt hơn với thức ăn mới.

Lượng thịt trẻ cần 30 – 35g/bữa

Trẻ trên 24 tháng

Cho trẻ ăn cơm nát khi trẻ được 2 tuổi là thích hợp nhất vì lúc này trẻ đã qua giai đoạn ăn cháo, đã biết cắn nhai nghiền nát thức ăn trước khi xuống dạ dày.

Sữa công thức 500ml/ngày, 1 bữa cháo và 2 bữa cơm (có thể thay đổi tùy vào sở thích của trẻ).

Lượng thịt trẻ cần 100 – 120g/ngày.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương

comment Bình luận

largeer