Triệu chứng của bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore được Alfred Whitmore mô tả đầu tiên vào năm 1911 khi nghiên cứu một trường hợp bệnh ở Rangun, Myanma. Nhiều báo cáo sau đó cho thấy bệnh hiện diện ở nhiều nơi trên thế giới, ở cả người và động vật, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Úc và Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia và Việt Nam.
23/11/2022 11:28

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có ở đâu?

Bệnh Melioidosis, còn được gọi là bệnh Whitmore (hay dân gian thường gọi là “bệnh do vi khuẩn ăn thịt người”), là một bệnh truyền nhiễm có thể lây nhiễm sang người hoặc động vật. Bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei hoặc B. pseudomallei gây ra, được tìm thấy trong đất và nước bị ô nhiễm. Nó lây lan sang người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn bị ô nhiễm.

120221111143652

(Ảnh minh hoạ)

Melioidosis chủ yếu là bệnh của vùng khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á và miền bắc Australia, nơi bệnh lan rộng. Tuy nhiên, B. psuedomallei cũng được tìm thấy trong môi trường dọc theo Bờ Vịnh Mississippi ở Hoa Kỳ vào năm 2022. CDC và các đối tác của bang đang điều tra để xác định mức độ lan rộng của vi khuẩn này trong lục địa Hoa Kỳ.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore xâm nhập vào cơ thể qua con đường nào?

Bạn có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị ô nhiễm. Con người và động vật được cho là bị nhiễm trùng do hít phải bụi hoặc giọt nước bị ô nhiễm, uống nước bị ô nhiễm và ăn phải thực phẩm bị ô nhiễm đất hoặc tiếp xúc khác với đất bị ô nhiễm, đặc biệt là qua vết trầy xước trên da.

Rất hiếm khi người bị nhiễm vi khuẩn Whitmore lây bệnh từ người khác. Điều tra một số trường hợp đã được ghi nhận thì thấy đất và nước bề mặt bị ô nhiễm vẫn là con đường chính khiến con người bị nhiễm bệnh. Gần đây, cá nước ngọt nhiệt đới cũng được xác định là nguy cơ có thể nhiễm bệnh.

Các triệu chứng mắc bệnh Whitmore?

Bệnh có một loạt các dấu hiệu và triệu chứng. Nó có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác, chẳng hạn như bệnh lao hoặc các dạng viêm phổi phổ biến hơn.

Thời kỳ ủ bệnh từ 1 - 21 ngày, có thể kéo dài và khó xác định. Nhiễm trùng B. pseudomallei có thể là nhiễm trùng tiềm ẩn và tái kích hoạt giống bệnh lao.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì người ta chia ra các thể lâm sàng của bệnh Whitmore như sau:

Thể cấp tính

Các biểu hiện lâm sàng hay gặp

- Viêm phổi là thể bệnh hay gặp nhất, có biểu hiện lâm sàng giống với các viêm phổi mắc phải cộng đồng do các căn nguyên khác. Bệnh nhân có sốt cao, sốt rét run, ho đờm mủ. Tổn thương có thể tiến triển thành viêm phổi hoại tử dẫn đến suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn.

Nhiễm khuẩn huyết cũng là thể bệnh hay gặp, có thể không xác định được đường vào, dễ diễn biến thành sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng gây tử vong.

Các biểu hiện lâm sàng ít gặp hơn

- Ổ áp xe trong ổ bụng: áp xe gan, áp xe lách, áp xe cơ thắt lưng chậu.

- Da và mô mềm: tổn thương đa dạng không đặc hiệu như loét da, áp xe dưới da, mụn mủ rải rác, viêm mô tế bào, viêm cân mạc, áp xe cơ.

- Thận tiết niệu: Viêm thận bể thận, viêm tiền liệt tuyến, áp xe tiền liệt tuyến.

- Xương khớp: Viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng.

- Thần kinh: viêm màng não mủ, áp xe não, viêm màng não - tủy.

- Tim mạch: viêm màng ngoài tim, phình mạch.

- Áp xe hoặc viêm mủ tuyến mang tai.

- Viêm hạch bạch huyết.

Thể bán cấp và thể mạn tính

Biểu hiện lâm sàng thường gặp ở phổi và da.

– Tại phổi, tổn thương tạo hang. Bệnh nhân có sốt, ho đờm mủ hoặc ho máu, gầy sút cân, ra mồ hôi trộm về đêm. Bệnh cảnh tương tự lao phổi.

– Tại da, tổn thương là các u hạt, loét da khó lành.

Biểu hiện lâm sàng ở trẻ em

– Biểu hiện lâm sàng có thể khác với người lớn. Thể bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra nhưng không thường xuyên. Ngược lại, thường gặp các tổn thương da hoặc viêm mủ, áp xe tuyến mang tai.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh Whitmore cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám để phát hiện và điều trị kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer