Tuyên Quang xác định phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi mới

Khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, thời gian qua, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã liên kết phát triển trồng các loại cây dược liệu. Qua đó, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân mà còn tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, góp phần bảo tồn những loại cây dược liệu quý.
28/12/2022 17:43
c1

Trà hoa vàng (Ảnh minh họa)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, toàn tỉnh có gần 150 ha trồng cây dược liệu, trong đó có nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao như: Giảo cổ lam, cát sâm, sâm bố chính, đinh lăng, sachi, quế, nghệ, xạ đen, cà gai leo, hà thủ ô… Cây dược liệu có hầu hết ở các huyện, thành phố nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện: Lâm Bình, Chiêm Hoá, Sơn Dương. Với độ che phủ rừng tới 65%, việc phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng những năm gần đây còn đem lại hiệu quả kinh tế cao tại một số địa phương. Đặc biệt, huyện Lâm Bình còn sưu tầm và trồng thử nghiệm được loại thảo dược quý là trà hoa vàng, trà trường thọ được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loại trà”.

Xác định phát triển cây dược liệu là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo cú hích trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Sơn Dương đã hỗ trợ, vận động người dân tại một số xã trồng cây dược liệu, từ đó hình thành các vùng dược liệu tập trung. Đặc biệt, để đảm bảo đầu ra cho cây trồng, trước khi đưa cà gai leo vào trồng trên diện rộng tại các xã Hợp Hòa, Quyết Thắng, Sơn Nam, huyện đã làm cầu nối, liên kết với một số doanh nghiệp để kí kết hợp tác đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 16,5 ha cà gai leo, bước đầu mô hình này đã đem lại giá trị kinh tế cao gấp 2, 3 lần so với các loại cây trồng trước đây. Năm 2021, sản phẩm cà gai leo của xã Hợp Hòa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Công Sơn

comment Bình luận

largeer