Nghiên cứu đánh giá chất lượng dược liệu Đan sâm di thực nhập nội về trồng một số vùng tại Việt Nam

Cây đan sâm có tên khoa học là Salvia miltiorrhiza Bunge (Họ Lamiaceae), còn có tên gọi khác là đơn sâm, xích sâm, huyết sâm, là một cây thuốc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Dược liệu đan sâm (Radix Salviae miltiorrhiza) là rễ phơi khô hoặc sấy khô của cây Đan sâm, thường được dùng để chữa bệnh tim, kinh nguyệt không đều, phong thấp các khớp sưng đau, thần kinh suy nhược, mất ngủ…
27/12/2022 09:26

Trong y học cổ truyền Trung Quốc Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, đan sâm là thuốc tăng cường tuần hoàn máu, chữa đau nhói ở ngực và bụng, nhiễm khuẩn da, bồn chồn, chứng to gan lách, đau thắt ngực, đột quỵ [1-3]. Thành phần chính của đan sâm là tanshinone IIA, đã được sử dụng trên lâm sàng ở các nước châu Á để phòng ngừa và điều trị các bệnh về tim mạch [2]. Vì vậy, đan sâm là một vị thuốc quý và được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền.

Ở Việt Nam, Đan sâm được di thực vào từ vài chục năm trước và trồng ở trạm NC cây thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu). Tuy nhiên, giống này sau đó bị thoái hóa và không được phát triển. Những năm sau này Viện Dược liệu được Bộ Y tế phê duyệt cho triển khai và thực hiện đề tài: “Nghiên cứu nhân giống và trồng di thực cây Đan sâm Tứ Xuyên Trung Quốc tại Việt Nam”, giống vô tính đan sâm được nhập trực tiếp từ Tứ Xuyên, Trung Quốc về trồng nghiên cứu thực nghiệm tại nhiều vùng ở Việt Nam, mục đích của đề tài phát triển và chủ động cho nguồn dược liệu trong nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giống đan sâm di thực vào Việt Nam đã sinh trưởng và phát triển tốt tại một số vùng trồng. Chất lượng của các mẫu đan sâm di thực nhập nội sau khi thu hoạch ở từng vùng trồng khác nhau tại Việt Nam sẽ được kiểm tra, đánh giá.

dan-sam-1

(Ảnh minh họa)

Các mẫu Đan sâm thuộc đề tài: “Nghiên cứu nhân giống và trồng di thực cây Đan sâm Tứ Xuyên, Trung Quốc tại Việt Nam”, gồm có, 05 mẫu, lần lượt là: ĐS1 (mẫu được trồng và thu hái tại Sa Pa tháng 3), ĐS2-HN (trồng và thu hái tại Hà Nội tháng 1), ĐS3 (trồng và thu hái tại Thanh Hoá 7), ĐS4 (trồng và thu hái tại Phú Thọ ngày 7), ĐS5 (trồng và thu hái tại Tam Đảo tháng 2). Mẫu dược liệu đan sâm đối chiếu (ký hiệu ĐC) được mua từ Trung Quốc đạt Tiêu chuẩn DĐVN IV khi thí nghiệm.

Phương pháp nghiên cứu

Kiểm nghiệm dược liệu theo Dược điển Việt Nam IV

Chất lượng của các mẫu đan sâm được đánh giá theo Chuyên luận Đan sâm trong Dược điển Việt Nam IV.

Định lượng tanshinon IIA trong dược liệu:

Hàm lượng hoạt chất chính trong đan sâm là tanshinon IIA được định lượng bằng kỹ thuật sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) theo Dược điển Trung Quốc 2010 [5].

Chuẩn bị mẫu tanshinon IIA chuẩn: cân chính xác khoảng 5 mg mẫu tanshinon IIA chuẩn, hoà tan trong chính xác 5 ml MeOH, thu được dung dịch mẫu đối chiếu có nồng độ khoảng 1 mg/ml. Từ dung dịch này, tiến hành pha loãng thu được các dung dịch có nồng độ khác nhau để xây dựng đường chuẩn.

Chuẩn bị mẫu thử: cân chính xác khoảng 2 (g) dược liệu Đan sâm đã tán nhỏ, sấy khô và xác định độ ẩm. Chuyển vào bình tam giác 50 ml, thêm khoảng 15 ml MeOH, siêu âm trong 30 phút, lọc vào bình định mức 25 ml. Thêm tiếp 10 ml MeOH vào bã, siêu âm tiếp trong 15 phút, lọc tiếp vào bình định mức 25 ml trên. Bổ sung MeOH đến vạch mức, thu được dung dịch mẫu thử có nồng độ chính xác khoảng 80 mg/ml. Các mẫu phân tích trước khi tiêm vào hệ thống đều được lọc qua màng cellulose acetat 0,45 μm.

Điều kiện tiến hành phân tích: Hệ thống máy: HPLC, hãng Shimadzu, Nhật Bản; Cột: C18; Pha động là hệ dung môi: Acetonitril (B) - H2O (A); Tốc độ dòng: 0,7 ml/phút; UV: 270 nm; Rửa giải theo chương trình dưới đây:

Thời gian (phút)

B (%)

A (%)

Kiểu rửa giải

0 - 10

65

35

Đẳng dòng

10 - 20

65 - 90

35 - 10

Gradient

20 - 30

90

10

Đẳng dòng

30

Stop

Kết quả thu được cho thấy các mẫu thử ĐC, ĐS1, ĐS2, ĐS4, ĐS5 đều có các vết có cùng màu sắc và Rf với màu sắc và Rf của các mẫu đối chiếu cryptotanshinon, tanshinon IIA và tanshinon I, trong đó chất chính là tanshinon IIA. Riêng mẫu thử ĐS3 có một số vết giống về màu sắc và Rf với các vết của các mẫu Đan sâm còn lại, nhưng không phát hiện rõ các thành phần cryptotanshinon, tanshinon IIA và tanshinon I. Như vậy các mẫu ĐS1, ĐS2, ĐS4, ĐS5, đạt tiêu chuẩn của DĐVN IV về chỉ tiêu định tính bằng phương pháp sắc ký lớp mỏng; còn mẫu ĐS3 không đạt tiêu chí này.

Định lượng chất chiết được trong dược liệu

Quá trình định lượng chất chiết được trong dược liệu Đan sâm được tiến hành bằng hai kỹ thuật theo DĐVN IV là chất chiết được trong ethanol (tối thiểu 15%) và chất chiết được trong nước (tối thiểu 35%). Kết quả được biểu diễn trong bảng 1 cho thấy các mẫu ĐC (Trung Quốc), ĐS1, ĐS2, ĐS4 và ĐS5 đạt tiêu chuẩn DĐVN IV, riêng mẫu ĐS3 (Thanh Hóa) không đạt tiêu chuẩn DĐVN IV về chỉ tiêu định lượng chất chiết được.

Bảng 1. Kết quả định lượng chất chiết được trong các mẫu Đan sâm

STT

Kí hiệu mẫu

Chất chiết được trong ethanol

Chất chiết được trong nước

Hàm lượng

(%)

Kết luận

(theo DĐVN IV)

Hàm lượng

(%)

Kết luận

(theo DĐVN IV)

 

ĐC

18,1

Đạt

66,75

Đạt

 

ĐS1

19,04

Đạt

67,77

Đạt

 

ĐS2

16,76

Đạt

56,86

Đạt

 

ĐS3

9,46

Không đạt

30,93

Không đạt

 

ĐS4

15,03

Đạt

51,46

Đạt

 

ĐS5

18,22

Đạt

61,54

Đạt

 Kết quả xác định hàm lượng tanshinon IIA có trong 06 mẫu dược liệu Đan sâm (lặp lại 3 lần) được trình bày trong Bảng 2. Hàm lượng tanshinon IIA trong các mẫu Đan sâm nằm trong khoảng từ 0,22 đến 0,85% đều đạt Tiêu chuẩn trong DĐTQ 2010 (quy định phải đạt tối thiểu 0,2%). Riêng mẫu ĐS3 chỉ có hàm lượng tanshinon IIA là 0,013%, như vậy, mẫu ĐS4 trồng tại Thanh Hóa không đạt tiêu chí về hàm lượng tanshinon IIA theo Dược điển Trung Quốc 2010.

Bảng 2. Kết quả phân tích xác định hàm lượng tanshinon IIA trong các mẫu Đan sâm

STT

Kí hiệu mẫu

Hàm lượng (%) tanshinon IIA

Hàm lượng (%) tanshinon IIA trung bình

 

ĐC

(Trung Quốc)

0,48

 

0,42 ± 0,05

0,40

0,38

 

ĐS1

(Sa Pa)

0,88

 

0,85 ± 0,08

0,76

0,92

 

ĐS2

(Hà Nội)

0,31

 

0,22 ± 0,08

0,15

0,20

 

ĐS3

(Thanh Hóa)

0,015

 

0,013 ± 0,005

0,017

0,008

 

ĐS4

(Phú Thọ)

0,39

 

0,32 ± 0,06

0,28

0,30

 

ĐS5

(Tam Đảo)

0,69

 

0,62 ± 0,07

0,61

0,55

Kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng dược liệu đan sâm trồng và thu hái tại 4 địa điểm Sapa (ĐS1), Hà Nội (ĐS2), Phú Thọ (ĐS4) Tam Đảo (ĐS5) đều đạt tiêu chuẩn DĐVN IV, riêng mẫu trồng tại Thanh Hóa (ĐS3) không đạt tiêu chuẩn DĐVN IV. Tuy nhiên, việc định lượng hàm lượng hoạt chất chính trong đan sâm là tanshinon IIA đã cho thấy có sự chênh lệch lớn về hàm lượng hoạt chất này, chứng tỏ mẫu trồng tại khu vực vùng núi cao có khí hậu ôn đới như Sapa (ĐS1) và Tam Đảo (ĐS5) cho hàm lượng hoạt chất cao hơn nhiều so với các địa phương có khí hậu nhiệt đới là Phú Thọ, Hà Nội và Thanh Hóa. Có thể thấy rằng việc nhập giống đan sâm về trồng tại một số nơi có khí hậu ôn đới của Việt Nam là khả thi và dược liệu có chất lượng tốt.

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết các chỉ tiêu trong chuyên luận Đan sâm của DĐVN IV [4] là phù hợp với dược liệu được trồng và thu hái tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất bổ sung thêm chỉ tiêu định lượng hàm lượng hoạt chất tanshinon IIA trong dược liệu đan sâm bằng kỹ thuật HPLC nhằm cho biết mức chất lượng của dược liệu trong kiểm nghiệm [6]. Hàm lượng tanshinon IIA tối thiểu trong dược liệu đan sâm 0,2% [5] là phù hợp với dược liệu đan sâm được trồng và thu hái tại Việt Nam, nhưng có thể nâng lên mức cao hơn khi dược liệu được trồng ở các nơi có khí hậu phù hợp.

Kết luận

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đánh giá được chất lượng của dược liệu đan sâm được di thực về trồng tại 5 địa điểm khác nhau tại miền bắc Việt Nam và kết quả nghiên cứu đem lại hai ý nghĩa quan trọng:

Thứ nhất là thấy chất lượng đan sâm trồng tại Sapa và Tam Đảo có chất lượng tốt không kém so với dược liệu được trồng tại Trung Quốc, gợi ý rằng việc nhập giống và phát triển cây thuốc quý là đúng đắn.

Ý nghĩa thứ hai là đề xuất việc nâng cấp tiêu chuẩn dược liệu trong chuyên luận Đan sâm của Dược điển Việt Nam IV.

Tài liệu tham khảo

Đỗ Tất Lợi (2013), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Hồng Đức, 818-820.

Võ Văn Chi (2012), Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, NXB Y học, 869-870

Viện Dược liệu (2004), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học và kỹ thuật, trang 732-733.

Dược Điển Việt Nam IV (2009), Chuyên luận Đan sâm, trang 751-752.

Dược Điển Trung Quốc (2010), tập 1, trang 383-384.

Wen-Guang Jing, Jun Zhang, Li-Yan Zhang, Dong-Zhe Wang, Yue-Sheng Wang and An Liu (2013), “Application of a Rapid and Efficient Quantitative Analysis Method for Traditional Chinese Medicines: The Case Study of Quality Assessment of Salvia miltiorrhiza Bunge”, Molecules, 18, 6919-6935.

Ths. Ngô Quốc Luật, Trần Danh Việt, Phương Thiện Thương

Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Viện Dược liệu

2 Khoa Hóa phân tích - Tiêu chuẩn, Viện Dược liệu

comment Bình luận

largeer