Ứng dụng của thuyết ngũ hành trong y học cổ truyền

Trong y học cổ truyền, học thuyết ngũ hành được ứng dụng rộng rãi và được xem là kim chỉ nam cho hoạt động khám chữa bệnh.
28/09/2022 10:48

Trong nghiên cứu công năng, quan hệ sinh lý của tạng phủ

Theo quy luật tương sinh, quan hệ sinh lý phủ tạng được diễn giải như sau:

- Cam mộc sinh tâm hỏa: Công năng can tàng huyết bình thường khiến tâm phát huy được công năng chủ huyết mạch.

- Tâm hỏa sinh tỳ thổ: Khi chức năng tâm chủ huyết mạch bình thường, huyết dưỡng tỳ thì chủ vận hóa, sinh huyết, thống huyết…

Về quan hệ hỗ chế tạng phủ theo tương khắc:

- Thận thủy khắc tâm hỏa: Ức chế tâm hỏa cang thịnh.

- Phế kim khắc can mộc: Phế khí thanh túc và can dương thượng cang bị ức chế.

thuyet-ngu-hanh-thuoc-dieu-tri

(Ảnh minh họa)

Trong diễn biến của bệnh

Do học thuyết ngũ hành diễn giải hai quy luật tương sinh – tương khắc nên khi ứng dụng vào quan sát diễn biến của bệnh trong thực tế, y học cổ truyền cũng chia các chuyển biến theo quan hệ tương sinh và tương khắc. Cụ thể như sau:

Trong mối quan hệ tương sinh:

- Mẫu bệnh cập tử: Thận thủy sinh can mộc, thận được gọi là mẫu tạng, can là tử tạng, bệnh lý về thận ảnh hưởng đến can.

- Tử bệnh phạm mẫu: Can mộc sinh tâm hỏa, có tâm bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến can.

Trong mối quan hệ tương khắc:

- Tương thừa: Tương khắc thái quá sẽ sinh bệnh, can mộc khắc tỳ thổ quá cũng sẽ gây bệnh. Khi tỳ vị bị ảnh hưởng quá cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa.

- Tương vũ: Phế kim khắc can mộc, nhưng can mộc quá mạnh nên khắc lại phế kim. Khi can hỏa thiên thịnh sẽ gây đau tức ngực sườn, cáu gắt, ho lẫn máu,…

Về chẩn đoán và điều trị

Y học cổ truyền căn cứ vào các triệu chứng của bệnh để tìm tạng phủ có liên quan. Việc chẩn đoán, điều trị và dùng thuốc/châm cứu cũng dựa vào chính những quy luật mà học thuyết âm dương diễn giải.

Chẩn đoán

Căn cứ vào sắc, vị và mạch thầy thuốc có thể chẩn đoán tạng bệnh. Ví dụ, khi sắc mặt xanh, thèm chua, mạch huyền có thể là can bệnh; Nếu sắc mặt đỏ, đắng miệng, mạch hồng thì là tâm hỏa khang thịnh.

Đồng thời, học thuyết cũng được ứng dụng trong việc suy đoán chuyển biến của bệnh từ thuộc tính chủ về sắc tạng. Ví dụ như ở các bệnh nhân tỳ hư, sắc mặt vàng chuyển qua xanh sẽ là mộc thừa thổ; Bệnh nhân sắc dương đỏ chuyển qua đen là thủy khắc hỏa.

Điều trị

Căn cứ vào những diễn giải của học thuyết ngũ hành, y học cổ truyền điều trị bệnh bằng việc khống chế các chuyển biến của bệnh đồng thời xác định các nguyên tắc điều trị phù hợp. Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào cũng phụ thuộc vào hai quy luật của học thuyết:

- Căn cứ theo quy luật tương sinh: Hư thì bổ mẹ – không nên trực tiếp trị can mà nên bổ thận thủy, từ đó sinh ra can mộc). Thực thì tả con – nên điều trị theo cách dùng tả tâm hỏa để giúp tả can hỏa.

- Căn cứ quy luật tương khắc: Dùng ức cường khi tương khắc thái quá và phù nhược khi tương khắc bất cập.

Sử dụng thuốc

Đông y sẽ căn cứ vào vị và sắc của thuốc để có lựa chọn phù hợp với thể bệnh của bệnh nhân. Những thuốc có vị chua, màu xanh thì tác động vào can; Thuốc có vị đắng, màu đỏ tác động vào tâm; Thuốc có màu vàng dùng tác động vào tỳ; Thuốc vị mặn, màu đen tác dụng vào thận.

Về châm cứu

Bên cạnh các nội dung về chẩn đoán và dùng thuốc, học thuyết ngũ hành cũng giúp y học cổ truyền đưa ra được phương pháp châm cứu phù hợp. Song cũng tùy thuộc vào kinh âm hay kinh dương của mỗi loại huyệt tương ứng với các hành mà thầy thuốc sẽ có những cân nhắc phù hợp.

Việc đi sâu nghiên cứu các ứng dụng của thuyết ngũ hành với y học đòi hỏi sự kết hợp với thuyết âm dương. Bởi dựa trên những lý luận của học thuyết âm dương, y học cổ truyền mới chỉ ra chính xác mối quan hệ giữa tạng phủ, từ đó chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả.

Học thuyết ngũ hành thuộc phạm trù của những lý luận biện chứng trong triết học cổ đại. Với những diễn giải về quy luật cùng sự phân chia thuộc tính rõ ràng, học thuyết này dần đi sâu vào y học cổ truyền và trở thành bộ phận lý luận y dược không thể thiếu.

Theo Tạp chí Y học cổ truyền

comment Bình luận

largeer