VACHE tổ chức chương trình Tọa đàm số 3 về chăm sóc sức khỏe chủ động - chìa khóa để nuôi dưỡng những giấc mơ

Chiều ngày 15/12/2024, tại Hà Nội, Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam (VACHE) tổ chức chương trình Tọa đàm số 3 với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe chủ động - chìa khóa để nuôi dưỡng những giấc mơ".
17/12/2024 07:30

Tham dự Tọa đàm, đại diện lãnh đạo Trung ương Hội có ông Bùi Ngọc Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Tưởng Ban Truyền thông Giáo dục Hội; Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Ban Truyền thông Giáo dục Hội. Cùng các ông, bà khách mời tham dự chương trình.

Các diễn giả trong buổi Tọa đàm có TS.BS. Hoàng Thị Bạch Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Hội, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm Giáo dục sức khỏe cộng đồng Hà Nội, Chủ tịch & CEO Công ty TNHH Chăm sóc giảm nhẹ Chân Trời Mới; Bà Hồ Phương Anh, CEO Tràm Viên Minh, Mentor Dự án Academy for Women Entrepreneurs (AWE); Bác sĩ Nguyễn Bích Phượng, Giám đốc vận hành. 

IMG_5598

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Chăm sóc sức khỏe chủ động

Chia sẻ về chủ đề "Chăm sóc sức khỏe chủ động", TS.BS. Hoàng Thị Bạch Dương nhận định: Sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Khi chúng ta có sức khỏe, chúng ta có thể có cả triệu giấc mơ, nhưng khi chúng ta không có sức khỏe thì chúng ta chỉ có một giấc mơ duy nhất là có sức khỏe. Chúng ta là những người gieo mầm và nuôi dưỡng giấc mơ cho bản thân, cộng đồng và xã hội.

Trong xã hội hiện nay, có rất nhiều tác động ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe như: Áp lực công việc, cuộc sống; Thiếu thời gian để đi khám bệnh và đi khám cũng mất nhiều thời gian chờ đợi; Sợ bệnh viện; Thói quen sinh hoạt bị ảnh hưởng do yêu cầu công việc: Tiếp khách, bia rượu, hút thuốc, stress, sinh hoạt không điều độ,...

IMG_5605

TS.BS. Hoàng Thị Bạch Dương chia sẻ tại Tọa đàm

Mặt khác, nền y tế của Việt Nam còn nhiều vấn đề như: Bệnh viện đông đúc và luôn quá tải; Các bác sĩ vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc khám sức khỏe định kỳ; Chưa quan tâm tới chăm sóc dự phòng; Vấn đề an toàn thực phẩm còn chưa được quản lý chặt chẽ. Vì vậy, nhiều người lựa chọn ra nước ngoài để khám chữa bệnh hoặc bỏ qua việc khám sức khỏe cho mình, một số khác thì chờ có bệnh mới đi chữa. Điều này, vô hình chung dẫn đến hậu quả suy giảm chất lượng sống; Gia tăng chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe.

Tình hình mắc bệnh hiểm nghèo tại Việt Nam

Bệnh hiểm nghèo được cho là một bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng của người bị mắc phải. Có tới 42 bệnh hiểm nghèo được quy định tại Việt Nam. Trong đ́ó có các bệnh hay gặp như: Ung thư; Các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ,...; Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ; Suy gan, thận; Các bệnh cơ, xương, khớp; Các bệnh về thần kinh gây liệt.

TS.BS. Hoàng Thị Bạch Dương cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong số 56,9 triệu ca tử vong trên toàn thế giới năm 2016 thì hơn 50% là do 10 căn bệnh hiểm nghèo nhất gây ra. Bệnh tim do thiếu máu cục bộ và đột quỵ là những “kẻ giết người” lớn nhất. Những căn bệnh này vẫn là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong toàn cầu trong 15 năm qua.

Bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ (bệnh động mạch vành)

Căn bệnh này xảy ra khi các mạch cung cấp máu cho tim bị thu hẹp. Khi không được điều trị, bệnh mạch vành có thể dẫn đến đau ngực, suy tim và rối loạn nhịp tim.

Các yếu tố nguy cơ của thiếu máu cơ tim cục bộ bao gồm: Huyết áp cao; Nồng độ cholesterol cao; Hút thuốc; Tiền sử gia đình bị bệnh mạch vành; Bệnh đái tháo đường; Thừa cân béo phì.

Đột quỵ

Đột quỵ xảy ra khi một động mạch trong não bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Điều này khiến cho các tế bào não bị thiếu oxy và bắt đầu chết dần trong một vài phút. Khi cơn đột quỵ diễn ra, bạn có thể cảm thấy tê đột ngột và gặp khó khăn khi đi lại hay nhìn xung quanh. Nếu không điều trị kịp thời, căn bệnh này sẽ gây ra những thương tật vĩnh viễn.

Nhiễm trùng đường hô hấp dưới

Đường dẫn khí và phổi có thể bị nhiễm trùng do: Cúm; Viêm phổi; Viêm phế quản; Bệnh lao.

Virus hay vi khuẩn đều có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Ho chính là triệu chứng chính. Ngoài ra, bạn có khi cảm thấy khó thở, thở khò khè và có cảm giác căng cứng lồng ngực. Nhiễm trùng đường hô hấp không được điều trị sẽ dẫn đến suy hô hấp và tử vong.

Cách phòng tránh:

- Khám sức khỏe định kỳ.

- Thay đổi lối sống: Không uống quá nhiều bia rượu; Không hút thuốc lá; Không ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ chiên xào, hạn chế đồ ăn nhanh.

Đặc điểm về các rối loạn chuyển hóa ở người cao tuổi (NCT)

Chuyển hóa đường có đặc điểm: Giảm dung nạp; Giảm chuyển hóa; Giảm dự trữ glycogen dẫn đến đường dư và tích lũy mỡ. Điều này sẽ gây ra nguy cơ rối loạn dung nạp đường; Gan nhiễm mỡ; Rối loạn mỡ máu.

Chuyển hóa đạm có đặc điểm: Giảm hấp thu, tiêu hóa, tổng hợp. Dẫn đến nguy cơ thiếu đạm; Thiếu cân; Sa sút trí tuệ; Suy giảm miễn dịch.

Chuyển hóa chất béo có đặc điểm giảm MEN LIPASE dẫn đến tăng mỡ máu. Có nguy cơ xơ vữa động mạch; Đột quỵ; Nhồi máu cơ tim.

Những yếu tố liên quan đến sức khỏe NCT

+ Nước: Lượng nước trong cơ thể người lớn chiếm 60% trọng lượng cơ thể (40% trong tế bào 20% ngoài tế bào); Trẻ con là 80%; Người cao tuổi chiếm 50% (30% trong tế bào 20% ngoài tế bào).

Nước trong cơ thể được gọi là “dịch cơ thể” chứa nhiều chất hòa tan khác nhau. Sự sống được duy trì bởi dịch cơ thể với khối lượng lớn.

Hậu quả của việc thiếu nước: Rối loạn ý thức; Ảnh hưởng đến chức năng tỏa nhiệt và tuần hoàn; Làm giảm chức năng vận động (nhất là sức chịu đựng); Xuất hiện ảo giác; Chết.

Làm thế nào để đạt được chỉ tiêu về nước uống:  Đa dạng hóa loại nước uống: Nước như nước lọc, nước lọc có vắt vài giọt chanh, soda…; Trà như các loại trà thanh nhiệt, trà lá sen, trà ô long, cà phê, trà đen, trà mướp đắng,….; Sữa, các loại nước hoa quả,…; Nước đưa vào cơ thể bằng cách ăn như thạch (Agar jelly).

Không bao gồm: Canh, các loại súp; Các đồ uống chứa cồn như bia…

Một số điểm lưu ý khi cung cấp nước cho cơ thể: Khi thức dậy cơ thể rất cần được cung cấp nước vì vậy nên uống nước ngay khi thức dậy; Nếu uống 1/2 lượng nước (cần thiết trong một ngày) vào buổi sáng sẽ làm tăng khả năng vận động; Nên uống nước “trước” và “sau” khi hoạt động; Nên đa dạng hóa các đồ uống; Tận dụng thói quen và sở thích.

Uống nước là một trong những kỹ thuật để nâng cao sức khỏe NCT: Lượng nước cần thiết trong 1 ngày là 1.500ml hoặc nhiều hơn; 1.800ml đối với người bị bệnh tiểu đường hoặc đang uống thuốc Lasix; Càng nhiều nước càng tốt cho cơ thể.

Triệu chứng phù chân: Có thể cải thiện triệu chứng “phù chân” khi cung cấp nước vào cơ thể bằng cách “vận động” như đi lại, tập thể dục,…

+ Dinh dưỡng

Dinh dưỡng hợp lý cho sức khỏe NCT: Đối với người trên 50 tuổi, dinh dưỡng hợp lý giúp cho: Tinh thần minh mẫn; Chống lại bệnh tật; Tăng cường sinh lực; Rút ngắn thời gian hồi phục; Quản lý tốt các bệnh mãn tính.

Dinh dưỡng tốt là cần phải có đầy đủ các yếu tố sau: Tươi; Nhiều màu sắc, nhiều chủng loại; Nhiều chất xơ, ít dầu mỡ (hạn chế đồ chiên, xào); Giảm lượng muối trong chế biến thức ăn và giảm đường trong khẩu phần ăn; Ăn uống điều độ, không được bỏ bữa; Không nên ăn một mình.

+ Những thức ăn mà cơ thể cần được cung cấp: 

Hoa quả: Nên ăn hoa quả tươi thay vì chỉ uống nước ép để có thêm chất xơ và vittamin: cần ăn ít nhất 1,5 – 2 quả/ngày. 

Rau: Nên chọn các loại rau có lá màu xanh sẫm như rau cải xoong, rau chân vịt ,súp lơ xanh,... và các loại rau củ có màu vàng, màu cam như cà rốt, bí đỏ,… để tăng cường tác dụng chống ôxy hóa. 

Ngũ cốc: Nên bổ sung ngũ cốc ( vd: 5-6 lát bánh mì/ngày, hoặc 1 cốc ngũ cốc ) thay vì chỉ ăn cơm để tăng cường chất xơ và dinh dưỡng.

Chất đạm: Người lớn trên 50 tuổi không có bệnh thận hoặc bệnh tiểu đường cần trung bình khoảng 1-1,5 gram protein/kg cân nặng/ngày và nên chia đều cho các bữa ăn và không nên chỉ tập trung vào đạm động vật mà nên bao gồm cả cá và đạm thực vật: các loại hạt, đậu, trứng , sữa tách béo, phomai,...

Vitamin B: Sau 50 tuổi, dạ dày sản xuất ít dịch axit à khó khăn cho việc hấp thụ vitamin B 12 - cần thiết để giúp tăng cường tái tạo hồng cầu và nuôi dưỡng các tế bào thần kinh. Do đó nên bổ sung khoảng 2,4 mcg B12/ngày từ thực phẩm chức năng.

Vitamin D: Nên bổ sung Vitamin D để chống loãng xương từ trứng, sữa,... hoặc thực phẩm chức năng.

Lưu ý: Nên chia thành 4-5 bữa thay vì chỉ ăn 3 bữa/ngày giúp cho quá trình trao đổi chất và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn; Không nên chan canh vào cơm khi ăn mà để canh riêng để tránh bị sặc; Hạn chế nói chuyện trong bữa ăn.

Vận động: Khiêu vũ 2-3 lần/tuần; Đi bộ trong công viên, siêu thị 1 giờ/ngày; Tham gia các CLB thơ, thư pháp, âm nhạc, dưỡng sinh,… giúp cho tinh thần luôn vui vẻ; Đến các trung tâm chăm sóc tập phục hồi chức năng vận động và trí não thông qua vật lý trị liệu và lao động trị liệu;...

Ứng dụng tinh dầu trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng 

Đến với Tọa đàm, bà Hồ Phương Anh, CEO Tràm Viên Minh đã giới thiệu cho các khách mời về việc ứng dụng trực tiếp tinh dầu trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng và hướng dẫn thực hành cách xoa bóp với tinh dầu.

IMG_5617

Bà Hồ Phương Anh chia sẻ tại Tọa đàm

Massage kinh lạc là gì?

Kinh lạc là tên gọi chung của kinh mạch và lạc mạch trong cơ thể. Kinh là đường thẳng, là cái khung của hệ kinh lạc, đi ở sâu. Lạc là đường ngang, từ kinh mạch chia ra như mạng lưới đến khắp mọi nơi và đi ở nông.

Khi kinh lạc thông suốt thì khí huyết, dòng chảy năng lượng được đảm bảo, cơ thể khỏe mạnh. Ngược lại, bị tắc nghẽn thì phát sinh bệnh tật, sức khỏe suy yếu.

Massage kinh lạc là gì?

Chức năng kinh lạc: Kinh lạc là nơi tuần hoàn của khí huyết để duy trì sự sống nuôi dưỡng toàn thân, thúc đẩy hoạt động chức năng của tạng phủ, làm cho cơ thể thành một khối thống nhất.

Năng lực cảm ứng: Cảm ứng mọi thay đổi, tác động lên cơ thể. Là đường xâm nhập, truyền bệnh vào cơ thể, là nơi phản ánh tình trạng bệnh tật của cơ thể. Dựa vào điểm đau và hướng dẫn truyền tin có thể biết kinh, tạng phủ nào bị bệnh; là đường dẫn truyền các kích thích của châm cứu và dẫn thuốc vào các tạng phủ.

Chức năng vận hành: Chuyên chở khí huyết, hấp thu dinh dưỡng, bài tiết chất thải. Kinh lạc tắc nghẽn dẫn đến mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp...

Khả năng phục hồi: Hệ thống chống lại sự xâm nhập của bệnh tật. Tiêu độc trừ tà. Phối hợp nhịp nhàng giữa kinh lạc và lục phủ ngũ tạng. Một bệnh có thể trị bằng nhiều huyệt và 1 huyệt trị nhiều bệnh.

Kinh lạc phản ánh bệnh: Kinh lạc không đủ dương khí: Sợ lạnh, kỵ rét. Kinh lạc không đủ âm khí, dương khí quá mạnh: Tay chân nóng sốt, bực bội, sốt toàn thân...

Vì sao massage kinh lạc hiệu quả?

Vòng tuần hoàn kinh mạch: Các kinh dương nối tiếp nhau ở vùngmặt; Các kinh âm nối tiếp nhau ở các tạngtrong ngực bụng; Các kinh âm và kinh dương nối tiếpnhau ở đầu chi.

Tinh: Tinh là cơ sở vật chất của sự sống con người và các loại hoạt động cơ năng của cơ thể, khí và thần đều do tinh sinh ra. Tinh tiên thiên là bẩm tố của cha, mẹ truyền lại qua tế bào sinh dục. Tinh hậu thiên do tạng tỳ vận hoá từ đồ ăn, thức uống.

Thần: Là thứ vô hình, chỉ những hoạt động tinh thần, ý thức và tư duy. Thần biểu hiện bên ngoài của tinh, khí, huyết, tân dịch, sự sống con người: “Còn thần thì sống, mất thần thì chết”. Thần tốt: Tỉnh táo, linh hoạt, mắt sáng, ý thức tốt. Thần yếu: Vẻ mặt bơ phờ, ánh mắt mờ tối, thờ ơ lãnh đạm, ý thức rối loạn. Tinh, khí, thần là ba thứ quý nhất (tam bảo) của sự sống.

Khí: Là năng lượng hoạt động của cơ thể do tinh huyết tạo ra. Khí có quan hệ âm dương với huyết, khí thuộc dương, huyết thuộc âm. Khí có tác dụng thúc đẩy huyết và các công năng tạng phủ, kinh lạc hoạt động. “Khí hành, huyết hành; Khí trệ, huyết ứ”. Tinh khí tiên thiên: Bẩm thụ từ cha mẹ, tức là tinh khí của thận. Tinh khí của tỳ vị hóa sinh: Tinh khí của thức ăn. Tinh khí do phế hô hấp: Khí tự nhiên.

Ba loại khí này quan hệ mật thiết, tạo nguồn sinh khí của toàn thân. Dưới tác dụng "khí hóa" của thận... hình thành nên các loại khí cần thiết cho sự sống.

Khí có vai trò:

- Tác dụng kích thích phát triển: Kích thích tổ chức sản sinh ra các hoạt động sinh lý như thúc đẩy vị tiêu hóa hấp thu, sinh ra tinh khí của đồ ăn uống; thúc đẩy thận xúc tiến công năng phát dục - sinh trưởng - sinh sản của cơ thể...

- Tác dụng ôn ấm: Duy trì nhiệt độ hằng định của cơ thể...

- Tác dụng phòng ngự: Vệ khí phân tán ở khắp cơ thể để bảo vệ chống lại sự xâm nhập của tà khí.

- Tác dụng cố nhiếp: Làm cho huyết dịch vận chuyển trong lòng mạch, tân dịch vận chuyển bình thường mà không bị thoát ra ngoài.

- Tác dụng khí hóa: Khí hóa là thông qua vận động của khí mà sản sinh các loại biến hóa. Tác dụng khí hoá liên quan đến toàn bộ quá trình sản sinh, trao đổi và chuyển hóa của khí, huyết, tinh và tân dịch.

Huyết:

- Huyết là vật chất trọng yếu để duy trì hoạt động sống, tuần hành trong lòng mạch nhờ tác động thúc đẩy của khí để thành dịch thể mầu hồng nuôi dưỡng toàn thân.

- Do tinh tiên thiên kết hợp với chất tinh vi của đồ ăn uống hóa sinh nên. Thông qua việc tiêu hóa hấp thu, chất tinh vi đồ ăn uống phân bố lên tâm phế, nhờ tác dụng khí hóa nhập vào trong mạch hóa sinh thành huyết.

- Ngoài ra còn có thuyết tinh huyết đồng nguyên: Thận tàng tinh chủ cốt sinh tủy, tinh và tủy có thể hóa sinh thành huyết. Vì thế, huyết là do chất tinh vi của đồ ăn uống - doanh khí - tinh tủy... hóa sinh nên; là do tỳ - thận - vị - tâm - phế... thông qua tác dụng khí hóa mà hình thành nên huyết.

Chức năng của huyết:

- Huyết là một trong những vật chất trọng yếu để nuôi dưỡng cơ thể.

- Tâm chủ thần chí, chủ huyết mạch, huyết dưỡng tâm, nhờ có sự nuôi dưỡng của tâm huyết mới có thể duy trì được tư duy - ý thức. Nếu tâm mất sự nuôi dưỡng, nhẹ thì gây hồi hộp trống ngực, hay quên; nặng thìgây đau tức ngực, hôn mê.

- Huyết duy trì sự bình hằng của âm dương. Huyết thiếu thì âm hư, âm hư không khống chế được dương nên dễ sinh ra nhiệt chứng. Vì vậy huyết là vật chất trọng yếu duy trì cân bằng âm dương.

Tân dịch: Tân dịch là chất lỏng trong cơ thể có tính chất dinh dưỡng, có tác dụng duy trì cân bằng thủy dịch trong cơ thể, được phân bổ khắp toàn thân, từ tạng phủ đến da lông để nuôi dưỡng như làm nhu nhuận da thịt (tân) và làm trơn ướt các khớp để cử động dễ dàng (dịch). Tân và dịch có thể chuyển hóa và điều tiết lẫn nhau. Ví như khi cơ thể thiên nhiệt thì mồ hôi ra nhiều, thiên hàn thì tiểu tiện lại nhiều, ăn uống nhiều thì tiểu tiện nhiều...

- Tân loãng mà nhẹ, tính lưu động cao, chủ yếu thấm nhuận ở cơ nhục bì phu, có tác dụng nuôi dưỡng.

- Dịch đặc mà nặng, tính lưu động ít hơn, chủ yếu ở khớp xương, não, tủy, ngũ quan... có tác dụng hoạt nhuận xương khớp, tư dưỡng lỗ khiếu đồng thời làm trấn tinh bổ tủy.

Phế là nơi giữ mọi khí, vị là cơ sở của nguồn sinh hoá: Phế chủ khí của toàn thân, tổng quản các tổ khí của tiên thiên, sinh khí của hậu thiên, vị khí, vệ khí, dinh khí và tông khí. Vị là cái bể chứa thuỷ cốc, ngũ tạng lục phủ đều nhờ nó tưới bón, nó sinh ra huyết, ra tinh, ra khí, ra thần, là cơ sở của nguồn sinh hoá.

Trong buổi Tọa đàm, bà Hồ Phương Anh còn trực tiếp hướng dẫn tắm nắng đúng cách giúp hấp thụ đủ các vitamin cần có cho cơ thể; Cách massage các vị trí trên cơ thể giúp tăng đề kháng; Chú ý những ví trị nên giữ ấm cho cơ thể; Massage ở đâu để hiệu quả.

Ứng dụng chăm sóc sức khỏe trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam

IMG_5626

Bác sĩ Nguyễn Bích Phượng chia sẻ tại Tọa đàm

Cũng trong buổi Tọa đàm, bác sĩ Nguyễn Bích Phượng đã giới thiệu về ứng dụng IVIE – Bác sĩ ơi. Đây là ứng dụng chăm sóc sức khỏe trực tuyến 24/7, với nhiều tính năng nổi bật như:

- Đặt lịch khám ưu tiên tại các cơ sở y tế trên toàn quốc, nói không với xếp hàng lấy số.

- Tư vấn trực tuyến 1:1 với bác sĩ thông qua video call mọi lúc mọi nơi.

- Miễn phí chat riêng bác sĩ, đảm bảo sự riêng tư, hỗ trợ kịp thời, chuyên môn cao.

- Gọi bác sĩ khẩn cấp SOS hoạt động 24/7.

- Ngoài ra còn nhiều tính năng hữu ích như: Mua thuốc online giao ngay tại nhà; Quản lý Hồ sơ sức khỏe; Cộng đồng hỏi đáp sức khỏe; Nghe tiếng ho; Đếm bước chân...

Bác sĩ Nguyễn Bích Phượng hy vọng rằng, với ứng dụng này, người dân sẽ nhận được sự ưu tiên kịp thời trong thăm khám sức khỏe bất kỳ lúc nào, ở mọi nơi, mọi lúc. Ứng dụng cũng rất tiện lợi, phù hợp với mọi lứa tuổi và dễ dàng sử dụng sau khi cài đặt.

IMG_5663

Thay mặt lãnh đạo VACHE, ông Bùi Ngọc Minh chúc mừng và tặng hoa cho 2 diễn giả

Trong buổi Tọa đàm số 3 này đã có rất nhiều thông tin hữu ích, trực tiếp giải đáp những vấn đề thường gặp nhất liên quan đến chăm sóc sức khỏe chủ động, những vấn đề cần ưu tiên đối với sức khỏe người cao tuổi, hay cách massaga giúp lưu thông khí huyết,... Tất cả những kiến thức được truyền tải trong Tọa đàm rất hữu ích với mỗi người, chỉ cần chú tâm đến những thay đổi của cơ thể hay tập luyện đúng cách là chúng ta đã có thể tự bảo vệ sức khỏe bản thân.

IMG_5669

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh kỉ niệm

Chương trình Tọa đàm là một trong những hoạt động thường niên của VACHE, sau sự thành công của chương trình số 1 và 2, chương trình số 3 tiếp tục mang đến những kiến thức chăm sóc sức khỏe mới, bổ ích. Trong số tiếp theo, VACHE hứa hẹn sẽ có những chủ đề hấp dẫn, giúp người dân có kiến thức tốt trong chăm sóc sức khỏe và truyền thông lan tỏa ra toàn xã hội.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer